Suy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Suy tim trái

Suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó tim giảm khả năng cung cấp máu cho nhu cầu của cơ thể, lúc đầu do gắng sức sau đó cả khi nghỉ ngơi. Suy tim gồm có suy tim phải, suy tim trái và suy tim toàn bộ.

Suy tim trái (left side heart failure) là một dạng suy tim thường gặp. Tim trái có nhiệm vụ mang máu giàu oxy từ phổi vào vòng tuần hoàn đến khắp các tế bào của cơ thể. Khi tim trái bị suy yếu, các chức năng của tim trái sẽ bị suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Có nhiều cách phân loại suy tim trái khác nhau, nếu theo tình trạng tiến triển của bệnh, ta có: suy tim trái cấp và suy tim trái mạn tính.

Suy tim trái cấp là tình trạng khởi phát đột ngột các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh suy tim trái. Các triệu chứng này có thể khởi phát lần đầu hoặc tái phát. Đây là một tình trạng đe dọa mạng sống người bệnh, cần phải can thiệp cấp cứu khẩn cấp.

Suy tim trái mạn tính là tình trạng bệnh kéo dài và khó có khả năng hồi phục hoàn toàn. Bệnh là hậu quả của những tổn thương thực thể hoặc những rối loạn chức năng tim dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu, tống máu. Suy tim trái là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh suy tim, khi nói đến suy tim trái thường là đang nói đến bệnh suy tim trái mạn tính.

Nguyên nhân bệnh Suy tim trái

Tất cả các nguyên nhân làm ứ đọng máu trong tim trái, cản trở quá trình bơm máu của tim trái hoặc làm cho tim trái làm việc nhiều hơn đều có thể là nguyên nhân suy tim trái. Các nguyên nhân thường gặp là:

  • Tăng huyết áp động mạch: là nguyên nhân thường gặp nhất gây suy tim trái. Tăng huyết áp làm tăng sức cản của thành mạch, cản trở sự tống máu của thất trái, làm tăng hậu gánh. Tim trái phải co bóp mạnh để thắng sức cản này lâu dần dẫn đến suy.
  • Hở lỗ van hai lá: khi van hai lá bị hở, mỗi lần tim bóp sẽ có một lượng máu theo lỗ hở chạy lên nhĩ trái, không đi ra vòng đại tuần hoàn. Cơ tim sẽ đáp ứng bằng cách co bóp nhiều và mạnh hơn, lâu ngày sẽ dẫn tới suy tim trái.
  • Hở van động mạch chủ: trong mỗi thì tâm trương, máu từ động mạch chủ sẽ trở lại tâm thất trái, khi van động mạch chủ bị hở khối lượng máu về tâm thất trái sẽ bị thiếu hụt. Ở thì tâm thu, tim phải làm việc nhiều hơn, co bóp mạnh để bù lại khối lượng máu bị thiếu, do làm việc nhiều mà đem lại kết quả ít, nên lâu dần tim trái sẽ bị suy yếu.
  • Bệnh nhồi máu cơ tim sẽ làm một phần cơ tim không được tưới máu do tắc động mạch vành, phần cơ tim này sẽ bị hủy hoại. Ngoài ra cơ tim còn bị tổn thương trong một số bệnh khác như: thiếu máu cơ tim, phì đại cơ tim, viêm cơ tim do thấp hoặc nhiễm khuẩn, các bệnh cơ tim,…
  • Các nguyên nhân khác: tăng áp động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ, tim bẩm sinh, cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, cơn cuồng động nhĩ, rung nhĩ nhanh, hen phế quản, đái tháo đường,…

Triệu chứng bệnh Suy tim trái

Triệu chứng cơ năng

Khó thở là triệu chứng cơ năng điển hình. 

  • Khó thở khi gắng sức: một cơ thể bình thường cũng có thể khó thở khi rất gắn sức và phục hồi nhanh khi nghỉ, nhưng ở bệnh nhân suy tim, khó thở xuất hiện ở ngay cả khi mức độ gắng sức ít và lâu hồi phục hơn.
  • Khó thở khi nằm (khó thở tư thế): khi nằm, máu dồn về vùng ngực nhiều hơn làm tăng gánh nặng cho tim, do đó gây khó thở. Đây là một triệu chứng quan trọng và xuất hiện sớm ở bệnh suy tim. Một số bệnh nhân có triệu chứng ho khi nằm, triệu chứng này cũng được coi là tương đương với khó thở khi nằm. Hiện tượng khó thở khi nằm xuất hiện khá nhanh, chỉ vài phút sau khi bệnh nhân nằm, khi ngồi dậy hoặc kê gối cao thì hiện tượng khó thở giảm.
  • Khó thở kịch phát về đêm khi ngủ: là hiện tượng bệnh nhân đột ngột phải thức dậy vài giờ sau ngủ với cảm giác lo lắng, ngột ngạt, khó thở. Phải kê gối cao hơn hoặc ngồi dậy để thở. Trong cơn khó thở có thể có các cơn co thắt phế quản. Khác với khó thở tư thế, khó thở kịch phát phải cần một khoảng thời gian lâu hơn để giảm triệu chứng.
  • Khó thở khi nghỉ: xuất hiện khi suy tim nặng hơn, là trạng thái mà áp lực mao mạch phổi tăng cao, có sự mất đồng bộ giữa tỉ lệ thông khí và tưới máu. Bên cạnh đó, khó thở khi nghỉ cũng có thể gây ra bởi sự giảm chức năng phổi.
  • Cơn hen tim và phù phổi cấp: bệnh nhân khó thở dữ dội, hoảng sợ, vã mồ hôi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp, tiếng ran dâng lên từ hai đáy phổi. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh. Nguyên nhân gây ra bởi sự tăng đột ngột áp lực mao mạch phổi do suy tim trái cấp.

Các triệu chứng khác gồm:

  • Ho: xảy ra ban đêm hoặc khi bệnh nhân gắng sức. Thường là ho khan nhưng đôi khi là ho ra đờm lẫn máu.
  • Do không được cung cấp máu đầy đủ nên bệnh nhân có cảm giác yếu, chóng mặt, tay chân rã rời.
  • Cảm giác đau ngực, nặng ngực hoặc đánh trống ngực.
  • Hay đi tiểu về đêm và tiểu ít.

Triệu chứng thực thể:

  • Khi khám tim: nhìn, sờ thấy mỏm tim đập lệch sang trái. Tiếng tim nhỏ và mờ, nhịp tim nhanh, có thể thấy tiếng ngựa phi trái. Tiếng thổi tâm thu nhẹ ở mỏm, ít lan.
  • Khám phổi: thường thấy ran ẩm rải rác hai bên đáy phổi. Trong trường hợp cơn hen tim có thể nghe được nhiều ran rít và ran ẩm ở hai phổi, trong phù phổi nghe thấy nhiều ran ẩm to, nhỏ hạt dâng nhanh từ hai đáy phổi lên khắp hai phế trường.
  • Đo huyết áp: trong đa số các trường hợp, huyết áp động mạch tối đa giảm, huyết áp tối thiểu bình thường nên số huyết áp chênh lệch thường nhỏ đi.
Suy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh Suy tim trái

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:

  • Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ. Nguy cơ cao ở nam tuổi từ 50-70, đặc biệt là ở những người đã từng bị nhồi máu cơ tim.
  • Người Mỹ gốc Phi có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn các chủng tộc khác.
  • Người bị hẹp động mạch chủ: do động mạch chủ bị hẹp nên máu di chuyển qua sẽ chậm, làm tim suy yếu.
  • Người mắc bệnh cơ tim, người có khuyết tật tim bẩm sinh, người mắc bệnh van tim
  • Người thiếu máu, người đang dùng các thuốc hóa trị, thuốc trị đái tháo đường, thuốc giảm đau chống viêm nonsteroid (NSAIDs),…
  • Người mắc các nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virut: do một số loại vi khuẩn, virut có khả năng gây tổn thương cơ tim.

Phòng ngừa bệnh Suy tim trái

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh suy tim trái, nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm các bất thường, điều trị kịp thời. Nếu nhận thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường, phải tới các cơ sở y tế để thăm khám.

Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế muối, đường, chất béo. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Kiểm soát đường máu đặc biệt nếu đang mắc bệnh đái tháo đường. 

Giảm cân, duy trì cân nặng ở mức phù hợp. Kiểm tra cân nặng thường xuyên, nếu tăng cân bất thường có thể liên quan đến tình trạng tích trữ nước trong cơ thể.

Vận động cơ thể, thực hiện các bài tập thể dục thường xuyên với cường độ phù hợp với sức khỏe tim mạch. Nên hỏi ý kiến bác sĩ để chọn chế độ tập luyện phù hợp.

Hạn chế căng thẳng, sống lạc quan, vui vẻ, hạn chế uống rượu, ngừng hút thuốc lá. Căng thẳng có thể làm nhịp tim đập nhanh bất thường. Rượu và thuốc lá có thể làm tổn thương mạch máu, giảm lượng oxy trong máu, tăng áp lực máu và làm tim đập nhanh.

Kiểm soát các bệnh liên quan như tăng huyết áp, tiểu đường, hen, COPD,…

Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tăng, giảm liều, không bỏ liều, không sử dụng đơn thuốc của người khác. Khi có các triệu chứng bất thường khi dùng thuốc, phải thông báo với bác sĩ.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Suy tim trái

Suy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ dựa và các triệu chứng lâm sàng, kết hợp với:

  • Các xét nghiệm máu cơ bản giúp đánh giá chung tình hình bệnh nhân, các rối loạn, bệnh lý liên quan như thiếu máu, rối loạn lipid máu, đái tháo đường.
  • Xét nghiệm BNP và các dẫn xuất: khi suy tim, các thành tim bị căng dẫn đến sản xuất nhiều pro-BNP sau đó chuyển hóa thành NT-proBNP và BNP. Trong suy tim, các dẫn xuất này xuất hiện khá sớm, trước cả các triệu chứng lâm sàng, khá nhạy. Xét nghiệm BNP giúp sàng lọc bệnh nhân sớm, giúp chuẩn đoán loại trừ nguyên nhân khó thở cấp, giúp theo dõi điều trị và tiên lượng bệnh.
  • Các xét nghiệm máu khác giúp phát hiện nguyên nhân suy tim: xét nghiệm hormone tuyến giáp, thiếu máu,…
  • Các xét nghiệm để theo dõi quá trình điều trị: điện giải đồ, chức năng thận, chức năng gan,…
  • Các xét nghiệm đánh giá các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch như xét nghiệm lipid máu, cholesterol, đường huyết,…
  • Chụp X-quang lồng ngực, chụp động mạch vành, siêu âm tim, đo điện tâm đồ và dùng nghiệm pháp gắng sức. Một số phương pháp khác như: thông tim, nghiên cứu điện sinh lý, xét nghiệm tim bằng y học hạt nhân (thử nghiệm stress hall). Hình ảnh X-quang cho thấy tim to ra, nhất là các buồng tim bên trái, tâm thất trái giãn biểu hiện bằng cung dưới bên trái phồng và kéo dài ra. Cả hai phổi mờ nhất là vùng rốn phổi.
  • Điện tâm đồ: thấy dấu hiệu tăng gánh các buồng tim bên trái. Điện tâm đồ còn giúp chuẩn đoán nguyên nhân suy tim nếu có (ví dụ: nhồi máu cơ tim).
  • Siêu âm tim là một thăm dò quan trọng. Siêu âm tim cho thấy kích thước các buồng tim nhĩ trái, thất trái, biết được sự co bóp của thành tim,  đánh giá được chức năng tâm thu của thất trái dựa trên các thông số về sức co bóp cơ tim, phân số tống máu, thông số về chức năng tâm trương thất trái, áp lực các buồng tim, áp lực động mạch phổi,…
  • Ngoài ra, có thể sử dụng các phương pháp như: thăm dò huyết động xâm lấn (thông tim), chụp cộng hưởng từ chức năng tim (MRI), chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT), Phóng xạ đồ tưới máu cơ tim (SPECT).

Các biện pháp điều trị bệnh Suy tim trái

Điều trị suy tim trái bao gồm: điều trị nguyên nhân gây suy tim, chế độ không dùng thuốc, dùng thuốc và can thiệp. Cụ thể gồm:

  • Chế độ nghỉ ngơi: có vai trò quan trọng giúp giảm cường độ làm việc  của tim. Tùy theo mức độ suy tim mà có chế độ tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp. Bệnh nhân suy tim nhẹ nên tập luyện thể lực nhưng tránh tập nặng, thi đấu thể thao. Khi suy tim nặng hơn cần vận động nhẹ hơn.
  • Chế độ ăn giảm muối: muối làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, làm tăng khối lượng tuần hoàn, do đó làm tăng gánh nặng cho tim. Tùy từng mức độ suy tim cụ thể mà bệnh nhân áp dụng chế độ ăn giảm muối hoặc chế độ ăn nhạt hoàn toàn.
  • Hạn chế lượng nước và dịch đưa vào cơ thể giúp giảm bớt khối lượng tuần hoàn và giảm gánh nặng cho tim. Tùy mức độ suy tim mà lượng dịch đưa vào cơ thể từ 500-1000ml mỗi ngày.
  • Thở oxy: cần thiết trong các trường hợp suy tim nặng, nhằm cung cấp oxy cho các mô, giảm mức độ khó thở, hạn chế sự co mạch phổi.
  • Loại bỏ các yếu tố nguy cơ khác như: bỏ rượu, thuốc lá, cà phê, giảm cân ở bệnh nhân béo phì, tránh stress, nếu đang dùng các thuốc làm giảm sức co bóp của cơ tim thì nên ngừng (ví dụ: các thuốc chẹn bêta giao cảm loại không để điều trị suy tim, Verapamil, Disopyramid,..). Tránh dùng các thuốc giữ nước như corticoid, NSAIDs,…
  • Điều trị những yếu tố làm nặng thêm tình trạng suy tim như thiếu máu, rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng,…
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị nguyên nhân:

Trong mọi trường hợp, cần đánh giá và tìm nguyên nhân bệnh để điều trị triệt để:

  • Nếu suy tim do thiếu máu, cần tìm nguyên nhân điều trị và bù đủ máu.
  • Suy tim do rối loạn nhịp tim kéo dài thì phải có biện pháp điều trị rối loạn nhịp một cách hợp lý: dùng thuốc, đặt máy tạo nhịp,…
  • Suy tim do bệnh van tim hoặc dị tật bẩm sinh, nếu có thể, cần xem xét các chỉ định can thiệp qua da hoặc phẫu thuật sửa chữa các dị tật, thay van tim,…
  • Kiểm soát tốt tăng huyết áp, nhất là tăng huyết áp có nguyên nhân cần tìm biện pháp điều trị triệt để.

Một số biện pháp điều trị đặc biệt khác như: 

  • Biện pháp tái đồng bộ cơ tim bằng máy tạo nhịp tim hai buồng, phương pháp này chỉ định ở những bệnh nhân suy tim nặng.
  • Biện pháp hỗ trợ tuần hoàn đặc biệt, có thể được áp dụng ở những bệnh nhân suy tim trái cấp trong lúc cần những can thiệp đặc biệt khác như: đặt bóng đối xung động mạch chủ (IABP), tim phổi nhân tạo chạy ngoài (extracorporeal membrane oxygenator- ECMO).

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *