Nhiễm Leptospira: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Nhiễm Leptospira

Bệnh Leptospirosis hay bệnh xoắn khuẩn vàng da là bệnh do xoắn khuẩn Leptospira gây nên. 

Leptospira là xoắn khuẩn rất mảnh có đường kính 0,1-0,2 micromet, dài từ 5-25 micromet. Quan sát dưới kính hiển vi nền đen thấy vi khuẩn sống di động mạnh, vi khuẩn mảnh như sợi tóc, hai đầu cong như móc câu. Đây là loại xoắn khuẩn nuôi cấy được trong điều kiện hiếu khí. Thường nuôi trong môi trường lỏng có thêm huyết thanh động vật như thỏ, pH 7,2-7,5, nhiệt độ 28-30 độ C và giàu oxy. Leptospira mọc chậm và sau 6-10 ngày mới phát triển tốt, có thể làm vẩn đục môi trường như khói thuốc lá. Nói chung Leptospira có sức đề kháng yếu, song cao hơn các xoắn khuẩn khác, và chết nhanh trong môi trường acid. Leptospira có thể sống được tự do ở trong đất, trong nước ngọt và mặn, sống được hàng tháng, nhưng có ánh sáng mặt trời thì nhanh chết.

Bệnh xoắn khuẩn vàng da là bệnh của động vật và truyền được sang người với các thể lâm sàng rất đa dạng từ nhiễm khuẩn thể ẩn, thể nhẹ không có vàng da hoặc không có biểu hiện viêm màng não, cho đến thể lâm sàng cấp tính điển hình như vàng da nặng còn gọi là hội chứng Weil có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh có 2 thời kỳ gọi là bệnh sốt 2 pha. Thời kỳ 1 là giai đoạn nhiễm xoắn khuẩn huyết cấp tính, tiếp theo là giai đoạn 2, giai đoạn miễn dịch xoắn khuẩn vàng da. Sự phân biệt giữa hai giai đoạn này thường không được rõ ràng và trong những trường hợp mắc bệnh nhẹ thì thường không có giai đoạn 2.

Thể bệnh không vàng da khởi phát đột ngột, và thường nhầm với bệnh cúm như sốt cao, rét run, buồn nôn, nôn, đau đầu dữ dội, đau cơ, nhất là đau cơ vùng lưng, bụng, cơ bắp chân và đùi. Các biểu hiện ít gặp như nổi ban, đau họng, thậm chí sợ ánh sáng, tinh thần hỗn loạn, đau ngực, ho, có thể ho ra máu. Đa số người bệnh khỏi và không có triệu chứng trong khoảng 1 tuần, một số trường hợp xuất hiện giai đoạn 2 sau 1-3 ngày cùng với sự phát sinh kháng thể. Nhìn chung, triệu chứng trong giai đoạn 1 thường thay đổi như sốt có thể chỉ vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài đến 1 tuần, đau cơ nhẹ hơn và ở giai đoạn 2 có thể dẫn tới viêm màng não vô khuẩn trong vài ngày.

Thể bệnh nặng còn gọi là hội chứng Weil. Ngoài có biểu hiện ở thể bệnh không vàng da thì thể bệnh nặng còn gây ra vàng da, vàng mắt, nước tiểu thay đổi thành màu sẫm gần như nước vối và có xuất huyết. Thể bệnh này là do chủng xoắn khuẩn Leptospira icterohaemorrhagiae (xoắn khuẩn vàng da xuất huyết). Hội chứng Weil có biểu hiện như chảy máu cam, trên da có xuất hiện chấm xuất huyết, ban xuất huyết và các mảng xuất huyết. Ngoài ra còn gây ra xuất huyết dạ dày – ruột nặng, thậm chí là xuất huyết thượng thận hoặc xuất huyết dưới màng nhện nhưng rất hiếm gặp. Nếu không được điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong sẽ tăng, kể cả ở những trường hợp suy gan thận cấp, rối loạn mạch máu gây xuất huyết hoặc suy hô hấp, rối loạn nhịp tim do viêm cơ tim nhờ biện pháp chạy thận nhân tạo.

Nguyên nhân bệnh Nhiễm Leptospira

Nguyên nhân dẫn tới bệnh xoắn khuẩn vàng da là do nhiễm Leptospira.

 Xoắn khuẩn vàng da có trong nước tiểu, mô và máu của súc vật hoặc động vật gặm nhấm, con người có thể nhiễm bệnh xoắn khuẩn vàng da khi tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm này. Nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với đất ẩm ướt hoặc thảm thực vật bị ô nhiễm do nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh, đặc biệt là các loại như:

  • Gia súc, chó, các loài bò sát và lưỡng cư.
  • Chuột và loài gặm nhấm khác, đó là những vật chủ quan trọng nhất của xoắn khuẩn Leptospira.

Triệu chứng bệnh Nhiễm Leptospira

Bệnh Leptospirosis diễn biến qua 2 thời kỳ:

Thời kỳ 1: sốt cao đột ngột 39-40 độ C, sau thời gian ủ bệnh 1-2 tuần. Trong máu có nhiễm vi khuẩn. Sốt thường kéo dài từ 3-8 ngày. Kèm theo nôn mửa, tiêu chảy, đỏ mắt, đau nhức ở bắp thịt đặc biệt là vùng đùi, cơ bắp chân. Có thể có các triệu chứng ớn lạnh, phát ban, đau đầu.

Thời kỳ 2: sốt trở lại do các cơ quan, nhất là gan và thận bị tổn thương gây ra hiện tượng vàng da, albumin niệu, có thể có hội chứng màng não do thần kinh trung ương bị tổn thương. Các mao mạch giãn, có thể xuất huyết và đau cơ. Xoắn khuẩn nằm lại thận và được đào thải theo nước tiểu ra ngoài. Ở giai đoạn này cơ thể đã hình thành kháng thể.

Nhìn chung, ca lâm sàng có 3 thể chủ yếu là:  viêm gan – viêm thận cấp, viêm màng não nước trong và sốt đơn thuần. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào tình trạng chảy máu, viêm gan- viêm thận cấp, biến chứng cơ tim và thần kinh.

Các ca bệnh được xác định dựa vào hiệu giá kháng thể tăng gấp 4 lần hoặc tăng cao hơn trong các xét nghiệm huyết thanh kép (+) hay phân lập xoắn khuẩn vàng da (+).

Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Ở mọi người đều có tình cảm nhiễm với bệnh xoắn khuẩn vàng da nhưng các biểu hiện lâm sàng của bệnh lại không giống nhau, chủ yếu là tùy thuộc vào typ huyết thanh gây bệnh. Miễn dịch đặc hiệu typ được tạo ra sau khi mắc bệnh hoặc sau khi dùng vaccine dự phòng nhưng giữa các typ gây bệnh khác nhau lại không có miễn dịch chéo.

Nhiễm Leptospira: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đường lây truyền bệnh Nhiễm Leptospira

Dây chuyền dịch tễ: nguồn lây là các súc vật mang Leptospira và nước tiểu của chúng. Ổ chứa thường xuyên là loài gặm nhấm như chuột, chúng luôn đào thảo Leptospira. Ổ chứa không thường xuyên là gia súc, trâu, bò, ngựa,…
Thời kỳ lây truyền: Leptospira được thải ra theo nước tiểu của súc vật khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, sau khi mắc bệnh cấp tính ở người và súc vật Leptospira được đào thải trong nước tiểu nhiều tháng thậm chí là nhiều năm. Vì vậy súc vật là ổ chứa Leptospira có thể truyền bệnh suốt đời, nhất là các ổ chứa thiên nhiên.

Đường lây.

Qua da bị sây sát, qua vết thương hoặc qua niêm mạc do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với nguồn lây. Ví dụ những người tiếp xúc trực tiếp với gia súc bị bệnh như bác sĩ thú y, công nhân chăn nuôi hoặc mổ gia súc,… Trong mùa mưa lũ, đặc biệt vùng lụt lội hoặc ở những người bơi lội trong ao hồ cũng có thể nhiễm Leptospira. Bệnh thường xảy ra ở mùa mưa.

Nhưng có thể nhiễm khuẩn gián tiếp qua đất nước bị nhiễm Leptospira như bộ đội, công nhân lâm nghiệp, công nhân hầm mỏ,…

Ở nước ta bệnh xoắn khuẩn vàng da lưu hành rộng rãi ở vùng nông thôn, thành thị, miền núi, ven biển, đồng bằng… hay gặp ở những người làm việc trong rừng và gần rừng như bộ đội (biên giới), công nhân địa chất, lâm nghiệp, hầm mỏ, công nhân chăn nuôi và nông dân. Ngày nay, bệnh xoắn khuẩn vàng da rất hiếm gặp ở người. Tuy nhiên bệnh vẫn xuất hiện tản phát, đặc biệt là trong mùa mưa, lụt lội,…

Đối tượng nguy cơ bệnh Nhiễm Leptospira

Bệnh xoắn khuẩn vàng da lưu hành rộng ở khắp mọi nơi, từ vùng nông thôn đến thành thị ở cả các nước phát triển, đang phát triển, chỉ trừ các vùng cực Bắc, cực Nam của Trái Đất nơi có khí hậu khắc nghiệt. Hơn nữa bệnh nhiễm Leptospira cũng là một bệnh mang tính nghề nghiệp, vì vậy đối tượng có nguy cơ nhiễm Leptospira như:

  • Nông dân.
  • Ngư nghiệp.
  • Công nhân lâm nghiệp, vệ sinh, hầm mỏ, chăn nuôi,…
  • Bộ đội.
  • Bác sĩ thú y.

Ở những nơi vệ sinh yếu kém, môi trường lao động không đảm bảo, không được trang bị bảo hộ vệ sinh lao động đầy đủ.

Phòng ngừa bệnh Nhiễm Leptospira

Phòng bệnh không đặc hiệu:

Bằng cách cắt đứt dây chuyền dịch tễ như diệt chuột, phòng bệnh cho gia súc nhưng chủ yếu là phòng hộ lao động cho những đối tượng phải tiếp xúc với nguồn lây. 

Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân, cung cấp những thông tin cần thiết, đặc biệt là ở những nơi có dịch bệnh lưu hành, nơi có những ổ dịch và môi trường lao động có nguy cơ nhiễm Leptospira.

Vệ sinh phòng bệnh ở các chuồng trại chăn nuôi súc vật,… thường xuyên tẩy ếu, khử trùng và cọ rửa sạch sẽ.

Kiểm tra thường xuyên định kỳ tại các cơ sở chăn nuôi súc vật, bể bơi,… quần thể chuột để có biệt pháp phòng chống chuột kịp thời.

Nói chung phòng bệnh không đặc hiệu còn nhiều khó khăn.

Phòng bệnh đặc hiệu bằng cách tiêm vaccine. Vaccine phòng bệnh nhiễm Leptospira là vaccine chết, song chỉ cho các đối tượng phải tiếp xúc với nguồn lây.

Những trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ phải được nhập viện để cách ly, theo dõi điều trị kịp thời và phòng chống các biến chứng. Tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của người bệnh, đặc biệt là nước tiểu.

Đối với những người đã tiếp xúc với súc vật bị nhiễm Leptospira và tiếp xúc các nguồn nước bị ô nhiễm cần phải được theo dõi nhiệt độ để phát hiện bệnh sớm.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhiễm Leptospira

Nhiễm Leptospira: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tùy theo từng thời kỳ của bệnh mà có cách lấy bệnh phẩm và chẩn đoán thích hợp .

Thời kỳ 1: lấy máu lúc bệnh nhân sốt cao, đem nuôi cấy và/ hoặc tiêm truyền vào chuột lang, sau đó xác định và định loại vi khuẩn.

Thời kỳ 2: 

  • Có thể lấy nước tiểu bệnh nhân, ly tâm, tiêm vào phúc mạc chuột lang non, sau đó lấy máu tim chuột nuôi cấy tìm vi khuẩn. 
  • Lấy máu bệnh nhân tìm kháng thể bằng phản ứng ngưng kết “tan” Martin-Pettit. Kháng nguyên là Leptospira sống (12 týp huyết thanh hay gặp ở Việt Nam). Huyết thanh bệnh nhân được pha loãng ở nhiều nồng độ. Nơi có tỷ lệ kháng nguyên – kháng thể thích hợp nhất sẽ có hiện tượng “ngưng kết sao” – phản ứng (+). Vì Leptospira có nhiều kháng nguyên trùng chéo nên hiệu giá kháng thể lần đầu phải cao hơn 1/800 mới nghi ngờ, nên làm phản ứng 2 lần để xác định động lực kháng thể (ít nhất là gấp hai lần).

Trong thực tế, chẩn đoán Leptospirosis bằng phản ứng huyết thanh hay được áp dụng hơn, vì phương pháp nuôi cấy tìm vi khuẩn rất phức tạp, khó thực hiện.

Các biện pháp điều trị bệnh Nhiễm Leptospira

Điều trị bệnh nhiễm Leptospira bằng cách dùng kháng sinh penicillin, tetracyclin, hiệu quả điều trị cao nếu dùng kháng sinh sớm, ngay từ những ngày đầu của bệnh. Điều trị triệu chứng cũng đóng vai trò quan trọng. 

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *