Viêm amidan quá phát độ 3 có nguy hiểm không?

Khi cơ thể bị viêm amidan mạn tính hoặc tái phát viêm amidan nhiều lần trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến tình trạng viêm amidan quá phát. Đặc biệt, viêm amidan quá phát độ 3 nếu không được điều trị một cách phù hợp, có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm amidan quá phát chính là tình trạng amidam bị viêm lâu ngày, hoặc bị tái viêm amidan nhiều lần trong thời gian ngắn. Tùy vào viêm amidan quá phát độ mấy mà có cách điều trị khác nhau từ sử dụng thuốc cho đến can thiệp phẫu thuật.

Viêm amidan là một bệnh thường gặp trong cộng đồng và nếu không được điều trị đúng cách sẽ tiến triển thành viêm amidan mãn tính và nguy hiểm hơn nữa như viêm phổi, viêm cầu thận, nhiễm khuẩn huyết.

Nguyên nhân dẫn đến viêm amidan quá phát

Các nguyên nhân chính dẫn đến viêm amidan như:

  • Virus xâm nhập vào đường hô hấp.
  • Do cơ thể suy giảm sức đề kháng khiến cho vi sinh vật gây bệnh có sẵn ở mũi họng phát triển và gây bệnh.
  • Người bệnh đã và đang bị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác như cúm, sởi, ho gà,…
  • Do nhiễm lạnh (uống nước lạnh, ăn kem, uống bia lạnh (người lớn).
  • Do cấu tạo amidan có nhiều khe, hốc nên vi sinh vật gây bệnh dễ dàng trú ẩn và phát triển.
  • Do cấu tạo amidan nhiều khe, hốc nên vi sinh vật gây bệnh dễ dàng trú ẩn và phát hiện.
  • Do vệ sinh họng, miệng, răng kém.
  • Thời tiết thay đổi đột ngột (bị lạnh đột ngột khi mưa, độ ẩm cao…).

Triệu chứng viêm amidan quá phát

Triệu chứng của viêm amidan quá phát thường khá mờ nhạt ở độ đầu. Có khi không có triệu chứng gì ngoài những đợt tái phát hoặc hồi viêm có triệu chứng giống như viêm amidan cấp tính.

Ngoài một số dấu hiệu tương tự như viêm amidan cấp tính (chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt, không rét run, không ớn lạnh nhưng hay sốt vặt), viêm amidan quá phát còn có thêm những triệu chứng sau:

  • Thể trạng gầy yếu, da xanh, sờ lạnh, ngây ngấy sốt về chiều. Thường có cảm giác nuốt vướng ở họng.
  • Chủ yếu là ho khan từng cơn, kéo dài vào buổi sáng khi mới ngủ dậy
  • Rát họng, giọng nói thay đổi
  • Hơi thở hôi: Đây là triệu chứng của viêm amidan điển hình. Những người bị viêm amidan mạn tính dù có vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày thì hơi thở vẫn có mùi hôi làm cho người tiếp xúc khó chịu.
  • Thỉnh thoảng có ho và khàn tiếng, trẻ em có thở khò khè, ngủ ngáy to.
  • Có thể có hiện tượng ngưng thở ở trẻ em khi viêm amidan quá phát độ 3.

Phân loại viêm amidan quá phát

Viêm amidan quá phát thường bắt đầu do viêm amidan mãn tính, được chia thành 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn của viêm amidan quá phát được chia theo mức độ nghiêm trọng và mức độ sưng của amidan.

Viêm amidan quá phát độ 3 thường có kích thước chiều ngang bằng 1/2 so với khoảng cách giữa hai chân trụ trước của amidan 
  • Viêm amidan quá phát độ 1 (A1): Amidan có kích thước to tròn, cuống gọn, chiều ngang của amidan bằng 1/4 so với khoảng các giữa chân 2 trụ trước của amidan.
  • Viêm amidan quá phát độ 2 (A2): Amidan có hình dạng to tròn như cấp độ 1, tuy nhiên chiều ngang bằng 1/3 so với khoảng cách giữa 2 chân trụ trước của amidan.
  • Viêm amidan quá phát độ 3 (A3): Khi bị viêm amidan quá phát độ 3, kích thước của amidan có chiều ngang bằng 1/2 so với khoảng cách giữa hai chân trụ trước của amidan.
  • Viêm amidan quá phát thể xơ chìm: Tình trạng này thường gặp ở người lớn, vết viêm gồ ghề lên bề mặt và có chằng chịt các xơ trắng. Hai viên amidan và trụ trước có màu đỏ sẫm, trụ sau dày lên.

Khi phát hiện bị viêm amidan quá phát, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám, xác định đúng cấp độ của amidan. Từ đó có các biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.

Mức độ nghiêm trọng của viêm amidan quá phát độ 3

Bệnh viêm amidan quá phát, đặc biệt là viêm amidan quá phát độ 3, nếu không được điều trị và xử lý đúng cách, có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh như:

  • Biến chứng tại chỗ: Nếu bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây viêm nhiễm lan rộng gây viêm tấy hoặc áp-xe amidan. Gây ra các biểu hiện đau họng, khó nuốt, đau tai, họng sưng to khó nói, sốt cao, hơi thở có mùi hôi,…
  • Biến chứng kề cận: Viêm amidan quá phát có thể gây ảnh hưởng đến các vùng xung quanh, gây ra các bệnh như viêm tai giữa, viêm mũi viêm xoang, viêm thanh – phế quản
  • Biến chứng toàn thân: Bệnh viêm amidan quá phát độ 3 có thể gây ra biến chứng viêm cầu thận, viêm khớp cấp, viêm cơ tim,… Các độc tố từ liên cầu khuẩn có thể khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng nhức đầu, đau họng, nổi hạch, nổi ban,…

Như vậy, bệnh viêm amidan quá phát độ 3 có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, người bệnh nên phát hiện sớm và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Lưu ý khi bị viêm amidan quá phát

Bên cạnh việc thực hiện điều trị viêm amidan quá phát theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần kết hợp với chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý, giúp hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả tốt và nhanh chóng. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:

Nên súc miệng bằng nước muối để ngăn ngừa vi khuẩn gây viêm amidan
  • Không uống nước lạnh, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm cay nóng, kích thích đến vùng họng.
  • Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là phần cổ họng.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thường xuyên súc miệng bằng nước muối loãng, nước ấm để loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh.
  • Tăng cường bổ sung cho cơ thể các loại rau xanh, hoa quả giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
  • Uống nhiều nước giúp giảm cảm giác khô rát cổ họng.
  • Khi bị viêm họng nên nhanh chóng tiến hành điều trị, tránh để bệnh tiến triển nặng và tái phát nhiều lần.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *