4 thói quen nấu ăn khiến thực phẩm mất nhiều dinh dưỡng, gây hại sức khỏe

Chế biến thức ăn không đúng cách không những lãng phí dinh dưỡng vốn có trong thực phẩm mà còn không tốt cho sức khỏe, đặc biệt làm tăng nguy cơ ung thư.

Các thủ thuật nấu nướng ngày nay không còn xa lạ gì với chúng ta, đặc biệt với những người yêu thích nấu nướng. Để có được một món ăn ngon đòi hỏi nhiều công đoạn, có những món rất cầu kỳ, phức tạp và cả những món có thể gây hại sức khỏe vì quá trình chế biến. Dưới đây là 4 thói quen không tốt bạn cần thay đổi khi nấu ăn.

1. Làm sạch nhiều lần

Các loại rau, trái cây và thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao thì rất dễ bị mất vitamin C, vitamin B, đường và khoáng chất nếu bạn làm sạch chúng quá nhiều lần với nước. Cụ thể, việc bạn vo gạo nhiều lần tới khi nước vo không còn màu trắng đục hay rửa rau quả nhiều đến nỗi chúng bị bầm dập… đều làm mất dinh dưỡng của chúng.

Do đó, với các loại rau, trái cây và thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao, bạn nên rửa sạch bằng nước lạnh, và không nên cắt thái quá nhỏ trước khi rửa để không làm mất chất dinh dưỡng.

Vo gạo quá nhiều lần làm mất lượng vitamin và khoáng chất của chúng.

2. Làm nóng quá lâu

Thực phẩm khi bị làm nóng quá lâu có thể tạo ra một loạt các thay đổi xấu, chẳng hạn như các thành phần axit amin và carbohydrate sẽ bị phá hủy, hàm lượng purin và nitrite sẽ tăng lên, chất béo bị oxy hóa quá mức sau khi đun nóng trong thời gian dài.

Điều này sẽ dễ dàng tạo ra các axit béo chuyển hóa có hại. Các chất protein dễ bị đốt cháy và biến tính do quá nóng, không chỉ có vị đắng, mà còn mất tác dụng tích cực cho sức khỏe, chẳng hạn như thành phần chống ung thư có lợi isothiocyanate trong bông cải xanh và các loại rau họ cải khác sẽ bị mất khi đun nóng trong thời gian dài. Đây cũng là lý do vì sao những người có kinh nghiệm nấu ăn thường khuyên chúng ta chỉ luộc rau vừa đủ chín là vớt ra ngay.

Không nên luộc rau mềm nhừ.

3. Nhiệt độ quá cao

Điểm bốc khói của dầu ăn thông thường không vượt quá 180 độ C. Nếu chảo bốc khói, nhiệt độ trong chảo quá cao, tinh bột dễ sản xuất acrylamide – được phân loại là chất gây ung thư loại 2A; protein, peptide và axit amin dễ tạo ra các hợp chất amin dị vòng khi gặp nhiệt độ cao – cũng là chất gây ung thư mạnh; chất béo dễ bị tạo ra các chất gây ung thư mạnh như benzopyrene.

Nếu tiêu thụ thực phẩm được nấu nướng ở nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể gây tích lũy chất độc trong cơ thể, làm suy giảm chức năng miễn dịch. Tỷ lệ mắc khối u ở các bộ phận khác nhau của cơ thể là rất cao. Do đó, các phương pháp nấu ăn như hun khói, chiên rán và nướng ở nhiệt độ cao, bạn nên hạn chế sử dụng.

Chế biến thức ăn nhiệt độ cao khiến một số chất dinh dưỡng bị biến đổi, nguy hại cho sức khỏe.

4. Gọt vỏ, gây bong tróc quá mức

Ở lớp vỏ của các loại củ quả và trái cây đều chứa một lượng lớn chất dinh dưỡng, chẳng hạn như chất xơ, vitamin, diệp lục, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Lột bỏ quá nhiều vỏ của các loại thực phẩm này sẽ làm mất chất dinh dưỡng. Do đó, càng gọt vỏ, gây bong tróc lớp bên ngoài của rau quả thì các chất dinh dưỡng càng nhanh chóng bị phân hủy không chỉ trong quá trình sơ chế mà cả trong quá trình nấu nướng nữa. Bên cạnh đó, khi đã gọt bỏ lớp vỏ của rau củ, chúng sẽ rất nhanh bị oxy hóa.

Vì vậy, nếu cảm thấy không cần thiết thì bạn không nên gọt vỏ thực phẩm hoặc gọt vỏ ít nhất có thể. Nếu bạn lo lắng về dư lượng thuốc trừ sâu, bạn có thể ngâm trong nước muối loãng trong 10 phút và sau đó chà nhẹ.

Không nên gọt vỏ trái cây nếu không thật sự cần thiết.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *