Viêm nhiễm miệng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

1. Tổng quan bệnh Viêm nhiễm miệng

Viêm nhiễm miệng là bệnh viêm nhiễm khoang miệng hay còn gọi là bệnh viêm nhiễm vùng miệng- hàm mặt, với sự xuất hiện của những vết mụn trắng hay xám có viền đỏ bao quanh nhiều hay ít.

Bệnh xuất phát từ sự tổn thương mô mềm trong khoang miệng. Hầu hết bệnh tự khỏi trong thời gian từ một đến hai tuần, gây cảm giác đau và khó chịu cho người bệnh. Tuy không phải là một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể để lại những biến chứng rất nặng nếu không điều trị và dự phòng hiệu quả.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm nhiễm miệng

Nguyên nhân viêm nhiễm miệng rất đa dạng, có thể là:

Nguyên nhân do răng

  • Sâu răng
  • Viêm tủy răng
  • Viêm tổ chức quanh chóp răng
  • U hạt và nang răng quanh chóp làm viêm lan rộng ra.
  • Sang chấn răng làm tủy răng chết và nhiễm khuẩn
  • Tai nạn mọc răng.

Nguyên nhân viêm nha chu

Đặc biệt là khi có túi mủ, vi khuẩn xâm nhập.

Nguyên nhân do điều trị

  • Khi điều trị tủy răng, tổ chức tủy nhiễm khuẩn bị đẩy qua chóp răng hoặc hàn ống tủy răng chưa tốt.
  • Lấy cao răng
  • Nhổ răng dẫn đến nhiễm khuẩn, rách lợi, tổn thương xương ổ răng.
  • Tai biến làm răng giả.
  • Tai nạn chỉnh hình răng
  • Phẫu thuật nha chu, hàm mặt.

Những nguyên nhân khác

  • Viêm tủy xương hàm
  • Gãy xương hàm, gãy hở thông khoang miệng làm vi khuẩn xâm nhập.
  • Vết thương phần mềm
  • Nhiễm khuẩn tuyến nước bọt
  • Nhiễm khuẩn da và niêm mạc
  • Nhiễm khuẩn amidan
  • Viêm xoang hàm trên
  • Tai nạn gây tê.

3. Triệu chứng bệnh Viêm nhiễm miệng

Triệu chứng của viêm nhiễm miệng bao gồm triệu chứng toàn thân và triệu chứng tại chỗ.

Triệu chứng toàn thân

  • Sốt kèm rét run từng cơn, mạch nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.
  • Mệt mỏi, li bì, là biểu hiện của nhiễm trùng nhiễm độc. Có thể hôn mê khi có viêm não, viêm màng não.
  • Rối loạn hô hấp: khó thở, tràn dịch mủ vào trung thất.
  • Rối loạn thị giác: thị lực giảm, nhìn đôi.

Triệu chứng tại chỗ

  • Viêm nhiễm, sưng nóng đỏ đau, lở loét
  • Rối loạn về ăn nhai nuốt do sung nề các tổ chức trong khoang miệng.
  • Có thể xuất hiện áp xe dưới lưỡi, dưới niêm mạc.
  • Nổi hạch góc hàm.
  • Hạn chế vận động há miệng, vận động lưỡi, lưỡi bị đẩy cao lên trên hoặc bị lệch sang một bên.

4. Đường lây truyền bệnh

Bệnh không lây lan từ người bệnh sang những người xung quanh.

5. Đối tượng nguy cơ bệnh

Những yếu tố nguy cơ góp phần dẫn đến bệnh viêm nhiễm miệng là:

  • Ăn nhiều thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng.
  • Ăn nhiều thức ăn chua cay.
  • Uống bia rượu, hút thuốc lá.
  • Có tiền sử đau răng trước đây
  • Có tiền sử viêm nha chu trước đây.
  • Những người mới mọc răng.
  • Những người mới phẫu thuật chỉnh hình vùng hàm mặt hoặc mới làm răng giả, lấy cao răng.

6. Phòng ngừa bệnh

Để phòng ngừa các bệnh về viêm nhiễm vùng miệng cần thực hiện những biện pháp sau:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đều đặn
  • Không ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, thức ăn chua cay.
  • Không hút thuốc lá, uống bia rượu.
  • Nếu bị nhiễm bệnh như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu thì cần điều trị hiệu quả.
  • Nhổ những răng khôn mọc lệch.
  • Khám định kỳ để phát hiện những bệnh về răng miệng.

7. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán chính xác những bệnh viêm nhiễm vùng miệng, cần kết hợp thăm khám lâm sàng những vùng ngoài miệng, trong miệng, vùng sưng tấy… kết hợp với các phương pháp sau để củng cố chẩn đoán:

  • Chụp X quang: để xác định đúng răng nguyên nhân.
  • Cấy vi khuẩn: để phân lập các loại vi khuẩn.
  • Làm kháng sinh đồ: để điều trị hiệu quả.
  • Cấy máu: thực hiện đối với những trường hợp nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn máu, nhiễm độc hoặc những phương pháp điều trị đã làm không có hiệu quả. Cần cấy máu trước khi dùng kháng sinh cho bệnh nhân.

8. Các biện pháp điều trị bệnh

  • Đối với những bệnh nhân sốt cao và không uống được, cần bù nước, vitamin và đường cho bệnh nhân thông qua đường tĩnh mạch.
  • Dùng kháng sinh duy trì khi hết những triệu chứng lâm sàng.
  • Có thể nhổ những răng nguyên nhân gây ra viêm nhưng phải cân nhắc vì sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn lan tràn. Nên nhổ răng sau khi đã dùng kháng sinh khoảng một đến hai ngày.
  • Nếu có dịch thì dẫn lưu bằng ống cao sư mảnh, băng lỏng để thoát dịch dễ dàng.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *