Loét dạ dày tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày tá tràng là gì?

Loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương, biểu hiện là những vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc, gây ra những cơn đau bụng âm ỉ, ợ hơi, ợ chua khó chịu cho bệnh nhân.

Loét dạ dày tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến hiện nay, theo thống kê nước ta có đến 26% dân số mắc bệnh loét dạ dày tá tràng. 

Bệnh lý này nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nhẹ thì sẽ gây suy nhược cơ thể, đau âm ỉ vùng thượng vị và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của người bệnh, nặng thì sẽ gây xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị và cuối cùng là ung thư dạ dày.

Nguyên nhân bệnh Loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày và loét tá tràng xảy ra khi tình trạng cân bằng giữa các yếu tố phá hủy và cơ chế bảo vệ bị phá hủy.

  • Các yếu tố phá hủy bao gồm NSAIDs, nhiễm H.Pylori, rượu bia, muối mật, acid và pepsin,… Các yếu tố này có thể làm thay đổi khả năng bảo vệ niêm mạc, cho phép các ion H+ khuếch tán ngược và làm tổn thương tế bào biểu mô.
  • Các cơ chế bảo vệ bao gồm sự liên kết chặt chẽ giữa các tế bào, chất nhầy của niêm mạc dạ dày, dòng máu đến dạ dày tá tràng, quá trình phục hồi tế bào và tình trạng tái sinh biểu mô.

Do vậy nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng rất đa dạng, thường gặp nhất là  các yếu tố sau:

  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Bệnh nhân lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe;  ăn đồ quá cay nóng chiên xào; ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ,… là những nguyên nhân phổ biến gây loét dạ dày tá tràng.
  • Chế độ sinh hoạt không điều độ: Ngủ không đủ giấc, thức quá khuya,… cũng có thể gây nên tình trạng loét dạ dày tá tràng.
  • Lạm dụng quá nhiều thuốc Tây và hóa chất: Lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh hoặc nhiễm kim loại nặng khiến niêm mạc dạ dày, tá tràng tổn thương và dẫn đến tình trạng loét dạ dày tá tràng ở bệnh nhân.
  • Nhiễm vi khuẩn HP: Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính gây nên các tổn thương nghiêm trọng ở dạ dày và tá tràng.
  • Do bệnh lý: Tiểu đường, hạ đường huyết, xơ gan,… là những yếu tố nguy cơ có khả năng gây loét dạ dày tá tràng.
  • Một số nguyên nhân khác như stress, căng thẳng, sợ hãi kéo dài sẽ gây áp lực cho dạ dày tá tràng và gây nên bệnh lý loét dạ dày và loét tá tràng cho bệnh nhân.

Triệu chứng bệnh Loét dạ dày tá tràng

Triệu chứng thường gặp khi bị loét dạ dày tá tràng bao gồm:

  • Đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị: Đây là triệu chứng thường gặp nhất trong loét dạ dày tá tràng. Cảm giác này xảy ra ngay sau khi ăn trong loét dạ dày và 2-3 giờ sau bữa ăn trong loét tá tràng. Cơn đau này thường dữ dội hơn vào ban đêm và gần sáng do dạ dày vẫn co bóp, bài tiết dịch vị khi thức ăn đã được tiêu hóa hết gây kích thích niêm mạc dạ dày.
  • Ợ hơi, khó tiêu, chướng bụng, căng bụng và khó dung nạp thức ăn béo, nhiều dầu mỡ.
  • Tiết nhiều nước bọt, ợ nóng, khó chịu vùng ngực.
  • Bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, nôn, sau khi nôn bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Thường ói ra máu hoặc đi cầu phân đen do chảy máu ổ loét, trường hợp đi cầu phân đen có thể từng đợt trong nhiều ngày hoặc một lần trong một ngày duy nhất.
  • Bệnh nhân dễ bị thiếu máu, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, khó thở.
Loét dạ dày tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đường lây truyền bệnh Loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày tá tràng không kèm theo nhiễm khuẩn HP không có khả năng lây từ người sang người.

Đối với bệnh lý  loét dạ dày tá tràng do nhiễm khuẩn HP có khả năng lây từ người mang vi khuẩn sang người lành theo 3 con đường chủ yếu là đường miệng- miệng, đường phân- miệng và một số đường khác do dùng chung các thiết bị y tế như thiết bị nội soi dạ dày tá tràng,…

Đối tượng nguy cơ bệnh Loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày tá tràng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và phân bố đều ở cả nam và nữ. Tuy nhiên những bệnh nhân thường xuyên sử dụng các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, cafe,…), người lớn tuổi có tiền sử bị nhiễm HP, bệnh nhân mắc hội chứng hội chứng Zollinger-Ellison, bệnh nhân ung thư phải hóa trị và xạ trị,… có nguy cơ cao bị loét dạ dày tá tràng.

Phòng ngừa bệnh Loét dạ dày tá tràng

Tránh lạm dụng và hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc giảm đau, đặc biệt là các thuốc thuộc nhóm NSAIDs khi chưa cần thiết như ibuprofen, aspirin, naproxen,…

Hạn chế sử dụng các chất kích thích, không nên uống cafe mỗi ngày, nên bỏ hút thuốc lá.

Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh tình trạng nhiễm khuẩn HP.

Nên ăn chín uống sôi, ăn các thực phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc, cần chia nhỏ các bữa ăn, khi ăn cần ăn chậm nhai kỹ, không ăn vội vã.

Hạn chế ăn các đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, các loại thức ăn nhanh, nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cần thiết từ rau xanh, ngũ cốc, trứng, thịt cá…

Thường xuyên luyện tập thể dục 30 phút mỗi ngày, chọn các bài tập nhẹ nhàng không gắng sức như đi bộ, tập yoga,…

Phân bố thời gian học tập và làm việc một cách hợp lý, không để tình trạng mệt mỏi, căng thẳng kéo dài.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Loét dạ dày tá tràng

Ngày nay khoa học công nghệ ngày càng phát triển, do đó có nhiều phương pháp để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng:

  • Nội soi dạ dày tá tràng: Đây được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng vì nó là phương pháp trực tiếp và chính xác nhất. Nó không những nhận biết được ổ loét, vị trí và kích thước ổ loét mà còn phát hiện được những sang chấn khó thấy ở niêm mạc và sinh thiết tổn thương để khảo sát mô học.
  • Xét nghiệm vi khuẩn H.Pylori: Vi khuẩn này được phát hiện thông qua việc phân tích mẫu phân, mẫu máu hoặc từ một mẫu sinh thiết lấy trong nội soi.

Các biện pháp điều trị bệnh Loét dạ dày tá tràng

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh mà có các biện pháp điều trị phù hợp cho bệnh lý loét dạ dày tá tràng.

Điều trị bằng thuốc

Có sự khác nhau khi điều trị bằng thuốc cho người bị loét dạ dày tá tràng không kèm nhiễm khuẩn HP và có kèm nhiễm khuẩn HP. Các phác đồ sẽ được chỉ định phù hợp với từng đối tượng/tình trạng để đạt kết quả cao nhất. 

Thay đổi lối sống

Bên cạnh việc điều trị loét dạ dày tá tràng bằng thuốc, bệnh nhân cần phối hợp điều trị không dùng thuốc bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống một cách hợp lý.

  • Loét dạ dày tá tràng nên ăn gì?

Khi loét dạ dày tá tràng bệnh nhân cần tăng cường bổ sung các thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, chữa lành các vết loét hoặc các thực phẩm có khả năng giúp giảm tiết acid và các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất.

Các thực phẩm nên bổ sung bao gồm chuối, cơm, bánh mì, canh hoặc súp, sữa chua, đậu bắp, đặc biệt là các loại rau củ màu đỏ và màu xanh đậm,…

Nên cho bệnh nhân loét dạ dày tá tràng uống nước ép táo để dễ tiêu hóa thức ăn, uống nước dừa, nước gừng, trà thảo mộc, hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong.

Cần tránh các loại thực phẩm gây tổn  thương niêm mạc dạ dày, gây tăng acid dạ dày như trái cây chua, dưa cà muối, các loại đồ uống kích thích như rượu bia,…

  • Chế độ sinh hoạt hợp lý.

Tập thể dục thường xuyên 30 phút mỗi ngày với các bài tập nhẹ nhàng.

Ngủ nghỉ và làm việc đúng giờ, tránh căng thẳng, stress, mệt mỏi, không nên thức quá khuya.

Ăn uống đúng giờ không nên bỏ bữa, tránh các đồ cay nóng,…

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *