U xương ác tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh U xương ác tính

U xương ác tính là gì? Ung thư xương là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào của xương, hay gặp nhất là ung thư xương tạo xương và tạo sụn. Ung thư xương thường gặp ở thiếu niên và thanh niên trẻ, nam gặp nhiều hơn nữ.

U xương ác tính có chữa được không? Ung thư xương hiện nay được coi là điều trị được với tỷ lệ sống thêm 5 năm từ 60-70%.

Nguyên nhân bệnh U xương ác tính

Nguyên nhân gây ung thư xương , hiện nay chưa được biết rõ. Các yếu tố được coi là có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Bức xạ ion hóa: là tác nhân vật lý từ môi trường bên ngoài gây ung thư, chiếm tỷ lệ khoảng 18% tất cả các ung thư xương.
  • Chấn thương: các tác động va đập từ ngoài xương, chấn thương do thể thao, tai nạn giao thông. Một số trường hợp ung thư xương phát triển tại vùng bị va đập hoặc gãy xương.
  • Rối loạn di truyền: ung thư xương thường xuất hiện ở người trẻ từ 12-20 tuổi, đây là độ tuổi xương phát triển mạnh và thời gian thì quá ngắn để xuất hiện các ung thư do yếu tố môi trường.

Một số bệnh lành tính có nguy cơ chuyển dạng ung thư xương:

  • Bệnh Paget của xương: có thể thấy ở vú và da. Bệnh Paget ở xương tiến triển thành ung thư sau 40 tuổi.
  • Bệnh loạn sản xương.

Phân loại ung thư xương bao gồm:

  • Ung thư tạo xương.
  • Ung thư tạo sụn.
  • U tế bào khổng lồ ác tính.
  • Bệnh sarcom Ewing.
  • Ung thư mạch máu.
  • Ung thư tế bào liên kết xương: sarcom sợi, sarcom mỡ, u trung mô ác tính.

Triệu chứng bệnh U xương ác tính

Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt trẻ có chiều cao lớn hơn các trẻ khác cùng lứa tuổi.

Vị trí hay gặp: đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày. Vị trí ít gặp hơn là đầu trên xương đùi và đầu trên xương cánh tay; xương dẹt hay bị ung thư xương là xương chậu và xương bả vai.

Các triệu chứng ung thư xương thường gặp bao gồm:

  • Đau: là triệu chứng khởi đầu hay gặp nhất với tính chất: giai đoạn sớm bệnh nhân đau mơ hồ từng đợt sau đó đau liên tục làm bệnh nhân mất ăn, mất ngủ, dùng các thuốc giảm đau không giảm.
  • Xuất hiện khối u: u xương có thể biểu hiện là 1 đám chắc, đẩy gồ mặt da, bờ không rõ, sờ nắn không đau. U to nhanh làm biến dạng chi vùng có u. U thâm nhiễm tổ chức phần mềm, nổi rõ các mạch máu dưới da và tân tạo các mạch nhỏ. Giai đoạn muộn hơn u có thể thâm nhiễm phá vỡ mặt dạ, chảy máu gây bội nhiễm.
  • Gãy xương bệnh lý: vì khối u xương ác tính gây tiêu hủy xương nên có hiện tượng tự gãy xương.
U xương ác tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh U xương ác tính

Người có tiền sử gia đình mắc u xương ác tính:

  • Người có tiền sử chấn thương đặc biệt gãy xương, đụng giập xương.
  • Người có tiền sử phơi nhiễm với các bức xạ ion hóa ở thời gian kéo dài.
  • Người mắc các bệnh u xương lành tính có nguy cơ chuyển dạng ác tính: bệnh Paget xương, bệnh loạn sản xương.

Phòng ngừa bệnh U xương ác tính

Chưa có biện pháp phòng ngừa u xương đặc hiệu. Một số biện pháp sau có thể áp dụng:

  • Điều trị các gãy xương tại cơ sở y tế uy tín, đi khám theo dõi định kỳ theo hẹn.
  • Đi khám định kỳ khi có các dấu hiệu nghi ngờ không rõ ràng như đau xương thỉnh thoảng ở thanh thiếu niên, đặc biệt người có tiền sử gia đình mắc bệnh.
  • Theo dõi trên các bệnh nhân mắc bệnh u xương lành tính như Paget xương, loạn sản xương.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh U xương ác tính

Các xét nghiệm trong chẩn đoán ung thư xương bao gồm:

Xquang xương:

  • Phải chụp cả phim thẳng và phim nghiêng. Chụp đối bên để so sánh.
  • Dấu hiệu tiêu xương: là tiêu chuẩn của ung thư xương. Có thể thầy hình nang xương, hình gặm nhấm và mất hết calci của xương.
  • Dấu hiệu tạo xương: xen kẽ với tiêu xương nên dễ nhầm lẫn với viêm xương.
  • Phản ứng màng xương: Không phải là dấu hiệu đặc hiệu của ung thư xương. Trong ung thư xương màng xương không đều, phá vỡ màng xương hoặc không thấy dấu vết của màng xương do ung thư xâm lấn vào phần mềm.

Chụp cắt lớp vi tính: đánh giá mức độ lan rộng của tổng thương trong xương, trong tủy xương và ngoài xương. Có giá trị hơn cộng hưởng từ là phát hiện sự hủy xương dưới vỏ, các gãy xương khó thấy.

Chụp cộng hưởng từ: Đánh giá sự lan rộng của khối u trong tủy xương, vào mô mềm, xâm lấn thần kinh, xâm lấn mạch máu.

Chụp xạ hình xương: xác định giới hạn tổn thương, theo dõi sự tiến triển của các tổn thương và hiệu quả của điều trị hóa chất. Phát hiện các ổ di căn, đặc biệt là di căn xương.

Xét nghiệm mô bệnh học: có giá trị chẩn đoán, xác định loại mô bệnh học của ung thư xương.

Xét nghiệm nồng độ Phosphatase kiềm: Tăng lên khi có hoạt động của nguyên bào xương. Xét nghiệm có vai trò theo dõi và tiên lượng bệnh. Sau điều trị nếu phosphatase kiềm tăng lên trở lại nghĩ đến tái phát.

Chẩn đoán phân biệt của ung thư xương bao gồm:

  • Viêm tủy xương cấp: do tụ cầu chiếm tỷ lệ tới 75%, sau đó là liên cầu tan huyết nhóm A. Bệnh khởi phát ở người lớn , không rầm rộ như ở trẻ em. Bệnh nhân tăng cảm giác đau tại chỗ, sưng đau phần mềm. Xquang có mất ranh giới các mô, mất chất khoáng xương, thay đổi cấu trúc màng xương. Xét nghiệm chọc hút tủy xương và màng xương để cấy vi khuẩn giúp chẩn đoán bệnh.
  • Viêm tủy xương bán cấp: hình ảnh giống như ung thư xương nguyên phát trên Xquang và tăng hoạt tính phóng xạ trên xạ hình xương. Lâm sàng có sốt, tốc độ máu lắng tăng. Chọc hút khối u có dịch  mủ, nuôi cấy tìm vi khuẩn.
  • Di căn xương thứ phát: triệu chứng bao gồm đau, tổn thương thần kinh, gãy xương bệnh lý. Các ung thư thường di căn đến xương bao gồm: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến…
U xương ác tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp điều trị bệnh U xương ác tính

Điều trị ung thư xương bao gồm các phương pháp sau:

Phẫu thuật:

  • Phẫu thuật bảo tồn chi: cắt bỏ khối u và ghép phục hồi đoạn xương đã mất hoặc thay xương giả.  Chỉ định khi ung thư xương còn khu trú, chưa xâm lấn thần kinh và mạch máu.
  • Phẫu thuật cắt cụt, tháo khớp áp dụng trong các trường hợp:
    • Có tổn thương mạch máu và thần kinh chính của chi.
    • Gãy xương bệnh lý có nguy cơ reo rắc tế bào ung thư xương nếu phẫu thuật bảo tồn dễ tái phát.
    • Sinh thiết không đúng vị trí dẫn tới làm nhiễm bẩn sang tổ chức lành, nhiễm trùng tại u.
    • Tổn thương lan quá rộng vào phần mềm, không đáp ứng với hóa chất.
    • Trẻ em dưới 12: cân nhắc cắt cụt chi vì bảo tồn xương phát triển mạnh gây chênh lệch chiều dài quá nhiều về sau.

Hóa chất:

  • Hóa chất trước phẫu thuật: giúp thu nhỏ khối u nguyên phát tạo điều kiện phẫu thuật bảo tồn chi, kiểm soát các vi di căn.
  • Hóa chất sau phẫu thuật: giảm tái phát tại chỗ đặc biệt trong phẫu thuật bảo tồn. Hạn chế di căn xa.

Tia xạ:

  • Chỉ định trường hợp không phẫu thuật được.
  • Tia xạ tại chỗ có tác dụng giảm đau và làm chậm phát triển của u.

Tiên lượng của ung thư xương phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Vị trí của ung thư: đầu xa của chi tốt hơn đầu gần.
  • Thể mô bệnh học và giai đoạn của khối u.
  • Phương pháp điều trị: hóa chất trước phẫu thuật và phẫu thuật cho tiên lượng tốt.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *