Phong: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan

Bệnh phong (tên tiếng anh là Lepra) là một bệnh lý nhiễm trùng tiến triển mạn tính do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất cũng như tinh thần của bệnh nhân, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây nên tình trạng tàn tật nặng nề cho người bệnh. 

Bệnh phong có nguy hiểm không.

Bệnh phong đã xuất hiện rất sớm từ 1400 trước công nguyên và nó được xem là một bệnh lý nguy hiểm vì nó đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân trên thế giới trong đó Việt Nam do tại thời điểm bày các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân, cách điều trị và phòng chống bệnh phong này.

Đến năm 1873, Armauer Hansen mới tìm ra được căn nguyên của bệnh. Kể từ đó, việc điều trị bệnh phong mới được chú ý và đi đúng hướng. Đến năm 1982, phương pháp đa hóa trị liệu ra đời giúp giảm một cách đáng kể tỷ lệ lưu hành bệnh phong tất cả các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, số bệnh nhân mới phát hiện hàng năm vẫn còn cao vì vậy chương trình phòng chống phong vẫn phải được duy trì thực hiện cho tới khi đạt được mục tiêu cuối cùng là: Thanh toán hoàn toàn bệnh phong.

Bệnh phong được chia thành các thể sau đây:

  • Thể bất định (I-Indeterminate): Đây là thể đầu tiên hoặc là giai đoạn sớm của bệnh.
  • Thể củ (T-Tuberculoid): Thể này có sức đề kháng tốt nên có thể tự khỏi.
  • Thể trung gian (B-Borderline): Thể này mang đặc điểm của thể củ và thể u.
  • Thể u (L-Lepromatous): Đây là thể nặng, trước đây gọi là thể ác tính.

Ngoài ra, để tiện cho việc điều trị tại cộng đồng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân bệnh phong thành 2 nhóm sau đây:

  • Nhóm ít vi khuẩn (PB-Paucibacillary): Những bệnh nhân có chỉ số vi khuẩn (BI-Bacterial Index) âm tính và có từ 1-5 thương tổn da.
  • Nhóm nhiều vi khuẩn (MB-Multibacillary): Những bệnh nhân có từ 6 thương tổn da trở lên hoặc chỉ số vi khuẩn dương tính.  

Nguyên nhân

Nguyên nhân mắc bệnh phong chủ yếu là do trực khuẩn Mycobacterium leprae thuộc họ Mycobacteriaceae gây nên.

Đặc điểm  trực khuẩn gây bệnh: 

  • Vi khuẩn này có hình thẳng, kháng cồn, kháng toan, bắt màu đỏ khi nhuộm  Ziehl-Neelsen và bắt màu tím khi nhuộm Gram.
  •  Có sức đề kháng yếu, ra khỏi cơ thể chỉ sống được 1-3 ngày. Nhân lên chậm, chu kỳ sinh sản của nó là 12-13 ngày.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa nuôi cấy được trực khuẩn này trên môi trường nhân tạo nên chưa chế tạo được vắc xin phòng bệnh phong.

Triệu chứng

Bệnh phong chủ yếu ảnh hưởng đến da và các dây thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống hay được gọi là các dây thần kinh ngoại vi, đôi khi nó cũng có thể tấn công vào mắt và niêm mạc mũi.

Thương tổn da  kèm theo giảm hoặc mất cảm giác, bao gồm các hình ảnh lâm sàng:

  • các dát (gặp trong phong thể bất định).
  • Các củ (gặp trong phong thể củ).
  • Các mảng thâm nhiễm, u phong (gặp trong phong thể trung gian và thể u).

Thương tổn thần kinh ngoại biên: 

  • Các dây thần kinh ngoại biên viêm to, hay bị nhất là dây trụ, dây quay, dây chày sau…mất cảm giác (nóng lạnh, đau, xúc giác) tại các vùng da do dây thần kinh chi phối. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tàn tật như: Cò ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi…

Ngoài ra có thể gặp một số triệu chứng khác như: Rối loạn bài tiết (da khô, bóng mỡ), rối loạn dinh dưỡng (rụng lông mày, loét ổ gà…), viêm mũi, viêm thanh quản…

Phong: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đường lây truyền

Bệnh phong là bệnh lây truyền, tuy nhiên lây chậm, lây ít và rất khó lây. Bệnh lây là do tiếp xúc gần gũi, nhiều và thường xuyên với nguồn bệnh. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tỷ lệ lây lan giữa vợ – chồng, nếu một trong hai người bị bệnh chỉ từ 3 – 5%.

Đối tượng nguy cơ

Đối tượng  có nguy cơ mắc bệnh phong cao nhất là những người sống ở khu vực có nhiều người mắc bệnh phong, có thể kể đến một số khu vực như một số địa phận thuộc Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nepal, Ai Cập,…  đặc biệt là những người tiếp xúc thường xuyên với người nhiễm bệnh phong.

Một số bệnh nhân có các khuyết tật di truyền trong hệ thống miễn dịch như là khuyết tật ở vùng Q25 trên nhiễm sắc thể 6 có khả năng năng cao bị nhiễm bệnh lý này.

Những người thường xuyên xử lý một số động vật nhất định như armadillos, tinh tinh châu Phi, khỉ mặt xanh cổ trắng và khỉ đuôi dài, được biết có mang theo vi khuẩn phong do bị lây nhiễm vi khuẩn từ động vật, đặc biệt nếu họ không đeo găng tay bảo vệ khi xử lý các động vật này.

Phòng ngừa

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu được vắc xin điều trị bệnh phong, do đó để không bị mắc bệnh phong, thực hiện biện pháp phòng tránh là chủ yếu.

Tuyên truyền giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức để mọi người hiểu rõ hơn về bệnh phong, không xa lánh, sợ hãi, tránh kỳ thị các bệnh nhân bị bệnh phong.

Vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn uống, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Khi nghi ngờ có triệu chứng của bệnh phong, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tàn tật có thể xảy ra.

Các biện pháp chẩn đoán

Hiện nay, có 2 phương pháp chủ yếu để chẩn đoán bệnh phong:

  • Tìm trực khuẩn phong: Bệnh phẩm là dịch tiết hoặc một phần tổ chức sinh thiết tại các thương tổn da hoặc thương tổn thần kinh. Nhuộm theo phương pháp Ziehl-Neelsen thấy trực khuẩn bắt màu đỏ đứng thành bó, thành cụm hoặc rải rác.
  • Sinh thiết: Trong trường hợp khó chẩn đoán có thể sinh thiết thương tổn để xác định hình ảnh giải phẫu bệnh lý đặc hiệu.

Các biện pháp điều trị

Phong: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh phong có chữa được không?

Theo thống kê,trong hai thập kỷ qua đã có đến 16 triệu bệnh nhân phong được điều trị khỏi hoàn toàn, do đó bệnh phong là một bệnh lý có thể chữa khỏi và được Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp điều trị miễn phí.

Nguyên tắc điều trị: 

  • Tất cả các bệnh nhân phong phải được điều trị bằng đa hóa trị liệu đủ liều, đủ thời gian quy định. 
  • Điều trị tại nhà và miễn phí hoàn toàn. Trường hợp có biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *