Polyp cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Polyp cổ tử cung

Cổ tử cung là phần nối khoang tử cung và phần trên của âm đạo. Nó có chức năng là lối vào của tinh trùng để thụ tinh với trứng.

Polyp cổ tử cung là gì?

Polyp cổ tử cung là khối u lành tính phát triển từ mô đệm cổ tử cung và được che phủ bởi biểu mô, xuất phát từ ống cổ tử cung, có chân hoặc không có chân, kích thước có thể thay đổi từ vài mm đến vài cm, thường gặp ở phụ nữ sinh đẻ nhiều lần. Người bệnh có polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng nhưng cũng có thể ra khí hư nhiều, rong huyết, ra máu sau giao hợp. Phần lớn polyp cổ tử cung lành tính, nhưng khoảng 1% trường hợp chuyển dạng ác tính.

Polyp là cấu trúc dễ vỡ, phát triển từ cuống ở bề mặt của cổ tử cung hoặc bên trong của ống cổ tử cung. Polyp cổ tử cung thường có màu hồng, mềm, khi chạm vào rất dễ chảy máu.

Polyp cổ tử cung  là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 – 50. Đa số polyp cổ tử cung không có triệu chứng mà chỉ được phát hiện tình cờ khi khám phụ khoa định kỳ.

Nguyên nhân bệnh Polyp cổ tử cung

Nguyên nhân polyp cổ tử cung hiện giờ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc polyp cổ tử cung bao gồm:

  • Nồng độ Estrogen cao, đặc biệt phụ nữ trong tuổi sinh đẻ và tiền mãn kinh.

Hàm lượng estrogen tự nhiên luôn dao động trong suốt cuộc đời mỗi phụ nữ. Nồng độ estrogen cao nhất trong những năm sinh đẻ và trong những tháng bắt đầu mãn kinh. Hoá chất nhân tạo giống với estrogen xuất hiện trong các sản phẩm thịt và sữa ngoài thị trường, đồng thời nó cũng có thể được giải phóng vào thức ăn khi hộp đựng được làm bằng nhựa. Đó là những nguyên nhân làm tăng nồng độ estrogen, nâng cao khả năng xuất hiện polyp cổ tử cung.

  • Bệnh lý viêm nhiễm âm đạo – cổ tử cung.

Triệu chứng bệnh Polyp cổ tử cung

Polyp cổ tử cung thường không có biểu hiện rõ ràng nên  thường rất khó phát hiện và nhầm lẫn với 1 số các bệnh khác.

  • Ra máu âm đạo bất thường: là triệu chứng thường gặp nhất.
  • Tính chất xuất huyết: thường chảy rỉ rả, xuất huyết nặng hơn trong chu kỳ (cường kinh).
  • Ra máu sau khi quan hệ tình dục.
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh.
  • Ra máu sau khi thụt rửa âm đạo.
  • Ra máu sau mãn kinh.
  • Đôi khi ra dịch tiết âm đạo quá nhiều, thay đổi màu sắc: quá trắng hoặc quá vàng.
  • Có thể kèm theo đau bụng, thiếu máu.

Một số trường hợp không biểu hiện triệu chứng, được phát hiện tình cờ khi khảo sát hiếm muộn, hoặc qua xét nghiệm tế bào học cổ tử cung.

Những dấu hiệu trên cũng có thể là biểu hiện sớm của ung thư cổ tử cung, nên bạn hãy đến sớm các cơ sở y tế để được khám và có chẩn đoán chính xác.

Polyp cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Phòng ngừa bệnh Polyp cổ tử cung

  • Thường xuyên khám cổ tử cung thường xuyên nhằm phát hiện sự tăng trưởng sớm của polyp.
  • Nên dùng đồ lót bằng chất coton nhằm giúp không khí thông thoáng và ngăn ngừa được nhiệt độ cũng như độ ẩm quá mức quy định.
  • Quan hệ đúng cách và sử dụng bao cao su.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ và làm Pap tầm soát ung thư cổ tử cung.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Polyp cổ tử cung

Sau khi hỏi bệnh và thăm khám, bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp chẩn đoán để xác định bệnh:

  • Siêu âm vùng chậu: siêu âm đầu dò âm đạo là lựa chọn đầu tiên để đánh giá bệnh lý phụ khoa ở những trường hợp ra máu âm đạo bất thường.
  • Chẩn đoán xác định tính chất lành tính hay ác tính polyp cổ TC cần dựa trên đánh giá mô học sau khi đã sinh thiết (hoặc can thiệp cắt bỏ) khối polyp.
Polyp cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp điều trị bệnh Polyp cổ tử cung

Một số trường hợp polyp cổ tử cung sẽ tự thoái triển.

Tùy thuộc vào từng người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị polyp cổ tử cung cụ thể, có trường hợp chỉ cần điều trị nội khoa. Các bác sĩ thường không loại bỏ polyp trừ khi chúng gây ra các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.

Phương pháp loại bỏ polyp cổ tử cung bao gồm:

  • Xoắn polyp cổ tử cung: là một thủ thuật đơn giản, thực hiện nhanh chóng và không gây đau đớn cho người bệnh.
  • Buộc dây phẫu thuật quanh gốc polyp và cắt bỏ nó đi.
  • Sử dụng vòng kẹp để loại bỏ polyp khỏi âm đạo.
  • Các phương pháp loại bỏ phần gốc của polyp cổ tử cung bao gồm:
    • Nitơ lỏng
    • Dao điện đốt chân
    • Tia lazer
    • Đối với những trường hợp polyp ống cổ tử cung, chân polyp to: phẫu thuật mở ống cổ tử cung cắt polyp và đốt chân, sau đó sẽ khâu phục hồi ống cổ tử cung.

Chăm sóc sau thủ thuật:

  • Sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn.
  • Polyp sẽ được gửi giải phẫu bệnh để kiểm tra tế bào.
  • Có thể bạn ra chút máu âm đạo 1-2 ngày nhưng đừng lo lắng, hiện tượng này sẽ tự hết.
  • Kiêng quan hệ tình dục 4-6 tuần theo lời dặn của bác sĩ.
  • Bạn hãy đến gặp lại bác sĩ kiểm tra lại sau 1 tháng.

Vì polyp cổ tử cung có thể ảnh hưởng tới việc thụ thai ở phụ nữ nên việc khám sức khỏe định kỳ là việc rất cần thiết. Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ kể trên, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ hỗ trợ điều trị phù hợp nhằm tránh bỏ sót polyp cổ tử cung ác tính.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *