Viêm amidan quá phát ở người lớn: Đừng chủ quan với bệnh

Viêm amidan là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ và ít gặp hơn ở người lớn. Viêm amidan quá phát ở người lớn là do hiện trạng viêm kéo dài và tái phát dai dẳng, nếu không được chữa trị đúng cách sẽ dễ gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Amidan là tên gọi của hệ thống tổ chức lympho có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn. Chúng gồm hai khối mô mềm nhỏ nằm ở sau cổ họng. Khi phát hiện thấy vi khuẩn xâm nhập, amidan sẽ ngay lập tức bắt lấy, sinh ra các kháng thể hoặc tiến hành thực bào bằng cách men sinh hóa để tiêu diệt vi khuẩn. Nhờ vậy, vi khuẩn không thể tiếp tục xâm nhập sâu vào bên trong.

Những đối tượng dễ bị viêm amidan

Viêm amidan là tình trạng viêm sung huyết và xuất tiết của amidan khẩu cái. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ em thuộc độ tuổi học đường (5-15 tuổi). Khi vi khuẩn ồ ạt xâm nhập và tấn công vùng mũi họng, amidan phải hoạt động quá mức chống lại, từ đó xuất hiện phản ứng viêm, biểu hiện là tình trạng bị sưng, đỏ, đau.

Amidan là cơ quan hình thành từ lúc chúng ta mới sinh ra, hoạt động mạnh mẽ nhất trong những năm đầu đời, sau đó thoái hóa dần khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành. Do đó, nhiều người lầm tưởng viêm amidan là căn bệnh chỉ gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu bệnh không được trị dứt mà tái đi tái lại (do môi trường ô nhiễm hoặc hệ miễn dịch kém), amidan sẽ bị kích hoạt và sưng viêm mãn tính, kéo dài đến tuổi trưởng thành dẫn đến viêm amidan quá phát ở người lớn.

Nguyên nhân gây viêm amidan quá phát ở người lớn

Viêm amidan quá phát ở người lớn thường do các nguyên nhân sau:

  • Nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (nhiễm strep).

Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm amidan quá phát, triệu chứng bệnh diễn biến nhanh, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ở gan, thận, cơ tim, khớp xương,…

  • Nhiễm khuẩn.

Các loại tạp khuẩn từ môi trường, vi khuẩn từ các bộ phận bị viêm nhiễm như xoang mũi, tai, vòm họng,… tấn công vào bên trong amidan sẽ gây ra bệnh lý viêm amidan quá phát ở người lớn.

Viêm amidan quá phát ở người lớn thường do các loại vi khuẩn và virus gây nên
  • Các loại virus

Virus cúm, adenoviruses, virus Epstein-Barr, virus Parainfluenza, enteroviruses,… được biết là các chủng virus thường gây viêm amidan từ cấp tính đến mạn tính.

  • Mắc bệnh xã hội

Virus HSV gây mụn rộp ở miệng, virus HPV gây bệnh sùi mào gà ở miệng cũng có thể là nguyên nhân gây viêm amidan quá phát với các vết viêm loét, mụn trong họng, trên bề mặt amidan.

  • Sỏi amidan

Các hạt sỏi amidan là nguồn dinh dưỡng phong phú cho các tác nhân gây hại sinh sôi phát triển mạnh, khiến amidan dễ bị viêm, sưng to nhanh chóng, bề mặt amidan sưng đỏ, có vệt màu trắng, hơi thở có mùi hôi,…

Triệu chứng viêm amidan quá phát ở người lớn

Triệu chứng viêm amidan quá phát ở người lớn cũng tương tự như ở trẻ nhỏ nhưng mức độ có thể ít rầm rộ hơn. Người bệnh vẫn có thể thấy cảm giác lạnh run sau đó là sốt cao với thân nhiệt có thể lên đến 39-40 độ C. Đồng thời, bệnh nhân còn thấy lừ đừ, mệt mỏi, đau đầu, đau họng, nuốt vướng, nuốt đau, chán ăn.

Ngoài ra, bệnh viêm amidan quá phát ở người lớn tùy theo các cấp độ viêm amidan quá phát mà có thể trạng gầy yếu, xanh xao và thường sốt âm ỉ về chiều. Đôi khi bệnh nhân đến khám vì ho, khàn tiếng, cảm giác nuốt vướng, nuốt đau kéo dài ở họng như có dị vật trong họng, hơi thở thường nặng mùi dù vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng. Một số ít lại biểu hiện khò khè, ngủ ngáy to nên dễ lầm tưởng với các bệnh lý khác.

Chỉ phát hiện được nguyên nhân là tại amidan nếu soi thấy nhiều khe và hốc, chứa đầy mủ trắng giống chất bã đậu trên bề mặt amidan. Đi khám soi vùng họng thấy khối amidan sưng to và đỏ hai bên vòm họng, có khi che gần hết đường giữa. Đôi khi còn thấy trên bền mặt hai amidan sưng đỏ là những chấm mủ trắng, dễ bong tróc và có mùi hôi.

Điều trị bệnh viêm amidan quá phát 

Amidan là bệnh thường gặp trong các bệnh về tai mũi họng, vì thế khi phát hiện thấy những dấu hiệu viêm amidan, đặc biệt là viêm amidan quá phát ở người lớn cần đến bệnh viện để có phương pháp điều trị kịp thời.

Sử dụng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh sẽ phát huy hiệu quả khi sử dụng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ trong các trường hợp viêm amidan cần điều trị ổ nhiễm khuẩn. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị thuốc kháng sinh và tái khám đúng hẹn để đạt được kết quả điều trị cao nhất.

Phẫu thuật: hay còn gọi là cắt amidan, đây là kỹ thuật phổ biến được khuyến cáo sử dụng khi viêm amidan quá phát ở người lớn và cả trẻ em hoặc với các trường hợp không đáp ứng được với các phương pháp điều trị khác, gây biến chứng nặng nề cho người bệnh (như viêm tai mũi họng, viêm khớp, viêm cầu thận, khó thở, khó nuốt và khó nói…).

Phẫu thuật cắt bỏ amidan cần phải có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ

Với kỹ thuật tiên tiến hiện nay, để cắt amidan mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh như giảm chảy máu, giảm đau và nhanh hồi phục, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp cho người bệnh như phẫu thuật khi người bệnh được gây mê có đặt nội khí quản bằng các phương pháp Anse hoặc sử dụng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, cắt amidan viêm bằng dao laser, dao siêu âm hay Coblator,…

Amidan to quá phát đến mức có triệu chứng ngưng thở lúc ngủ thường được chỉ định phẫu thuật cắt amidan sớm. Phẫu thuật amidan hiện nay là rất phổ biến. Tuy nhiên cần có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Chỉ cắt khi nào amidan thực sự trở thành một “lò viêm” gây hại cho cơ thể.

Sau khi cắt amidan, người bệnh cần kiêng khem, thực hiện đúng liệu trình và chỉ dẫn của bác sĩ, có chế độ nghỉ ngơi phù hợp để điều trị amidan quá phát thực sự có hiệu quả.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *