Cảnh giác trước nguy cơ bướu cổ đơn thuần ở trẻ em

Bướu cổ đơn thuần ở trẻ em nguy hiểm hơn ở người lớn do ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí tuệ và thể chất của trẻ. Việc chú ý về dinh dưỡng và nắm bắt những triệu chứng của bướu cổ đơn thuần sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ để bệnh xảy đến với con.

Bướu cổ đơn thuần là gì?

Bướu cổ đơn thuần (còn gọi là bướu cổ không độc) là tên gọi chung để chỉ tình trạng phì đại của tuyến giáp nhưng không do ung thư, viêm nhiễm gây nên như mọi người vẫn lo lắng. Bệnh cũng không gây đau, không đỏ và hoạt động của tuyến giáp cũng không tăng giảm bất thường.

Trẻ em nằm trong trường hợp có nguy cơ cao bị bướu cổ đơn thuần!

Bướu cổ đơn thuần có thể xảy ra ở bất cứ đâu và với bất kỳ ai. Bệnh có thể gây nên dịch tễ ở một địa phương hay phát lẻ tẻ ở một người nào đó. Tuy nhiên, trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bướu cổ đơn thuần cao nhất; đặc biệt là trẻ em gái trong độ tuổi dậy thì.

Giải thích cho vấn đề này,  theo Bác sĩ Thu Trang (báo Sức Khỏe & Đời Sống) cho biết, ở tuổi dậy thì của trẻ, nhu cầu hormone tuyến giáp tăng cao nhằm đáp ứng hoạt động cơ thể. Và i-ốt chính là vi chất quan trọng giúp tuyến giáp tổng hợp các hormone để điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da – lông – tóc – móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Vì vậy, trong giai đoạn này, nếu không cung cấp đủ i-ốt thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa hormone của tuyến giáp và gây bệnh bướu cổ.

Trẻ em có nguy cơ bị bướu cổ đơn thuần cao, đặc biệt là bé gái trong độ tuổi dậy thì.

Triệu chứng của bướu cổ đơn thuần ở trẻ em

Tùy theo độ lớn nhỏ của bướu mà triệu chứng cũng sẽ khác nhau. Nhưng bướu cổ đơn thuần không gây đau đớn nên rất khó nhận biết. Các triệu chứng thường chỉ do kích thước bướu lớn dần mà có, bao gồm:

  • Bướu không gây đau, không đỏ, có ranh giới rõ ràng, không dính vào da, có độ mềm nhất định.
  • Bướu có thể lên xuống theo nhịp nuốt.
  • Nếu bướu to có thể nhìn thấy ngay trước cổ. Nếu bướu nhỏ thì khi ngước cổ lên bướu vẫn có thể hiện lên.

Mặc dù bướu cổ đơn thuần ở trẻ em không phải là bướu cổ ác tính, và nó cũng có khả năng tự khỏi. Thế nhưng, sự phì đại tuyến giáp có thể gây hại cho những cơ quan xung quanh nó. Khi phình đến một mức độ nào đó, tuyến giáp có thể chèn ép lên các cơ quan như khí quản và thực quản khiến trẻ khó thở, khó nuốt thức ăn. Nếu chèn lên thanh quản thì làm khàn tiếng, nói hai giọng. Một số trường hợp thấy các biểu hiện thần kinh nhạy cảm như hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh… Những biểu hiện này thường bị nhầm lẫn với cường giáp trạng.

Nghiêm trọng hơn, bướu cổ đơn thuần ở trẻ em còn có thể khiến trẻ bị đần độn, kém thông minh. Ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ sau này.

Cần làm gì khi bướu cổ đơn thuần ở trẻ em xảy ra với con bạn?

Việc nắm bắt triệu chứng bướu cổ đơn thuần ở trẻ em là rất quan trọng để bạn có thể xử lý kịp thời. Nếu con bạn chẳng may có những triệu chứng nếu trên hoặc nhìn bằng cảm quang thấy giống với hình ảnh bướu cổ đơn thuần thì nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra chuyên sâu. Tại đây, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, điều tra bệnh sử gia đình và siêu âm cổ để đưa ra kết luận ban đầu.

Thông thường, nếu có triệu chứng trên kèm theo yếu tố dịch tễ (tức là tình trạng này gặp nhiều ở khu vực bạn sinh sống) thì đủ điều kiện chẩn đoán bướu cổ đơn thuần ở trẻ. Song, con bạn cần phải theo dõi thường xuyên để biết tình hình diễn tiến của bệnh. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết bướu để lấy mẫu làm xét nghiệm. Phương pháp này nhằm loại trừ bướu cổ ác tính.

Điều trị bướu cổ đơn thuần ở trẻ em

Bướu cổ đơn thuần ở trẻ em có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tỉ lệ mắc biến chứng đần độn cũng không phải quá cao.

Nếu bướu nhỏ và hormone tuyến giáp vẫn đảm bảo, phụ huynh chỉ cần cho trẻ bổ sung thêm thức ăn tăng cường i-ốt là đủ.

Rong biển hay các thực phẩm có nguồn gốc từ biển đều có thể cung cấp được i-ốt, phòng chống được bệnh bướu cổ đơn thuần ở trẻ em.

Nếu bướu to, hormone tuyến giáp suy giảm thì có thể điều trị nội khoa bằng cách dùng hormone tuyến giáp trạng theo chỉ định của bác sĩ. Tùy vào tình trạng cụ thể mà thời gian điều trị có thể kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm. Nhưng nếu điều trị  nội khoa lâu ngày không đỡ hoặc bướu trở thành bướu nhân, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.

Phòng bệnh bướu cổ đơn thuần ở trẻ em hiệu quả

Phụ huynh có thể phòng bướu cổ đơn thuần ở trẻ em bằng một số phương pháp đơn giản như:

  • Bổ sung thực phẩm phòng bướu cổ, nhất là thực phẩm giàu i-ốt có nguồn gốc từ biển. Hoặc cách đơn giản hơn là bạn có thể sử dụng muối i-ốt làm gia vị trong chế biến thức ăn.
  • Dùng nước sạch, cải thiện điều kiện nhà ở.
  • Chữa trị kịp thời các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón.
  • Luôn sử dụng thuốc hợp lý và theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu bạn đang lo lắng không biết con mình có bị thiếu i-ốt hay không, bạn hãy liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chính xác nhất.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *