Lao vú: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Lao vú

Bệnh lao vú là một thể lao ngoài phổi hiếm gặp, do vi khuẩn lao xâm nhập và gây sinh sôi ở mô tuyến vú. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, khoảng từ 19-45 tuổi và phụ nữ đang cho con bú vì giai đoạn này mô tuyến vú phát triển nhanh chóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn. Trường hợp nam giới mắc lao vú cũng được ghi nhận, nhưng với tỷ lệ rất thấp khoảng 4%.  Bệnh thường chỉ gặp một bên vú, vú trái vú phải gặp với tỷ lệ ngang nhau. Ở Việt Nam, ghi nhận được khoảng 30 trường hợp bệnh.

Ashey Cooper là người đầu tiên phát hiện ra lao vú vào năm 1829 tại Anh. Đến năm 1952, Mckeown và Wikinson mô tả bệnh lao vú gồm hai thể:

  • Lao vú nguyên phát: đây là thể bệnh hiếm gặp, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào mô tuyến vú qua các vết trầy xước da hay qua các ống dẫn sữa. Nhiễm trùng tại vú do trầy xước da hay qua ống dẫn sữa.
  • Lao vú thứ phát: thể bệnh này phổ biến hơn, trong đó bệnh xuất phát từ các tổn thương lao ở những cơ quan khác trong cơ thể như lao phổi, lao cột sống… Theo đường máu hoặc bạch huyết đến vú.

Bệnh lao vú tuy không phổ biến nhưng cần được chẩn đoán đúng, giúp giảm thiểu tỷ lệ các can thiệp không chính xác như cắt bỏ vú, phẫu thuật phá đường dò hoặc điều trị nhầm theo hướng viêm vú do các vi khuẩn thông thường, tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc, tăng chi phí điều trị không hiệu quả.

Nguyên nhân bệnh

Trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis  là nguyên nhân gây bệnh lao vú. Đây là trực khuẩn kháng acid vì nó vẫn giữ màu nhuộm sau khi rửa qua dung dịch acid. Vi khuẩn lao là vi khuẩn hiếu khí, cần nhiều oxy để phát triển. Các chất tẩy rửa yếu không tiêu diệt được vi khuẩn lao.

Triệu chứng bệnh

Triệu chứng bệnh lao vú bao gồm các biểu hiện toàn thân và các biểu hiện ngay tại vú bị bệnh, bao gồm:

  • Sốt, thường là sốt nhẹ, ớn lạnh, thường sốt về chiều tối.
  • Mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, sụt cân.
  • Nổi hạch ở các vùng lân cận như hạch nách, hạch cổ.
  • Đau vú, đau nhiều hơn khi sờ hay khi mặc áo bó sát.
  • Da vùng vú có thể bị viêm loét, có lỗ dò chảy mủ ra bên ngoài.
  • Sờ thấy khối u ở vú, thấy xơ cứng hoặc mềm nên dễ chẩn đoán nhầm thành áp xe vú do các loại vi khuẩn thông thường khác. Trong trường hợp này các triệu chứng sẽ không thuyên giảm nếu điều trị bệnh với các kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn thông thường khác.
Lao vú: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Nếu người bệnh lao vú cùng lúc mắc phải lao phổi hoặc các thể lao ngoài phổi khác thì các triệu chứng lâm sàng có thể bao gồm cả ho kéo dài, khạc đàm,…

Đường lây truyền bệnh

Người mắc bệnh lao vú có thể qua các đường lây truyền sau:

  • Theo đường máu: vi khuẩn lao xâm nhập vào phổi qua đường hô hấp, sau đó theo đường máu tới gây bệnh ở vú.
  • Theo đường bạch huyết: vi khuẩn lao từ các ổ bệnh như lao hạch, lao phổi màng phổi theo đường bạch huyết đến mô tuyến vú gây bệnh.
  • Theo đường trực tiếp: vi khuẩn lao xâm nhập mô vú trực tiếp thông qua các vết thương ở da hoặc các lỗ đổ của ống sữa ở đầu núm vú.

Như vậy, vi khuẩn lao có thể di chuyển từ cơ quan này đến cơ quan khác trong cơ thể, có nghĩa là một bệnh nhân bị lao vú cũng có thể bị các thể lao khác sau đó như lao phổi, màng phổi.

Đối tượng nguy cơ bệnh

Các yếu tố là tăng nguy cơ mắc bệnh lao vú có thể kể đến như sau:

  • Sống trong vùng lưu hành của bệnh lao.
  • Tiếp xúc gần gũi, thân mật, lâu dài với người bị lao.
  • Tiền sử bản thân đã từng mắc lao.
  • Phụ nữ đang trong thời gian cho con bú, tuyến vú phát triển.
  • Ăn uống kém, suy dinh dưỡng.
  • Sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm.

Phòng ngừa bệnh

Bệnh lao vú tuy hiếm nhưng có thể phòng ngừa để không mắc bệnh và hạn chế các diễn tiến xấu của bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
  • Lối sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể thao, tăng cường sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể.
  • Giữ vệ sinh môi trường sống, trong lành, nhiều ánh sáng.
  • Tự khám vú để phát hiện sớm các tổn thương tại vú. Việc tự khám vú nên được thực hiện thường xuyên, ít nhất mỗi tháng một lần, sau khi sạch kinh vài ngày.
  • Giữ vệ sinh bầu ngực, mặc áo ngực thông thoáng.
  • Tiêm chủng lao đầy đủ, đặc biệt là trẻ sơ sinh theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Lao vú: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Vì triệu chứng lâm sàng của bệnh lao vú không đặc hiệu, dễ nhầm với ung thư vú hay bệnh lý viêm vú do các vi khuẩn thông thường khác, nên các xét nghiệm cận lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh, trong đó bao gồm:

  • Hút dịch áp xe, soi tươi tìm trực khuẩn lao, tỷ lệ dương tính thấp.
  • Nuôi cấy vi khuẩn lao, PCR lao.
  • Sinh thiết mô tuyến vú bằng chọc hút kim nhỏ, làm giải phẫu bệnh tìm tổn thương nang lao điển hình.
  • Xquang ngực: tìm các tổn thương lao phổi đi kèm nếu có để lấy gợi ý.
  • Siêu âm vú: mô tả các tổn thương của mô vú mặc dù không đặc hiệu. Siêu âm vú có giá trị trong việc trợ giúp làm chọc hút bằng kim nhỏ đúng vị trí tổn thương để lấy bệnh phẩm.

Các biện pháp điều trị bệnh

Thuốc

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất của bệnh lao vú là điều trị nội khoa. Các thuốc kháng lao được chỉ định theo phác đồ tương tự lao phổi. Bệnh lao vú đáp ứng tốt với các thuốc kháng lao, và có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Thời gian điều trị kéo dài khoảng từ 8-9 tháng.

Ngoại khoa

Các thủ thuật như rạch ổ áp xe dẫn lưu, phẫu thuật phá bỏ đường dò, bốc khối u,… hỗ trợ cũng phương pháp điều trị nội khoa giúp bệnh nhanh khỏi. Tuy nhiên, những trường hợp này thường để lại nhiều sẹo xấu, co rút da vùng vú.

Bệnh nhân cần được tái khám toàn diện hàng tháng bao gồm thăm khám lâm sàng, siêu âm vú đánh giá mức độ tổn thương mô vú, xét nghiệm chức năng gan thận phát hiện tác dụng phụ của các thuốc kháng lao.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *