Bệnh Alzheimer đáng sợ như thế nào?

Alzheimer là căn bệnh suy giảm trí nhớ rất đáng sợ ở người già. Đáng nói hơn, hiện nay chưa có biện pháp chữa trị hoàn toàn cho người mắc bệnh này. Vì vậy, chúng ta nên nhận biết sớm các dấu hiệu của Alzheimer và có cách phòng tránh kịp thời nhất.

Bệnh Alzheimer gây ra nhiều phiền toái và khiến người bệnh dễ thay đổi tình tính, thói quen. Nhất là khi chuyển sang giai đoạn nặng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng nhận thức ở người mắc phải. Thậm chí họ còn không thể nhớ được các sự kiện vừa xảy ra cách đó một vài giờ. Đây là căn bệnh hết sức nguy hiểm, cần được nhận biết sớm để có biện pháp khống chế phù hợp.

Bệnh Alzheimer  là gì?

Alzheimer chính là căn nguyên gây nên các chứng suy giảm trí nhớ ở người già. Với biểu hiện đặc trưng ban đầu đó là sự mất dần các nơron thần kinh và synap có trong vỏ não.

Bệnh chủ yếu xuất hiện ở người trên 65 tuổi. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp hy hữu mắc bệnh trong độ tuổi 50-55 tuổi kèm theo các triệu chứng giảm trí nhớ, gặp khó khăn trong giao tiếp hàng ngày. 

Đối tượng dễ mắc Alzheimer gồm những ai?

Mặc dù đối tượng phổ biến của Alzheimer là người già nhưng ở người trẻ cũng vẫn có nguy cơ mắc phải nếu nằm trong nhóm các đối tượng sau đây:

  • Người có tiền sử bị chấn thương vùng đầu hoặc bị suy giảm nhận thức ở thể nhẹ.
  • Người thường xuyên đối mặt với stress căng thẳng, áp lực công việc và không được nghỉ ngơi điều độ.
  • Người có lối sống không lành mạnh, lạm dụng chất kích thích, ăn ít rau xanh và lười vận động.
  • Người ít giao tiếp xã hội hoặc làm các công việc lặp đi lặp lại, ít các hoạt động thử thách trí não.
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh Alzheimer sẽ có nguy cơ bị cao hơn nhiều lần so với người bình thường.

Ngoài ra, phần lớn người già trên 65 tuổi sẽ mắc phải Alzheimer ở thể nhẹ hoặc thể nặng nếu không phát hiện điều trị kịp thời.

Triệu chứng dễ nhận biết của Alzheimer 

Các dấu hiệu của bệnh Alzheimer thường tiến triển rõ ràng theo từng giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn 1: Trước khi bị mất trí nhớ

Khi này người bệnh thường gặp các tình huống khó khăn trong việc ghi nhớ sự kiện gần nhất và không thể tiếp thu thêm các thông tin mới.

Khả năng tập trung chú ý và lập kế hoạch cũng bị suy giảm nhanh chóng. Đôi khi họ còn mất nhận thức trong một số khoảnh khắc nhất định.

Giai đoạn 2: Dấu hiệu suy giảm nhận thức rõ rệt dần

Ở giai đoạn này người bệnh sẽ cảm thấy chức năng ngôn ngữ bị suy giảm rõ rệt. Họ thường gặp khó khăn khi dùng từ và sự lưu loát trong việc nói và viết.

Bệnh Alzheimer khiến người bệnh bị rối loạn ngôn ngữ

Thậm chí quên mất hẳn các sự kiện xảy ra ở quá khứ và không nhớ cách dùng một số vật dụng thông thường. Tuy vậy do các dấu hiệu chỉ thi thoảng lặp lại nên bệnh nhân chủ quan ít khi để ý.

Giai đoạn 3: Các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ phát triển nặng hơn

Người bệnh lúc này thậm chí không thể diễn tả ý định của mình bằng lời nói, họ quên mất từ vựng và khả năng đọc viết cũng dần bị mất đi. Việc đi lại cũng trở nên khó khăn hơn, dễ té ngã và đôi khi không kiểm soát được các hành động cơ thể.

Dần dần bệnh nhân sẽ quên mất tên người thân, không nhớ đặc điểm nhận dạng. Thậm chí tính tình bỗng chốc khó chịu, thay đổi thất thường, dễ nóng nảy và đi lang thang vô định. Một số trường hợp còn gặp phải ảo giác, dễ lầm tưởng và suy đoán sai lệch.

Giai đoạn 4: Mất khả năng sinh hoạt cá nhân

Đây là giai đoạn nặng nhất khi mắc phải Alzheimer. Lúc này bệnh nhân gần như mất hoàn toàn khả năng tự vệ sinh cá nhân và phải phụ thuộc hẳn vào người chăm sóc. Khả năng ngôn ngữ cũng dần biến mất, họ thậm chí chỉ nói được vài từ đơn, rồi cuối cùng mất hẳn.

Sức khỏe của bệnh nhân giai đoạn này đã đến lúc suy kiệt, việc tiếp thu chất dinh dưỡng qua thức ăn cũng kém đi nhiều. Người bệnh có thể phải nằm liệt giường, hoặc nặng hơn là tử vong do các bệnh lý khác được dịp phát triển như viêm phổi, nhiễm trùng.

Biện pháp phòng ngừa sớm bệnh Alzheimer 

Bệnh Alzheimer vốn không thể chữa khỏi hoàn toàn. Hiện nay người ta chỉ áp dụng các biện pháp can thiệp nhằm khống chế để bệnh không phát triển nặng hơn. Xét về mức độ nguy hiểm, căn bệnh này thực sự là mối lo ngại với người già và số ít ở người trẻ.

Bệnh Alzheimer khiến người bệnh mất khả năng tự vệ sinh cá nhân

Do đó, ngay từ bây giờ chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa sớm để không mắc phải căn bệnh oái ăm này. Cụ thể:

  • Nên tăng cường ăn nhiều hơn rau xanh, hoa quả, có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ khoa học.
  • Không làm việc quá sức hoặc stress thường xuyên, hãy để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi tái tạo năng lượng.
  • Hạn chế tiêu thụ chất kích thích, rượu bia, thức ăn nhanh, đồ chiên nấu nhiều dầu mỡ.
  • Bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin E, Vitamin C, vitamin B9.
  • Tăng cường hoạt động thể dục thể thao giúp nâng cao sức khỏe.
  • Nên tham gia các hoạt động vận động trí não, các trò chơi câu đố để não được kích hoạt thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ mắc Alzheimer.

Ngoài ra, khi nghi ngờ bản thân có dấu hiệu suy giảm trí nhớ cần thăm khám bác sĩ kịp thời. Tuyệt đối không giấu bệnh hoặc chủ quan sẽ khiến Alzheimer nặng hơn dẫn tới các biến chứng khó lường.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *