Cách giảm rụng tóc khi hóa trị ung thư

Với bệnh nhân ung thư, hóa trị là phương pháp quan trọng trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, hóa trị có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ khiến bệnh nhân lo lắng, đặc biệt là rụng tóc, tình trạng phổ biến xảy ra ở đa số bệnh nhân hóa trị.

Hiểu rõ hơn phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư

Cùng với phẫu thuật, xạ trị, nội tiết, miễn dịch, sinh học… thì hóa trị liệu là một vũ khí lợi hại giúp điều trị ung thư hiệu quả hơn. Mục đích của phương pháp này là làm chậm sự phát triển khối u; giảm bớt kích thước u tạo thuận lợi cho phẫu thuật hoặc xạ trị; đồng thời cũng giảm bớt triệu chứng đau cho bệnh nhân. 

Khi hóa trị, nhờ lưu hành trong dòng máu mà thuốc có thể tới mọi cơ quan trong cơ thể, kể cả những nơi tế bào ung thư ẩn nấp. Vì vậy, hóa trị còn có khả năng diệt các tế bào mức vi thể sau khi khối u được phẫu thuật lấy bỏ, đề phòng bệnh tái phát.

Bệnh nhân ung thư có được áp dụng hóa trị liệu hay không sẽ phụ thuộc vào loại bệnh lý ung thư và giai đoạn bệnh.

Thuốc hóa trị sẽ đưa vào cơ thể theo nhiều đường khác nhau như đường uống, tiêm bắp, tiêm dưới da hoặc truyền theo đường tĩnh mạch… 

Hóa trị thường được chia thành từng chu kỳ, giữa các chu kỳ bệnh nhân sẽ có một khoảng nghỉ được quy định rất chặt chẽ theo phác đồ đã đề ra sao cho các tế bào lành của cơ thể đủ thời gian hồi phục nhưng các tế bào ung thư chưa trỗi dậy.

Tác dụng phụ của hóa trị liệu

Mặc dù hóa trị là bước quan trọng trong điều trị ung thư và đã có nhiều tiến bộ nhưng phương pháp này vẫn gây ra tác dụng phụ lên tủy xương, hệ thần kinh, đường tiêu hóa, tim mạch, da và tóc. 

Hóa trị gây ra tác dụng phụ

Theo Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức: “Tế bào ung thư có khả năng sản sinh nhanh hơn tế bào lành nên hóa trị chủ yếu tác dụng trên các tế bào phân chia nhanh. Trong cơ thể thì các nang chân lông, tóc cũng có khả năng phân chia nhanh nên bị ảnh hưởng của thuốc. Vì vậy bệnh nhân ung thư sau khi vào thuốc đặc trị sẽ bị rụng tóc khoảng 2 tuần. Ngoài tế bào tóc thì các tế bào da, niêm mạc cũng bị ảnh hưởng tương tự”.

Cách giảm rụng tóc khi hóa trị ung thư

Rụng tóc là tác dụng phụ nhẹ nhàng và không gây nguy hiểm. Điều khiến bệnh nhân hóa trị bị rụng tóc lo lắng là về ngoại hình và ảnh hưởng đến tâm lý. 

BS Vũ khuyến cáo, để giảm rụng tóc hoặc tóc bị mỏng trong thời gian hóa trị và cũng như giảm tác động tâm lý khi bị rụng tóc, bệnh nhân cần:

  • Chủ động cắt tóc ngắn.
  • Dùng khăn trùm đầu để không làm tóc bị vương vãi.
  • Sử dụng tóc giả: nếu biết trước sẽ bị rụng tóc khi hóa trị, có thể chủ động sử dụng tóc của mình làm tóc giả.
  • Thiết bị làm lạnh da đầu cũng có thể giảm được mức độ rụng tóc. Thiết bị này đã có tại Việt Nam nhưng chi phí còn cao và không ngăn được hoàn toàn tóc rụng.
  • Sử dụng dầu gội đúng cách, có thể dùng loại dành cho em bé sẽ lành tính hơn và êm dịu cho da đầu
  • Không sử dụng các loại hóa chất trong uốn, duỗi, nhuộm, máy sấy tóc.
  • Massage da đầu quá mức cũng có thể làm tổn thương da đầu đang nhạy cảm. 
  • Ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước để tăng cường đề kháng.
Dùng khăn trùm đầu để không làm tóc bị vương vãi

Ngoài rụng tóc thì bệnh nhân cũng dễ bị sạm da, nám da nên cần chú ý tránh ánh nắng khi ra đường bằng các biện pháp bảo vệ da như dùng khẩu trang, quần áo, kem chống nắng. 

Rụng tóc là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân hóa trị nhưng mức độ rụng tóc thay đổi tùy theo loại thuốc và cơ thể của mỗi người, có người rụng ít và cũng có người rụng nhiều. Rụng tóc thường xảy ra từ từ, có thể rụng toàn bộ hoặc rụng theo từng mảng. 

Rụng tóc chỉ là tác dụng phụ không mong muốn do hóa trị gây ra nhưng không gây nguy hiểm. Sau khi ngưng hóa trị, nang tóc dần phục hồi và tóc bệnh nhân sẽ mọc lại nhưng thường dày và xoăn hơn sau 4 đến 6 tháng. Vì vậy bệnh nhân không phải quá lo lắng về tình trạng này. Nếu cần, bạn có thể trao đổi với bác sĩ điều trị nhằm tránh các loại thuốc gây rụng tóc nhưng tốt hơn hết, bạn vẫn nên tuân theo chỉ định của bác sĩ vì tính mạng luôn là quan trọng nhất.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *