Triệu chứng sốt mò ở trẻ em mà cha mẹ phải lưu ý

Sốt mò ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng cấp tính, truyền nhiễm sang người từ ổ nhiễm là ấu trùng mò. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy cần biết được triệu chứng bệnh sốt mò để có cách điều trị phù hợp.

Triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn, gây chẩn đoán nhầm thành nhiều bệnh khác. Nếu không được điều trị đúng cách sớm thì tỷ lệ tử vong của bệnh có thể lên tới 30%.

Triệu chứng của bệnh sốt mò ở trẻ em

Các biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh sốt mò ở trẻ em:

  • Thời gian ủ bệnh kéo dài 6 – 21 ngày, trung bình là 10 – 12 ngày.
  • Bệnh thường khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao liên tục ≥ 38 – 40 độ C, kéo dài 2 – 3 tuần hoặc hơn nếu không điều trị. Có trường hợp bị rét run trong 1 – 2 ngày đầu, kèm theo sốt là triệu chứng nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.
  • Xuất hiện nốt loét đặc trưng điển hình của sốt mò, thường thấy ở vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, bẹn, nách, cổ,… hoặc ở những vị trí bất ngờ như rốn, vành tai, mi mắt,…
  • Nốt loét thường không đau, đôi khi có thể gây ngứa và thường chỉ có một nốt. Nốt phỏng ban đầu sẽ phát triển dần thành dịch đục trên nền sẩn đỏ, sau 4 – 5 ngày sẽ vỡ ra thành nốt có vảy màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm. Sau đó, vảy bong để lộ nốt loét có đáy nông. Khi bệnh nhi hết sốt, nốt loét sẽ liền dần. Cũng có một số trường hợp trẻ không có nốt loét đặc trưng.
  • Nổi hạch tại khu vực nốt loét khi bệnh nhân bắt đầu sốt hoặc sau đó 2 – 3 ngày. Hạch sưng, đau, là dấu hiệu để phát hiện nốt loét. Bệnh nhi cũng có thể bị nổi hạch toàn thân nhưng sưng đau nhẹ hơn.
  • Sau khi sốt 5 – 8 ngày thường xuất hiện ban dát sẩn mọc khắp người, trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân, ban có thể tồn tại vài giờ đến 1 tuần, đôi khi có đốm xuất huyết.
  • Trong tuần sốt đầu, trẻ thường bị ho nhiều.
  • Cuối tuần sốt thứ 2, trẻ có thể bị viêm phổi.

Nếu không được điều trị, sốt có thể kéo dài 2 tuần hoặc hơn, sau đó dần hạ sốt trong vòng vài ngày. Nếu được điều trị, bệnh nhân thường hết sốt sau 36 giờ và có thể hồi phục nhanh chóng.

Bệnh sốt mò ở trẻ em có nguy hiểm không?

Vi khuẩn Orientia tsutsugamushi từ mò sau khi đốt vào da sẽ tạo vết loét trên da

Sau khi đi qua da, vi khuẩn Orientia tsutsugamushi nhân lên tại chỗ, tạo thành nốt sần, tiến triển thành nốt phỏng nước bằng hạt đỗ và vết loét hoại tử có vảy. Từ vết loét, vi khuẩn này sẽ tấn công hệ bạch huyết, gây viêm hạch tại chỗ rồi viêm hạch toàn thân, gây sưng và đau hạch.

Khi vi khuẩn Orientia tsutsugamushi phát triển trong cơ thể người sẽ gây tình trạng viêm tắc mạch máu. Lúc này, áp lực thẩm thấu thành mạch tăng, dẫn đến thoát huyết tương, phù tổ chức, tràn dịch cùng một số tai biến khác. Đồng thời, Orientia tsutsugamushi còn đi vào máu, tới cư trú và phát triển trong tế bào nội mạc của các mạch máu nhỏ ở tất cả các cơ quan như gan, phổi, lách, thận, não, tim,… và gây tổn thương các cơ quan này.

Trường hợp nặng, nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực, bệnh sốt mò ở trẻ em sẽ ngày càng nghiêm trọng và gây ra các biến chứng nguy hiểm như tổn thương đa tạng, bao gồm:

  • Viêm cơ tim, trụy tim mạch.
  • Đông máu nội mạch rải rác.
  • Viêm phổi nặng, suy hô hấp.
  • Viêm não và màng não.
  • Nhiễm độc gan, gan lách to, chỉ số men gan tăng cao.
  • Viêm thận.
  • Sốc nhiễm khuẩn.
  • Xuất huyết trong phân, nôn và ho ra máu.

Diễn tiến của bệnh sẽ thay đổi từ nhẹ sang và phức tạp do bị tổn thương nhiều cơ quan. Có khá nhiều bệnh nhi bị sốt mò đã tử vong do không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bên cạnh các biến chứng nguy hiểm, bệnh sốt mò ở trẻ em còn có thời gian phục hồi chậm và thời gian dưỡng bệnh kéo dài 1 – 2 tuần. Ngoài ra, bệnh cũng có tỷ lệ tái phát cao dù đã được điều trị. Tái phát thường xuất hiện sau khi cắt sốt 5 – 14 ngày. Nguyên nhân tái phát là do thuốc được sử dụng chỉ có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, không tiêu diệt được Orientia tsutsugamushi.

Bệnh sốt mò ở trẻ có thể biến chứng phức tạp tổn thương đa tạng nếu như không được điều trị

Các biện pháp phòng bệnh sốt mò ở trẻ em

Mò và ấu trùng mò ưa sống ở khu vực đất xốp, ẩm mát và trong các khe hang, ven bờ sông, suối, nơi có bụi rậm, cây thấp,… Để phòng ngừa bệnh sốt mò ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần thực hiện theo những hướng dẫn sau:

  • Phát quang bụi rậm quanh nhà.
  • Phun thuốc diệt mò: Nên phun tồn lưu vào đất ẩm và các bờ bụi cây cỏ cao dưới 20cm quanh nhà, nơi râm mát.
  • Diệt chuột theo mùa, nên rắc thuốc diệt mò trước khi diệt chuột.
  • Khi đi dã ngoại nên mặc quần áo dài tay cho trẻ, tránh ngồi, nằm, đặt ba lô, phơi quần áo trên bãi cỏ hay gần bờ bụi, gốc cây.
  • Tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò hoặc sử dụng các loại kem xua diệt mò khi cho trẻ đi chơi ở những vùng nhiều bờ bụi, ẩm thấp.

Bệnh sốt mò ở trẻ em có nhiều biến chứng rất nguy hiểm khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để khám và làm xét nghiệm, tránh tự ý dùng các loại thuốc hạ sốt kéo dài vì có thể khiến bệnh nặng thêm.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *