Nhau bong non: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Nhau bong non

Nhau bong non là gì?

Nhau bong non là một cấp cứu sản khoa, diễn tiến bệnh rất nhanh gây tử vong mẹ và con. Đây là trạng thái bánh nhau bong sớm một phần hay hoàn toàn trước khi thai được sinh ra ngoài. Nhau thai một khi đã bong ra khỏi thành tử cung có nghĩa là dòng máu nuôi dưỡng thai nhi cũng bị cắt đứt, lúc này cần đưa thai ra ngoài ngay. Triệu chứng nhau bong non thường gặp bao gồm: đau bụng đột ngột, dữ dội, bụng cứng như gỗ, ra máu âm đạo loãng, sẫm màu, mẹ có thể choáng, tim thai bất thường. Bất cứ tác nhân nào phá vỡ các mạch máu của bánh rau bám vào thành tử cung đều là nguyên nhân nhau bong non. Biến chứng nhau bong non bao gồm: choáng do mất máu, chảy máu do giảm sinh sợi huyết, suy thận cấp, sinh non, tử vong mẹ và con.

Tỷ lệ mắc bệnh nhau bong non trong thai kỳ khoảng từ 0,6-1%. Nhau bong non là nguyên nhân của 10-15% trường hợp tử vong con trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nhau bong non được chia làm các mức độ từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào mức độ nặng của biểu hiện trên lâm sàng ở cả mẹ và con.

Nguyên nhân bệnh Nhau bong non

Nguyên nhân nhau bong non chưa được biết chính xác. Bất cứ nguyên nhân nào làm vỡ mạch máu bánh nhau bám vào thành tử cung đều có thể dẫn đến nhau bong non. Khi các mạch máu bị đứt, máu chảy tạo thành huyết khối giữa bánh nhau và thành tử cung, gây bóc tách bánh nhau, tạo ra nhiều tổn thương do thiếu máu ở tử cung. Khối máu tụ lớn dần lên thì bánh nhau cũng được tách khỏi thành tử cung nhiều hơn. Khối máu tụ có thể nặng từ 500-1500 gram. Trong các trường hợp nặng, tổn thương có thể lan tỏa tới các cơ quan khác như vòi trứng, buồng trứng, thận, gan, tụy,…

Bệnh lý, chấn thương từ bên ngoài, bất thường về bánh nhau, tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong khi mang thai, nước ối vỡ nhanh đều có thể là nguyên nhân nhau bong non. Một số trường hợp gây nhau bong non như:

  • Chấn thương bụng: thường do tai nạn xe máy, hoặc bị ngã, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, hay bị đánh trực tiếp lên bụng.
  • Một vài thủ thuật xâm lấn trong sản phụ khoa  gây chảy máu bánh nhau, hình thành khối máu tụ sau nhau gây nhau bong sớm trước khi chuyển dạ.

Triệu chứng bệnh Nhau bong non

Triệu chứng nhau bong non bao gồm:

Triệu chứng toàn thân

Choáng: da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, tay chân lạnh, mạch nhanh ở giai đoạn sớm, huyết áp có thể bình thường hoặc giảm nhẹ. Người bệnh thường rơi vào trạng thái hốt hoảng. Tình trạng choáng xảy ra do mất máu nhiều.

Triệu chứng cơ năng

  • Đau bụng: thường đau nhiều, đột ngột. Ban đầu bệnh nhân chỉ đau ở tử cung sau lan ra khắp bụng khiến bụng cứng như gỗ. Đau bụng do các cơn co thắt tử cung gây ra.
  • Chảy máu âm đạo: thường là máu loãng không kèm máu cục, sẫm màu. Lượng máu chảy ra không tương ứng với lượng máu mất thực sự.

Triệu chứng thực thể

  • Tử cung co cứng liên tục, đáy tử cung cao dần lên. Sờ thấy tử cung co cứng như gỗ. Đo trương lực cơ bản tử cung tăng.
  • Dấu hiệu tiền sản giật như phù, tăng huyết áp, protein niệu gặp trong hơn 60% trường hợp nhau bong non.
  • Tim thai bất thường, biến đổi tùy thuộc vào độ nặng của bệnh.
  • Khám âm đạo: cổ tử cung giãn mỏng, đoạn dưới tử cung căng phồng, bấm ối thấy nước ối màu hồng.

Dựa vào biểu hiện trên lâm sàng, nhau bong non được chia ra làm nhiều mức độ:

Nhau bong non thể ẩn

Trên lâm sàng thường không có triệu chứng gì. Thường chỉ phát hiện sau sinh thấy cục máu sau nhau. Ít khi phát hiện trước sinh bằng siêu âm.

Nhau bong non thể nhẹ

  • Tổng trạng bình thường, không có biểu hiện choáng.
  • Cơ năng: đau bụng ít, ra máu âm đạo với lượng ít.
  • Thực thể: trương lực cơ bản tử cung tăng nhẹ, tim thai bình thường.

Nhau bong non thể trung bình

  • Toàn thân: có những thay đổi về huyết động như mạch nhanh, huyết áp hạ nhưng chưa có choáng thực sự.
  • Cơ năng: đau bụng nhiều hơn, chảy máu âm đạo lượng vừa với các đặc điểm: máu loãng, không có cục máu đông, sẫm màu.
  • Thực thể: trương lực cơ tử cung tăng nhiều, xuất hiện cơn co tử cung mạnh, tim thai biểu hiện một tình trạng suy thai, bắt đầu xuất hiện rối loạn đông cầm máu.

Nhau bong non thể nặng: còn được gọi là phong huyết tử cung bánh nhau.

  • Toàn thân: choáng do mất máu nặng.
  • Cơ năng: đau bụng liên tục với cường độ mạnh, chảy máu âm đạo. Lượng máu chảy qua âm đạo không phản ánh đúng tình trạng máu mất thực sự của sản phụ.
  • Thực thể: sờ bụng cứng như gỗ, biểu hiện của tiền sản giật, tim thai mất. Rối loạn đông cầm máu nặng nề, có thể có chảy máu ở các cơ quan trong cơ thể như phổi, dạ dày, ruột, thận, buồng trứng, thậm chí có thể là vị trí lấy đường truyền hay tiêm chích.

Sự xuất hiện đầy đủ các triệu chứng lâm sàng giúp phân biệt với các bệnh lý cấp cứu khác trong sản khoa như đa ối cấp, vỡ tử cung, rau tiền đạo.

Nhau bong non: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh Nhau bong non

Biết được các yếu tố nguy cơ của nhau bong non giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Có tiền sử mắc nhau bong non ở lần mang thai trước.
  • Tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ.
  • Sự căng giãn đột ngột quá mức của tử cung khi thay đổi thể tích tử cung như trong ối vỡ sớm, ối vỡ non, hoặc sau khi sinh thai thứ nhất trong song thai.
  • Tổn thương của mạch máu bánh rau tại vùng rau bám trong các trường hợp như rau tiền đạo, cao huyết áp, đái tháo đường.
  • Sang chấn lên vùng bụng của sản phụ.
  • Thiếu axit folic, thường gặp ở những sản phụ có mức sống thấp.
  • Hút thuốc, sử dụng các chất gây nghiện như cocain làm tình trạng nhau bong non diễn tiến nặng nề hơn.
  • Bệnh lý liên quan rối loạn đông cầm máu.
  • Sản phụ trên 40 tuổi có nguy cơ mắc nhau bong non cao hơn.

Phòng ngừa bệnh Nhau bong non

Các nhân viên y tế và bệnh nhân cần có các cách phòng ngừa làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nhau bong non cũng như giảm nhẹ biến chứng của nó:

  • Truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là những đối tượng có ý muốn có thai.
  • Tổ chức khám và quản lý thai nghén tốt ở các tuyến y tế cơ sở.
  • Chuyển lên các tuyến chuyên khoa khi phát hiện các trường hợp thai nghén nguy cơ cao hoặc những yếu tố thuận lợi dẫn đến nhau bong non.
  • Chẩn đoán sớm và chính xác bệnh lý nhau bong non kèm mức độ nặng của bệnh để có thái độ xử trí đúng và kịp thời.
  • Điều trị tốt các bệnh lý toàn thân trước khi mang thai như đái tháo đường, tăng huyết áp.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhau bong non

Chẩn đoán xác định bệnh lý nhau bong non dựa trên việc khai thác tiền sử, bệnh sử và thăm khám lâm sàng.

Các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định để phục vụ cho việc đánh giá mức độ nặng của bệnh, bao gồm:

  • Công thức máu: hồng cầu, tiểu cầu, hematocrit giảm.
  • Monitoring sản khoa: trương lực cơ bản tử cung tăng, cơn co tử cung cường tính, tim thai biến đổi bất thường.
  • Siêu âm: có thể phát hiện khối máu tụ sau nhau trước sinh.
  • Chức năng đông cầm máu: fibrinogen giảm hoặc không có.

Các biện pháp điều trị bệnh Nhau bong non

Điều trị nhau bong non phụ thuộc theo mức độ nặng của bệnh.

  • Nhau bong non thể ẩn: thường chỉ phát hiện sau sinh nên không điều trị gì.
  • Nhau bong non thể nhẹ: chỉ định điều trị với thuốc giảm đau, giảm go. Sản phụ có thể được bấm ối, thúc đẩy sinh thường ngả âm đạo. Nếu gặp bất kỳ trở ngại nào cần chỉ định mổ lấy thai cấp cứu. Trong lúc mổ bác sĩ sẽ đánh giá tổng trạng và đưa ra quyết định bảo tồn hay cắt bỏ tử cung của bệnh nhân.
  • Nhau bong non thể trung bình: bệnh nhân cần được đặt được truyền tĩnh mạch để hồi sức chống choáng và sử dụng các thuốc giảm đau giảm go. Ở thể trung bình, khi có rối loạn đông cầm máu xuất hiện, bệnh nhân sẽ được điều trị chống rối loạn đông máu với các thuốc chống tiêu sợi huyết như transamine, fibrinogen. Quyết định mổ lấy thai hay cho sinh thường phụ thuộc vào diễn tiến lâm sàng. Tương tự như thể nhẹ, trong khi phẫu thuật cần đưa ra quyết định bảo tồn hay cắt bỏ tử cung của sản phụ.
  • Nhau bong non thể nặng: thở oxy, lấy đường truyền tĩnh mạch và sử dụng các thuốc hồi sức ngay khi bệnh nhân vào. Thuốc giảm đau và giảm go được chỉ định. Điều trị rối loạn đông máu với transamine, fibrinogen. Chỉ định mổ lấy thai cấp cứu, không được theo dõi sinh ngã âm đạo. Thường phải cắt tử cung bán phần vì đã tổn thương nặng. Hồi sức bệnh nhân được tiến hành song song với phẫu thuật.

Xử trí sau sinh bao gồm:

  • Tiếp tục chống sốc cho mẹ và hồi  sức sơ sinh nếu con còn sống.
  • Theo dõi biến chứng chảy máu sau đẻ.
  • Theo dõi nhiễm trùng sau  đẻ.
  • Theo dõi chức năng gan thận sau đẻ.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *