Tổng quan bệnh Gan nhiễm mỡ
Gan được ví như nhà máy tổng hợp nên các chất cần thiết cho cơ thể: dự trữ đường, tổng hợp lipid, protein, các yếu tố đông máu… Tổn thương gan do bất kì nguyên nhân gì đều có thể dẫn đến tình trạng viêm rồi sau đó xơ hóa gan. Khi xơ gan, cơ thể sẽ suy kiệt vì thiếu dưỡng chất, rối loạn đông máu, cổ trướng, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản…lúc này các biện pháp điều trị thường ít kết quả. Một trong những nguyên nhân gây tổn thương gan thường gặp hiện nay là gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ được chia làm hai nhóm: gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu. Ở cả hai nhóm người ta đều nhận thấy các tế bào gan chứa đầy các hạt mỡ. Gan nhiễm mỡ do rượu là một giai đoạn trong quá trình tiến triển của bệnh gan do rượu. Nếu không điều trị tốt sẽ dẫn đến viêm và xơ gan rượu. Do đó bài này chỉ đề cập đến gan nhiễm mỡ không do rượu, một rối loạn với tỉ lệ mắc ngày càng nhiều và liên quan nhiều đến lối sống hiện nay.
Nguyên nhân bệnh Gan nhiễm mỡ
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ không do rượu thường do các rối loạn chuyển hóa:
- Béo phì, thừa cân.
- Tình trạng kháng insulin.
- Tăng đường máu.
- Rối loạn lipid máu.
Triệu chứng bệnh Gan nhiễm mỡ
Hầu hết gan nhiễm mỡ không có triệu chứng, chỉ tình cờ đi khám phát hiện ra. Một số dấu hiệu gan nhiễm mỡ khi bệnh tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ:
- Mệt mỏi.
- Chán ăn.
- Gan to.
- Khi tình trạng xơ gan xuất hiện, có thể có các triệu chứng:
- Vàng da vàng mắt.
- Các sao mạch xuất hiện.
- Lòng bàn tay son.
- Cổ trướng (dịch ổ bụng).
- Lách to.
Đối tượng nguy cơ bệnh Gan nhiễm mỡ
- Tăng cholesterol, triglyceride trong máu.
- Béo phì, béo bụng.
- Đái tháo đường.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Hội chứng ngừng thở khi ngủ.
- Suy giáp.
- Suy tuyến yên.
Phòng ngừa bệnh Gan nhiễm mỡ
- Chế độ ăn lành mạnh: nhiều rau xanh, hoa quả, ít mỡ động vật thay bằng dầu thực vật.
- Tập luyện thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
- Giảm cân nếu thừa cân.
- Không uống rượu bia.
- Tiêm phòng viêm gan B.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Gan nhiễm mỡ
- Xét nghiệm máu: Cholesterol, Triglycerid, thấy tăng các men gan AST, ALT, phosphatase kiềm. Những trường hợp nghi ngờ xơ gan cần phải xét nghiệm thêm: đông máu cơ bản, Bilirubin, Albumin, protein máu.
- Xét nghiệm thêm virus viêm gan B, C để loại trừ viêm gan virus.
- Siêu âm ổ bụng: phương pháp đơn giản để chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Sẽ thấy hình ảnh gan tăng âm trên siêu âm.
- Có thể đo độ đàn hồi gan nếu nghi ngờ xơ gan.
Các biện pháp điều trị bệnh Gan nhiễm mỡ
Khi bị gan nhiễm mỡ phải làm sao?
Không có thuốc hay biện pháp nào làm hết ngay tình trạng gan nhiễm mỡ, nhưng nó có thể cải thiện dần dần nếu thay đổi lối sống kịp thời kết hợp với điều trị các bệnh lý đi kèm:
- Giảm cân: giảm cân sẽ làm giảm sự tổn thương gan, cải thiện sự đề kháng insulin, là điều bắt buộc phải thực hiện. Mục tiêu giảm từ 0,5-1kg cân nặng mỗi tuần. Đối với những người không thể đạt mục tiêu cân nặng trong 6 tháng và có tình trạng viêm gan nhiễm mỡ, có thể cần phải phẫu thuật cắt một phần dạ dày và nối thông dạ dày-ruột (nối vị tràng).
- Vitamin E: Vitamin E có thể cải thiện tình trạng viêm ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ mà không có đái tháo đường qua một số nghiên cứu. Vì đối tượng của các nghiên cứu này không bao gồm những bệnh nhân đái đường và xơ gan mất bù cho nên vitamin E chưa chứng minh được lợi ích cho những bệnh nhân này. Ngoài ra không nên sử dụng vitamin E cho bệnh nhân nam- những người có tiền sử hoặc tiền sử gia đình ung thư tiền liệt tuyến, vì nó làm tăng nguy cơ ung thư này ở nam giới. Cũng không nên sử dụng vitamin E liều cao quá 800UI/ ngày vì có thể làm tăng tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.
- Gan nhiễm mỡ kèm tiểu đường có thể sử dụng một số thuốc theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện được tình trạng viêm và xơ hóa ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ.
- Omega 3: một số nghiên cứu cho thấy acid béo omega 3 có thể cải thiện được tình trạng viêm gan nhiễm mỡ, tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa.
- Kiểm soát các rối loạn lipid máu: nên sử dụng các statin mà không chuyển hóa kéo dài qua gan như rosuvastatin hay pravastatin.
Nguồn: Vinmec