Bạn có biết: Làm sao để giải độc thủy ngân?

Giải độc thủy ngân là một kỹ năng sống còn bởi thủy ngân là loại kim loại độc, đặc biệt nguy hiểm cho con người khi hít phải ở thể hơi (mercury vapor). Khi không được giải độc kịp thời, người bị ngộ độc thủy ngân có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng.

Thủy ngân là kim loại ở dạng lỏng khi ở nhiệt độ và áp suất bình thường. Thủy ngân có màu bạc, sáng bóng. Thủy ngân rất dễ bay hơi ở nhiệt độ phòng tạo thành hơi rất độc với cơ thể người. Vì thế, làm thế nào để giải độc thủy ngân là một điều cần biết.

Ngộ độc thủy ngân nguy hiểm như thế nào?

Ngộ độc thủy ngân rất nguy hiểm cho sức khỏe con người, vì thế khi chẳng may nhiễm độc cấp, cần phải giải độc thủy ngân ở các cơ sở y tế có chuyên môn nhằm đảm bảo sức khỏe của con người.

Hơi thủy ngân ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, phổi, thận, da, và mắt. Nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây đột biến.

Trong đó, nhiễm độc thủy ngân cấp tính thường do tai nạn như vỡ nhiệt kế, bình chứa, hỏa hoạn… khiến hơi thủy ngân bốc lên với nồng độ cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp, gây viêm phế quản, viêm phổi kẽ lan tỏa.

Người bị nhiễm độc thủy ngân cấp tính có thể gây viêm thận, đạm huyết tăng nhanh ( 4-5g/l), giảm Clo huyết, nhiễm acid. Gây viêm loét miệng, bỏng đường tiêu hóa, nôn ra máu, toàn thân suy sụp. Nạn nhân khó thở, chuột rút, giật cơ, mê sảng, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 24 đến 36 giờ.

Nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp: Là người tiếp xúc với nồng độ thấp, nhưng trong thời gian dài, các triệu chứng xuất hiện chủ yếu trên hệ tiêu hóa và hệ thống thần kinh. Ngoài ra còn có ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tiết niệu…

Các triệu chứng về tiêu hóa như viêm ruột, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm lợi, kèm vị đắng khó chịu, viêm miệng, loét niêm mạc, có thể thấy đường viền thủy ngân màu xanh ở bờ răng lợi.

Các triệu chứng về thần kinh như run cố ý; bệnh Parkinson với biểu hiện run khi nghỉ và giảm chức năng vận động. Tiếp xúc mãn tính với thủy ngân có thể gây ra run mí mắt và rối loạn thị giác, viêm màng tiếp hợp, thu hẹp thị trường. Thủy ngân có thể gây ung thư, biến đổi gen và gây quái thai. Ngoài ra, có thể có cảm giác đau lan tỏa hay bong da bàn tay và bàn chân. Việc ăn hải sản và các thức ăn có nhiễm độc thủy ngân một thời gian dài sẽ xảy đến tình huống tích tụ thủy ngân mạn tính, cần được giải độc thủy ngân.

Kiểm tra nồng độ thủy ngân trong cơ thể

Tùy vào nồng độ thủy ngân trong cơ thể là bao nhiêu mà có các biện pháp giải độc thủy ngân phù hợp. Để biết được nồng độ thủy ngân trong cơ thể, bạn có thể:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu cho biết bạn có tiếp xúc với thủy ngân trong những ngày qua hay không. Tuy nhiên, nồng độ thủy ngân trong máu của một số loại thủy ngân sẽ giảm nhanh chóng trong vòng từ 3-5 ngày.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Trong khoảng thời gian vài tháng, mức độ thủy ngân trong nước tiểu cũng giảm.
  • Xét nghiệm tóc: Xét nghiệm tóc có thể cho thấy dấu hiệu tiếp xúc với thủy ngân dài hạn.

Nếu muốn kiểm tra mức thủy ngân của bản thân, nên báo cho bác sĩ biết về thời gian bạn tiếp xúc với các nguồn thủy ngân cũng như các triệu chứng bất thường nào của cơ thể mà bạn gặp phải, từ đó có cách giải độc thủy ngân phù hợp.

Cách giải độc thủy ngân

Tùy vào nồng độ thủy ngân trong cơ thể mà có các biện pháp giải độc thủy ngân phù hợp

Bệnh nhân bị ngộ độc do nuốt phải thủy ngân, bác sĩ sẽ không cho gây nôn và cũng không rửa dạ dày, vì nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản. Không dùng than hoạt tính giải độc bởi than không có tác dụng hấp thụ thủy ngân. 

Trường hợp ngộ độc thủy ngân vô cơ, để giải độc thủy ngân, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân truyền dịch ngăn ngừa trụy tim mạch. Nếu có tổn thương niêm mạc hầu họng gây phù nề nhiều, bệnh nhân phải được đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn hô hấp. Khi xuất hiện triệu chứng toàn thân có sự chuyển đổi thủy ngân hữu cơ thành vô cơ trong cơ thể, bệnh nhân được dùng thuốc giải độc đặc hiệu ngay.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể giải độc thủy ngân bằng một số cách sau:

  • Ăn nhiều chất xơ: Cơ thể bạn tự nhiên được loại bỏ thủy ngân và các chất độc hại khác thông qua phân. Ăn nhiều chất xơ giúp chúng di chuyển dễ dàng hơn qua đường tiêu hóa của bạn, dẫn đến việc đi vệ sinh nhiều hơn.
  • Uống nhiều nước: Thủy ngân cũng được loại bỏ trong nước tiểu, vì vậy uống thêm nước có thể giúp tăng tốc quá trình giải độc.
  • Tránh tiếp xúc: Cách tốt nhất để loại bỏ thủy ngân trong cơ thể bạn là tránh các nguồn của nó bất cứ khi nào bạn có thể. Khi bạn giảm tiếp xúc, mức độ thủy ngân trong cơ thể của bạn cũng sẽ giảm theo.
  • Nếu bạn có lượng thủy ngân rất cao trong cơ thể, thì việc giải độc tại nhà có thể sẽ không có hiệu quả tốt.

Ngộ độc thủy ngân có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài, do đó, điều quan trọng là bạn cần phải chia sẻ tình trạng bản thân với bác sĩ để đảm bảo chẩn đoán và xét nghiệm tình trạng của bản thân được chính xác.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *