Ung thư lưỡi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi là một bệnh lý ác tính rất nguy hiểm thường gặp ở vùng miệng-lưỡi. Trong giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường mơ hồ, và dễ bị bỏ sót. Chỉ khi bệnh đã diễn tiến nặng thì các triệu chứng mới rầm rộ. Do đó, bệnh nhân ung thư lưỡi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 263.900 bệnh nhân ung thư lưỡi mới mắc và có đến 128.000 trường hợp tử vong. Tại Mỹ, năm 2009 ghi nhận 10.530 ca mắc mới và 1900 bệnh nhân tử vong do ung thư lưỡi (Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ). Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư lưỡi ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân bệnh Ung thư lưỡi

Hiện nay, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân của ung thư lưỡi là gì. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là nguy cơ của ung thư lưỡi:

  • Hút thuốc lá.
  • Uống nhiều bia rượu.
  • Nhai trầu.
  • Vệ sinh răng miệng kém.
  • Dinh dưỡng: Thiếu các vitamin A, D, E; thiếu sắt;…
  • Vi sinh vật: vi khuẩn có thể trực tiếp tác động làm thay đổi gen hoặc gián tiếp gây viêm, dẫn đến việc phát sinh ung thư lưỡi. Virus HPV được cho là yếu tố nguy cơ của ung thư lưỡi.

Triệu chứng bệnh Ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi có triệu chứng như thế nào?

Giai đoạn đầu

Trong giai đoạn đầu của ung thư lưỡi, bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nghèo nàn. Chúng lại không rõ ràng và dễ nhầm với các bệnh thông thường, khiến nhiều bệnh nhân chủ quan và không đi khám. Những triệu chứng có thể xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh bao gồm:

  • Bệnh nhân có cảm giác khó chịu ở vùng lưỡi: cảm giác này giống như có dị vật hay xương cá cắm vào lưỡi, nhưng chỉ thoáng qua.
  • Có khối gồ nổi lên bề mặt lưỡi: màu sắc thay đổi, niêm mạc trắng, tổn thương chắc, rắn, có thể ở dạng xơ hóa hoặc loét nhỏ.
  • Hạch cổ: có thể gặp ở một số bệnh nhân ung thư lưỡi trong giai đoạn đầu của bệnh.

Giai đoạn toàn phát

Ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ trên lâm sàng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân, nên bệnh ung thư lưỡi thường được phát hiện ở giai đoạn này.

  • Đau lưỡi: đây là triệu chứng rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư lưỡi giai đoạn toàn phát. Đau liên tục, và đau tăng khi bệnh nhân nói hoặc nhai, đặc biệt là ăn thức ăn cay, nóng. Thỉnh thoảng, đau có thể lan lên tai.
  • Tăng tiết nước bọt.
  • Chảy máu vùng miệng: máu hòa vào nước bọt, và khi nhổ ra nước bọt có màu đỏ.
  • Hơi thở có mùi khó chịu: do tổ chức ung thư hoại tử.
  • Khó nói, khó nuốt: do lưỡi bị cố định, khít hàm.
  • Nhiễm khuẩn: bệnh nhân sốt, mệt mỏi, chán ăn.
  • Sụt cân: do tổn thương bệnh lý và do không ăn được.
  • Khám lưỡi thấy ổ loét hoặc nhân lớn ở lưỡi: ổ loét phát triển và lan rộng nhanh làm giới hạn vận động của lưỡi; bên ngoài ổ loét có giả mạc nên dễ chảy máu. Có thể không thấy ổ loét mà thay vào đó là một nhân lớn đội lớp niêm mạc lưỡi nhô lên, trên bề mặt niêm mạc có những lỗ nhỏ mà khi ấn vào có chất dịch màu trắng chảy ra, chứng tỏ có tình trạng hoại tử bên dưới.
Ung thư lưỡi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Giai đoạn tiến triển

Bệnh diễn tiến nhanh theo chiều hướng xấu. Thể loét chiếm ưu thế ở giai đoạn này, loét ăn sâu vào bên dưới và lan rộng ra xung quanh, khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội, dễ bị chảy máu và bội nhiễm. Tổn thương hoại tử nhiều nên thường có mùi hôi. Việc thăm khám bệnh nhân là hết sức cần thiết để bác sĩ có thể đánh giá sơ bộ kích thước của khối u cũng như đặc điểm xâm lấn của khối u xuống phía dưới và ra các mô xung quanh (sàn miệng, amygdale, rãnh lưỡi,…). Việc thăm khám có thể khiến cơn đau của bệnh nhân tăng lên nhiều hơn, vậy nên thường phải gây tê trước khi khám để giảm thiểu phản ứng đau trên bệnh nhân.

Ung thư lưỡi giai đoạn cuối

Ở giai đoạn này, các triệu chứng ung thư lưỡi trở nên rầm rộ và nặng nề hơn. Một số triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân giai đoạn cuối:

  • Sụt cân nhanh: dấu hiệu này có thể cho thấy bệnh đang trở nặng.
  • Mệt mỏi: trong giai đoạn cuối, bệnh nhân mệt mỏi thường xuyên hơn.
  • Rối loạn tiêu hóa: ăn mau no, đầy hơi, chướng bụng sau ăn, buồn nôn, rối loạn đại tiện, phân lẫn máu,…
  • Sốt kéo dài: có thể báo hiệu một tình trạng xấu trên bệnh nhân.
  • Hạch di căn: hay gặp là hạch dưới cằm, hạch dưới hàm, hiếm khi di căn hạch cảnh giữa và dưới.
  • Tổn thương lưỡi: thường ở bờ tự do của lưỡi (80%), đôi khi có thể thấy ở các vị trí khác như mặt dưới lưỡi (10%), mặt trên lưỡi (8%), đầu lưỡi (2%).

Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi thường gặp ở những người trên 50 tuổi, trong đó phần lớn là nam giới. Những người vệ sinh răng miệng kém, thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, có thói quen nhai trầu, hay nhiễm virus như HPV… là những đối tượng nguy cơ của ung thư lưỡi. Đặc biệt, nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Rosswell Park, Hoa Kỳ cho thấy nam giới mắc bệnh lý răng lợi mạn tính, dù có hút thuốc lá hay không, cũng làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu xương ổ răng bị tiêu đi 1mm (trong bệnh lý viêm quanh răng) thì nguy cơ ung thư lưỡi tăng lên gấp 5.23 lần.

Phòng ngừa bệnh Ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi có thể được phòng tránh nhờ vào việc giữ gìn vệ sinh răng miệng. Việc bỏ các thói quen xấu như: bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, bỏ thói quen nhai trầu,… cũng góp phần giảm nguy cơ ung thư lưỡi.

Khi có dấu hiệu bất thường nào, cần đến ngay các cơ sở y tế để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư lưỡi.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Triệu chứng lâm sàng: Các dấu hiệu khiến bệnh nhân đi khám sẽ là định hướng bước đầu để bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng, từ đó có được chẩn đoán sơ bộ, trong đó quan trọng nhất là khám lưỡi và khám hạch để phát hiện được các tổn thương.
  • Sinh thiết: được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định các loại ung thư nói chung và ung thư lưỡi nói riêng. Mẫu bệnh phẩm có thể lấy được nhờ áp lam vào tổn thương tại lưỡi hoặc chọc hút hạch nghi ngờ bằng kim nhỏ.
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-Quang xương hàm dưới, siêu âm, CT Scan, MRI: nhằm đánh giá sự di căn của bệnh.
  • Xạ hình toàn thân: cho phép phát hiện di căn xa của ung thư lưỡi.

Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi rất khó để phát hiện sớm vì các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn đầu quá mơ hồ. Bệnh nhân thường đến viện khi mà tổn thương ung thư không còn khu trú tại chỗ nữa, nó đã xâm lấn và lan ra xung quanh. Do đó, việc lên kế hoạch điều trị ung thư lưỡi phụ thuộc nhiều vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Một số loại thương tổn như thể nhú sùi, thể nhân, thể loét phát hiện ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt để bằng phẫu thuật hoặc xạ trị. Bệnh nhân vào viện muộn hơn thì việc điều trị trở nên phức tạp hơn, đôi khi phải kết hợp nhiều phương pháp.

Phẫu thuật

  • Giai đoạn sớm: Phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị cơ bản nhất cho bệnh nhân ung thư lưỡi giai đoạn sớm. Bệnh nhân sẽ được điều trị triệt căn bằng phẫu thuật đơn thuần. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đặc điểm của khối u (vị trí, kích thước, …) để đưa ra chỉ định phù hợp trên từng bệnh nhân cụ thể:

Phẫu thuật cắt rộng u.

Phẫu thuật cắt lưỡi bán phần + vét hạch cổ.

Phẫu thuật cắt nửa lưỡi + cắt nửa sàn miệng + cắt xương hàm dưới + vét hạch cổ + tạo hình.

  • Giai đoạn muộn hơn: nếu khả năng phẫu thuật được thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân, đồng thời kết hợp với một hoặc nhiều phương pháp khác như hóa trị, xạ trị.

Xạ trị

Xạ trị đã có đóng góp không nhỏ trong việc điều trị ung thư lưỡi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, những tác dụng phụ trên bệnh nhân xạ trị, như khô miệng, viêm nhiễm vùng miệng, xạm da, loét da, khít hàm,… là điều khó tránh khỏi.

  • Xạ trị đơn thuần: xạ trị triệt căn có thể được chỉ định cho bệnh nhân ung thư lưỡi phát hiện sớm; ngoài ra, xạ trị còn là phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư lưỡi quá giai đoạn phẫu thuật.
  • Xạ trị bỗ trợ sau phẫu thuật: mục đích của xạ trị trong trường hợp này là tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại sau quá trình phẫu thuật, mang lại hiệu quả lớn hơn so với phẫu thuật đơn thuần.
  • Xạ trị tại chỗ (xạ trị áp sát): Ngoài phương pháp xạ trị thông thường, hiện nay còn có xạ trị áp sát, nghĩa là dùng nguồn phóng xạ áp sát vào tổn thương ung thư lưỡi để có thể tiêu diệt tổn thương ác tính tại chỗ.
  • Xạ trị gia tốc toàn não hoặc xạ phẫu bằng dao gamma: điều trị tổn thương di căn não, để cải thiện chất lượng sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Hóa trị

Hóa trị là sử dụng hóa chất đưa vào cơ thể bệnh nhân để điều trị ung thư, có thể hóa trị bằng đường toàn thân hay tại chỗ (động mạch lưỡi). Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng liệu pháp đơn hóa trị hay đa hóa trị cho bệnh nhân.

Hóa trị có thể được chỉ định trước phẫu thuật hay xạ trị (gọi là hóa trị tân bổ trợ) để thu nhỏ tổn thương và giúp tăng hiệu của phương pháp điều trị chính. Hóa trị trước phẫu thuật đem lại lợi ích trong việc điều trị các ung thư vùng đầu mặt cổ giai đoạn muộn.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *