Cách phòng ngừa rôm sảy cho con vào hè oi nóng

Rôm sảy là tình trạng kích ứng da phổ biến trong mùa hè, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Thời tiết nóng, độ ẩm cao làm giãn các mao mạch trên da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập tạo rôm sảy.

Mẹ hãy áp dụng những cách phòng ngừa rôm sảy cho trẻ vào mùa hè dưới đây sẽ giúp bé yêu có làn da khỏe mạnh.

Nguyên nhân bệnh rôm sảy ở trẻ em

Tuyến mồ hôi dưới da bé tắc nghẽn

Nguyên nhân gây rôm sảy chủ yếu là do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn này là do các ống tuyến mồ hôi của trẻ chưa được hoàn chỉnh nên không có đường thoát ra ngoài.

Hiện tượng này thường gặp trong thời tiết nắng nóng nhưng đôi khi cũng là do chế độ chăm sóc của cha mẹ không đúng cách. Cụ thể như vệ sinh không sạch sẽ hoặc do mặc quần áo quá chật gây bí bách, nóng.

Trẻ sốt hoặc để con hoạt động mạnh trong thời tiết nóng

Ngoài ra trẻ bị rôm sảy còn xảy ra trong trường hợp trẻ bị sốt cao gây tắc nghẽn các ống tuyến mồ hôi, do cơ thể trẻ vận động với cường độ cao, do khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta, hoặc do những tác nhân như vi khuẩn trú ngụ ngoài da gây tắc tuyến mồ hôi.

Các triệu chứng của rôm sảy ở trẻ

Trẻ bị rôm sảy có biểu hiện với nhiều sẩn nhỏ màu hồng, mụn nước nhỏ như đầu đinh ghim mọc thành đám trên da. Có đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn, mọc lấm tấm, hoặc mọc thành từng đám, có khi dày đặc.

Xuất hiện ở vùng đầu, cổ và vai, lưng hay ở các nếp gấp của cơ thể.

Trẻ bị rôm sảy có thể ngứa ngáy, biểu hiện của bé chính là khó chịu, quấy khóc.

Các vùng bị rôm sảy có thể dễ bị kích thích hơn bởi quần áo hoặc trầy xước, và có thể gây nhiễm trùng da thứ phát.

Vị trí thường gặp: Rôm sảy chủ yếu gặp ở các vị trí có nhiều tuyến mồ hôi như ở trán, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng.

Khi trẻ bị rôm sảy, nếu có các dấu hiệu sau gợi ý nhiễm trùng:

  • Mẹ cảm nhận thấy bé có vẻ tăng cảm giác đau, sưng, nóng, đỏ, đau xung quanh khu vực bị rôm sảy.
  • Xuất hiện vệt hay mảng đỏ lâu dài ở khu vực bị rôm sảy.
  • Chảy mủ hoặc rỉ dịch từ khu vực này.
  • Sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ, nách, háng.
  • Sốt trên 37,5°C hoặc cao hơn.
Trẻ bị rôm sảy có biểu hiện với nhiều sẩn nhỏ màu hồng, mụn nước nhỏ

Nếu có các triệu chứng này, mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Cách phòng ngừa rôm sảy cho trẻ vào mùa hè

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó, nguyên tắc phòng tránh rôm sảy cho bé là làm sao để cơ thể của bé mát mẻ, thoáng khí, hạn chế mồ hôi tiết ra nhiều, chống viêm da. Dưới đây là những cách phòng ngừa rôm sảy cho trẻ vào mùa hè mà cha mẹ có thể chủ động thực hiện:

Nơi ở của trẻ phải thoáng mát, thông gió, tránh đưa trẻ đến những nơi đông đúc, ngột ngạt, nóng, bí gió.

Bật điều hoà nếu gia đình có điều kiện để tránh con bị đổ mồ hôi.

Quần áo, tã lót của trẻ nên dùng loại vải sợi, mỏng, rộng rãi, thoáng mát và thấm mồ hôi. Không nên cho con mặc đồ từ các loại vải sợi tổng hợp vì sẽ bí, không thấm hút mồ hôi.  Bởi khi cơ thể con không bị nóng sẽ hạn chế tiết mồ hôi và rôm sảy có thể nhanh chóng biến mất.

Mẹ hãy vệ sinh, tắm rửa thường xuyên cho con để giúp cơ thể mát, làm sạch da, thông thoáng các lỗ chân lông. Cha mẹ có thể sử dụng thuốc tím pha loãng, sữa tắm để tắm cho trẻ.

Mẹ không nên sử dụng các loại xà phòng hoặc sữa tắm có độ pH không phù hợp với làn da của bé mà hãy dung sữa tắm chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhé.

 Một số loại lá, quả dùng để nấu nước tắm có tác dụng hỗ trợ phòng tránh tình trạng rôm sảy vào mùa hè cho bé như lá đào, lá dâu, mướp đắng, vỏ dưa hấu, vỏ bưởi, rau má, sài đất.

Nếu da bị viêm nhiễm nhiều và hay tái phát mỗi khi hè tới thì mẹ có thể bôi kem có chứa corticoid nhẹ, vì có kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, trẻ cần được đưa đi khám bác sĩ để được chỉ định đúng loại thuốc dùng.

Mẹ có thể bôi kem trị rôm sảy cho con nhưng phải tham khảo ý kiến bác sĩ

Trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn nang lông với các biểu hiện như có mụn mủ, mụn to thì cần bôi cồn iod (ví dụ như betadin) nhiều lần trong ngày.

Một trong những cách phòng ngừa rôm sảy là sử dụng vitamin C liều cao có thể giúp giảm bệnh và giảm tổn thương tuyến mồ hôi.

Với loại rôm sâu có nguy cơ hủy hoại tuyến mồ hôi của trẻ, làm mất khả năng tiết mồ hôi, do đó có thể dùng isotretinoin tuy nhiên khi dùng phải có sự chỉ định chặt chẽ của bác sĩ.

Cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước thanh nhiệt giải độc như nước sắn dây, nước sài đất, đậu đen…

Như vậy, có rất nhiều cách để mẹ hạn chế tình trạng rôm sảy của con xảy ra, gây khó chịu cho bé. Mẹ hãy áp dụng những cách phòng ngừa trên nhé.

Nguồn Tham Khảo: Tổng Hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *