Cẩm nang làm mẹ trong giai đoạn đầu mang thai

Giai đoạn đầu mang thai, mẹ bầu sẽ thay đổi thế nào về cơ thể và tâm lý, cần làm gì để thai nhi phát triển khỏe mạnh? Câu trả lời bạn cần sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.

Những thay đổi của mẹ trong giai đoạn đầu mang thai

Thay đổi về tâm lý trong giai đoạn đầu mang thai

Đối với nhiều một số phụ nữ, quá trình mang thai của họ diễn ra bình thường với những thay đổi không quá lớn về mặt tâm lý. Tuy nhiên, một số khác lại trải qua quãng thời gian bầu bí hết sức mệt mỏi, khổ sở và buồn bực, đặc biệt vào giai đoạn đầu mang thai. Do đó, nếu bạn cảm thấy mình trở nên dễ xúc động, vui buồn bất chợt, hãy yên tâm vì điều này hết sức bình thường.

Bạn có thể trải qua một số những cảm giác sau như:

  • Hứng thú, ngạc nhiên nhưng đồng thời cũng lo lắng và bối rối.
  • Thay đổi thất thường và bất chợt.
  • Bạn muốn sinh con nhưng lại nghi ngờ liệu mình có thể là một bà mẹ tốt hay không.
  • Bạn muốn cho cả thế giới biết được bạn đang mang thai.
  • Bạn sẽ cảm thấy có lúc yêu bạn đời vô cùng, có lúc lại bỏ mặc.
  • Cảm thấy tiếc nuối khi không còn là người phụ nữ “tự do”, bởi bạn sẽ không thể đi làm hoặc từ bỏ những bữa tiệc vui vẻ.
  • Ngỡ ngàng khi nghĩ đến lúc bụng mình to hơn và ngực thì căng đầy rồi lo lắng không biết sau khi sinh mình sẽ trông như thế nào.
  • Nhạy cảm, bạn dễ dàng khóc khi xem một bộ phim buồn, hoặc khi nhìn ảnh em bé.

Trong giai đoạn đầu mang thai, bạn thường suy nghĩ về những điều mà trước đó bạn chưa từng nghĩ tới, hay thậm chí mơ về ngày bạn sinh con, con bạn trông như thế nào…Điều này hoàn toàn bình thường trong giai đoạn đầu mang thai. Nguyên nhân là do khi mang thai, hàm lượng hormone estrogen và progesterone có sự thay đổi lớn so với bình thường.

Những thay đổi về vẻ ngoài trong giai đoạn đầu mang thai

Trong giai đoạn đầu mang thai, cơ thể mẹ bầu có sự thay đổi lớn. Ngoại trừ những dấu hiệu mang thai thông thường, có thể bạn sẽ gặp những biểu hiện như: tăng cân, ngực có cảm giác căng cứng, núm vú sẫm màu, rạn da từ lỗ rốn kéo xuống, cổ tay tê buốt, có thể kéo dài trong suốt quá trình mang thai. Hoặc bạn có khả năng táo bón trong thời kỳ đầu. Với mỗi người, các dấu hiệu này lại khác nhau về mức độ.

Làm gì để mang thai khỏe mạnh trong giai đoạn đầu

Hệ thống miễn dịch của mẹ bầu thường suy giảm trong giai đoạn đầu mang thai do đó rất dễ mắc bệnh nhiễm trùng, ho, cảm lạnh, bệnh cúm… Bệnh tật không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ mà ngay thai nhi bên trong bụng cũng bị tổn hại không kém. Do đó, tăng cường hệ miễn dịch bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý là điều mà mẹ nên làm ngay trong giai đoạn đầu mang thai.

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu mang thai

Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng giúp bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai, khi sinh, và nuôi trẻ sau sinh. Đối với em bé, việc mẹ được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất sẽ bảo đảm cho con phát triển tốt và phòng tránh được một số khuyết tật. Khi mang thai thì tổng kilo calo cần thiết sẽ cao hơn khoảng 25% so với mức bình thường, do đó phụ nữ mang thai cần:

  • Bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm chứa chất đạm, chất béo, chất khoáng và các loại vitamin.
  • Tăng cường  thêm nhiều chất đạm có trong các thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, pho-mát, ngũ cốc, các loại đậu…
  • Bổ sung thêm các loại vitamin, dưỡng chất cần thiết (như viên sắt, canxi, acid folic…) dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Đa dạng hóa thực đơn để tránh nhàm chán. Lưu ý rằng nếu bổ sung các chất dinh dưỡng vượt quá nhu cầu cần thiết cũng không phải là điều tốt.
  • Tránh xa  thuốc lá, rượu, bia, cà phê trong thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn đầu mang thai.
  • Không ăn những thực phẩm nhiều chất béo, cholesterol,…

Tập thể dục

Thực tế chứng minh, tập thể dục đúng cách và điều độ mang lại rất nhiều lợi ích cho mẹ bầu trong giai đoạn đầu mang thai. Bởi nó giúp giữ sức khỏe, giảm mệt mỏi, giúp cho việc sinh nở dễ dàng, giúp tinh thần thoải mái và hạn chế tình trạng trầm cảm khi mang thai và sau sinh.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng trẻ em sinh ra sẽ khỏe mạnh và ít nguy cơ bị béo phì nếu các bà mẹ thường xuyên tập thể dục trong thời gian mang thai. Một số bài tập thể dục được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai là đi bộ, bơi lội, yoga…

Quan hệ tình dục trong giai đoạn đầu mang thai

Quan hệ khi mang thai giai đoạn đầu không phải là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, lúc này phôi thai đang trong giai đoạn phát triển nên rất dễ bị sảy thai do đó mẹ bầu cần giữ chế độ sinh hoạt tình dục một cách vừa phải, lựa chọn tư thế phù hợp, động tác nhẹ nhàng. Trường hợp nếu thấy ra máu hay có bất kỳ bất thường nào xảy ra phải đến gặp bác sĩ ngay.

Cần quan hệ tình dục hợp lý trong giai đoạn đầu mang thai

Giai đoạn đầu mang thai là giai đoạn quan trọng nhất trong thai kỳ. Vì vậy, ngay khi xác định mình có thai, hãy thường xuyên đi khám tại bệnh viện hoặc phòng khám nhằm phát hiện sớm những vấn đề bất thường, để tìm hướng giải quyết kịp thời.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *