Rối loạn nhịp tim: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Rối loạn nhịp tim

Quả tim có một hệ thống phát nhịp và dẫn truyền gồm có: nút xoang, nút nhĩ thất, bó His và mạng lưới Purkinje. Hệ thống này đảm bảo quả tim phát nhịp liên tục và đều đặn, đồng thời đáp ứng với các thay đổi theo nhu cầu cơ thể. Ban đầu nút xoang sẽ phát xung động, xung động được dẫn truyền qua cơ nhĩ rồi xuống nút nhĩ thất sau đó đến bó His và mạng lưới Purkinje làm khử cực các tế bào cơ tim, tạo ra một hoạt động điện và làm co bóp cơ tim.

Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?

Rối loạn nhịp tim không phải là thuật ngữ chỉ một loại bệnh, nó bao gồm nhiều rối loạn mà trong đó có bất thường về phát nhịp, dẫn truyền, biểu hiện ra là ta không thấy nhịp giống như bình thường nữa. Nhiều rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm, có thể gây đột tử. Có thể chia rối loạn nhịp tim thành các loại:

  • Rối loạn phát xung:
  • Rối loạn chức năng nút xoang: suy nút xoang, nhịp nhanh xoang…
  • Rối loạn nhịp thất: ngoại tâm thu thất, nhịp nhanh thất, rung thất, xoắn đỉnh…
  • Rối loạn nhịp nhĩ: ngoại tâm thu nhĩ, nhanh nhĩ, rung nhĩ, cuồng nhĩ…
  • Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất.
  • Rối loạn dẫn truyền: block nhĩ thất cấp 1, cấp 2, cấp 3.

Nguyên nhân bệnh Rối loạn nhịp tim

  • Do các bệnh lý tim mạch: bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, các bất thường dẫn truyền bẩm sinh (cầu Kent).
  • Do rối loạn điện giải: tăng/ hạ kali, canxi…
  • Các bệnh lí tuyến giáp, tuyến thượng thận.
  • Suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn,…
  • Do thuốc: nhóm quinolone, thuốc chống loạn nhịp (amiodarone…).

Triệu chứng bệnh Rối loạn nhịp tim

Các dấu hiệu rối loạn nhịp tim có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi, ngất: hội chứng suy nút xoang, block nhĩ thất…
  • Hồi hộp, trống ngực: cơn nhịp nhanh kịch phát, nhịp nhanh xoang, rung nhĩ cơn…
  • Cảm giác hụt nhịp: ngoại tâm thu thất.
  • Đột tử: rung thất, nhịp nhanh thất vô mạch, xoắn đỉnh, hội chứng Brugada.
Rối loạn nhịp tim: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh Rối loạn nhịp tim

Những người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch nói chung có khả năng mắc các rối loạn nhịp cao hơn:

  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường.
  • Tuổi cao.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Xơ vữa động mạch: bệnh lí mạch vành.

Phòng ngừa bệnh Rối loạn nhịp tim

  • Kiểm soát huyết áp: chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau xanh, giảm muối kết hợp với tập luyện thể dục đều đặn.
  • Uống thuốc hàng ngày.
  • Kiểm soát đường máu theo mục tiêu.
  • Điều trị rối loạn lipid máu.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Rối loạn nhịp tim

  • Điện tâm đồ: là công cụ bắt buộc phải có để chẩn đoán một rối loạn nhịp tim. Dựa vào tần số tim nhanh hay chậm, đều hay không đều, phức bộ QRS rộng hay hẹp, có thấy sóng P xoang hay không từ đó phân tích và kết luận một rối loạn nhịp tim là gì.
  • Ghi chuyển đạo qua thực quản: ngày nay không còn được dùng phổ biến nữa vì nó hơi mất nhiều thời gian, không phù hợp trong những trường hợp cấp cứu. Mục đích là đưa một điện cực qua đường thực quản để ghi được hoạt động điện của tâm nhĩ, trong những trường hợp không rõ sóng P.
  • Holter điện tâm đồ: Ghi điện tâm đồ liên tục 24h. Thường được dùng khi nghi ngờ rối loạn nhịp mà điện tâm đồ tại một thời điểm không ghi được cơn. Máy sẽ phân tích và thống kê lại các bất thường nhịp tim trong vòng 24h, bác sĩ sẽ kiểm tra lại các bất thường đó.
  • Thăm dò điện sinh lý: đây là phương pháp kĩ thuật cao, hiện đại. Điện cực thăm dò sẽ được đưa vào trong buồng tim và ghi lại các hoạt động điện. Bác sĩ có thể kích thích các vùng cơ tim để gây cơn. Một số bất thường rối loạn nhịp tim hiếm xảy ra, Holter điện tâm đồ không ghi lại được, có thể dùng phương pháp này để chẩn đoán sau đó tiến hành can thiệp luôn. Ví dụ: chẩn đoán cơn nhịp nhanh, thăm dò hội chứng Brugada…

Các biện pháp điều trị bệnh Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có chữa được không?

Rối loạn nhịp tim đa phần có thể điều trị được bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên có một số ít những rối loạn nhịp tim rất khó khống chế dù đã dùng nhiều phương pháp.

  • Điều trị rối loạn nhịp tim có thể có các biện pháp sau tùy từng rối loạn.
  • Không dùng thuốc: nghiệm pháp Vasalva, ấn nhãn cầu, xoa xoang cảnh. Thường dùng để cắt cơn nhịp nhanh.
  • Dùng các thuốc chống rối loạn nhịp.
  • Thăm dò điện sinh lí và triệt đốt các rối loạn nhịp: ngoại tâm thu thất, cơn nhịp nhanh kịch phát, hội chứng W.P.W,…
  • Dùng các dụng cụ hỗ trợ: máy tạo nhịp tạm thời, máy tạo nhịp vĩnh viễn, máy phá rung tự động.
  • Sốc điện chuyển nhịp.
  • Xử trí cấp cứu rối loạn nhịp nhanh: nếu có rối loạn huyết động, cần sốc điện chuyển nhịp. Nếu không có rối loạn huyết động có thể dùng các nghiệm pháp cắt cơn, dùng thuốc, sốc điện có chuẩn bị.
  • Xử trí cấp cứu các rối loạn nhịp chậm: nếu có rối loạn huyết động cần dùng thuốc làm tăng nhịp tim như atropine, adrenalin, dopamine theo hướng dẫn và đặt máy tạo nhịp tạm thời. Nếu có triệu chứng mà không có rối loạn huyết động có thể cân nhắc đặt máy tạo nhịp tạm thời, lên kế hoạch đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *