Huyết khối tĩnh mạch sâu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một dạng của thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch – bệnh lý tim mạch thường gặp với tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong cao, cũng như chi phí y tế rất lớn. Để có kiến thức phòng ngừa hiệu quả cũng như xử trí phù hợp, trước hết cần tìm hiểu huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?

Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep vein thrombosis – DVT) xảy ra khi một cục máu đông được hình thành ở một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể, thường là ở chân. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra đau và phù nề ở chân và có thể dẫn đến những biến chứng như thuyên tắc mạch phổi. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, xảy ra khi cục máu đông di chuyển theo dòng máu và gây tắc một trong các mạch máu ở phổi.

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra nếu một người đã từng có những tình trạng bệnh lý/sinh lý liên quan đến đông máu. Thậm chí những người không vận động trong một khoảng thời gian dài như sau phẫu thuật, tai nạn,…cũng có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu.

Nguyên nhân bệnh Huyết khối tĩnh mạch sâu

Bất kì yếu tố nào gây ảnh hưởng lên sự tuần hoàn/đông máu đều có thể hình thành cục máu đông trong bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu, như: tổn thương tĩnh mạch, phẫu thuật, một số loại thuốc hoặc việc giới hạn vận động.

Huyết khối tĩnh mạch sâu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Triệu chứng bệnh Huyết khối tĩnh mạch sâu

Ở một số trường hợp, huyết khối tĩnh mạch sâu không có triệu chứng rõ ràng. Nếu có, những triệu chứng này thường bao gồm:

  • Đau, phù nề ở một chân, thường là ở phần bắp chân.
  • Đau nhiều ở vùng bị ảnh hưởng bởi cục máu đông.
  • Có cảm giác nóng ở vùng chân bị sưng đau.
  • Da bị đỏ, cụ thể là phần mặt sau chân đằng sau khớp gối.

Huyết khối tĩnh mạch sâu thường ảnh hướng tới một chân. Khi cử động khớp gối, bệnh nhân có thể cảm giác đau hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, khoảng 10% bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ tiến triển thành thuyên tắc động mạch phổi. Đây là một trình trạng nghiêm trọng với các dấu hiệu và triệu chứng như sau:

  • Khó thở, thở dốc.
  • Đau ngực, đau hơn khi hít vào hoặc ho.
  • Váng đầu, mệt mỏi.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Ho ra máu.

Nếu có những biểu hiện như đau, phù nề ở chân, sau đó khó thở và đau ngực thì cần gặp bác sĩ ngay để có những biện pháp điều trị kịp thời.

Đối tượng nguy cơ bệnh Huyết khối tĩnh mạch sâu

Bất kì ai cũng có thể mắc huyết khối tĩnh mạch sâu, tuy nhiên bệnh lý này phổ biến hơn ở lứa tuổi trên 40. Ngoài tuổi tác, có một số yếu tố nguy cơ khác gây nên huyết khối tĩnh mạch sâu:

  • Có bất thường ở quá trình đông máu: một số người có bất thường trong quá trình đông máu làm máu dễ đông hơn khi kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác.
  • Nằm lâu, ngồi lâu: trong các trường hợp nằm viện lâu hoặc tình trạng liệt nửa người, khi lái xe hoặc trên những chuyến bay dài, phần chân bất động làm máu không tuần hoàn được, dẫn đến tăng nguy cơ huyết khối.
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật liên quan đến tĩnh mạch.
  • Mang thai: khi phụ nữ mang thai, áp lực trong tĩnh mạch phần chân và phần chậu tăng lên. Những phụ nữ có bất thường trong quá trình đông máu có nguy cơ cao. Nguy cơ này có thể kéo dài đến 6 tuần sau khi sinh.
  • Thuốc tránh thai đường uống và liệu pháp thay thế hormone: phụ nữ sử dụng các thuốc tránh thai đường uống hoặc liệu pháp thay thế hormone đều có nguy cơ xuất hiện huyết khối cao ơn.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Hút thuốc lá: quá trình đông máu và tuần hoàn máu bị ảnh hưởng bởi việc hút thuốc lá, từ đó tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Bệnh ung thư: một số bệnh ung thư cũng như một số loại thuốc điều trị ung thư có thể làm tăng nguy cơ huyết khối.
  • Bệnh suy tim: nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ tăng lên trên những bệnh nhân suy tim. Đồng thời do chức năng tim phổi bị hạn chế, triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu trên những bệnh nhân này cũng nặng nề hơn.
  • Viêm đường tiêu hóa dưới: các bệnh lý về ruột đều làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc động mạch phổi: một người có tiền sử hoặc có thành viên trong gia đình có tiền sử mắc huyết khối tĩnh mạch nói chung, đều có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn bình thường.

Phòng ngừa bệnh Huyết khối tĩnh mạch sâu

Khi một bệnh nhân nhập viện, dù là bất cứ nguyên nhân nào, các nhân viên y tế sẽ đánh giá nguy cơ huyết khối của họ. Nếu người đó có nguy cơ huyết khối, có một số biện pháp để ngăn ngừa như sau:

  • Dừng hút thuốc.
  • Thay đổi chế độ ăn, cân bằng dinh dưỡng.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng tối ưu, giảm cân nếu có béo phì.
  • Tham vấn bác sĩ trước khi có có những chuyến đi xa.
  • Khi có những chuyến đi xa trên 6 tiếng bằng máy bay, tàu, ôtô, nên uống nhiều nước, thực hiện những bài tập chân đơn giản, thường xuyên đứng dậy đi lại.
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Huyết khối tĩnh mạch sâu

Cần gặp bác sĩ ngay nếu có những dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu. Trước tiên bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng và tiền sử y khoa nếu có. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào triệu chứng và tiền sử, khó có thể chẩn đoán chính xác huyết khối tĩnh mạch sâu. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số các xét nghiệm chuyên khoa để hỗ trợ chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu D – dimer: xét nghiệm này phát hiện các mảnh máu đông vỡ ra và di chuyển trong lòng mạch. Các nhiều những mảnh vỡ này được phát hiện thì nguy cơ có huyết khối càng cao. Tuy nhiên xét nghiệm này không phải lúc nào cũng chính xác, đặc biệt là trên những bệnh nhân sau phẫu thuật, chấn thương hoặc đang mang thai. Vì vậy cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác như siêu âm.
  • Siêu âm: phương pháp siêu âm được sử dụng là phương pháp Doppler, mục tiêu là đo tốc độ lưu thông của máu trong lòng mạch. Nếu dòng máu lưu thông chậm hoặc bị tắc, rất có thể bệnh nhân đã bị huyết khối.
  • Ngoài ra nếu xét nghiệm D – dimer và siêu âm không khẳng định được bệnh nhân đang mắc huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ có thể cho bệnh nhân chụp X quang tĩnh mạch. Trong kĩ thuật này, bệnh nhân sẽ được tiêm một loại chất mang màu vào tĩnh mạch chân. Chất mang màu sẽ di chuyển trong lòng mạch và được chụp lại bởi tia X quang. Khi đó những khu vực có huyết khối sẽ được thể hiện trên kết quả chụp.
  • Chụp CT hoặc MRI: cả hai phương pháp đều có thể chụp lại hình ảnh hệ thống mạch máu và có thể chỉ ra vị trí bị huyết khối.

Các biện pháp điều trị bệnh Huyết khối tĩnh mạch sâu

Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu hướng đến ngăn ngừa cục máu đông to lên và ngăn ngừa việc cục máu đông vỡ ra, di chuyển theo dòng máu gây ra thuyên tắc động mạch phổi. Mục tiêu điều trị là ngăn ngừa việc tái phát huyết khối tĩnh mạch sâu. Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống đông: đây là biện pháp thường được sử dụng nhất, bao gồm các loại thuốc đường tiêm hoặc đường uống. Thuốc dùng đường tiêm có thể là thuốc tiêm tĩnh mạch (Heparin) hoặc tiêm dưới da (như enoxaparin, fondaparinux). Các thuốc đường uống thường được sử dụng sau thuốc đường tiêm vài ngày (như warfarin, dabigatran). Cũng có những loại thuốc đường uống được sử dụng đơn độc (như rivaroxaban, apixaban, edoxaban). Các thuốc này ngăn chặn huyết khối phát triển lớn hơn và giảm nguy cơ có thêm các cục huyết khối. Phụ nữ có thai không nên sử dụng các loại thuốc này.
  • Nếu tình trạng của bệnh nhân phức tạp và nghiêm trọng hơn hoặc các phương pháp khác không có tác dụng, bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn các loại thuốc tan huyết khối. Thuốc được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch hoặc qua catheter trực tiếp đến vị trí huyết khối. Thuốc có thể gây chảy máu ồ ạt, nên chỉ được cân nhắc cho những trường hợp nguy kịch.
  • Nếu bệnh nhân không thể sử dụng thuốc chống đông, bác sĩ có thể đặt một màng lọc ở tĩnh mạch chủ bụng để ngăn chặn các mảnh máu đông lạc đến phổi.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *