Chia sẻ 2 bài thuốc đông y hạ đường huyết nên dùng

Theo Đông y, hạ đường huyết hay còn gọi là chứng cơ quyết thường khởi phát khi đói với các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, mặt trắng bệch, hồi hộp, lo sợ, ra mồ hôi,… Nguyên nhân thường do cơ địa yếu hoặc ăn uống thiếu chất. Tương ứng với hai nguyên nhân này có 2 bài thuốc đông y hạ đường huyết điều trị rất hiệu quả.

Biểu hiện của hạ đường huyết

Hạ đường huyết là chỉ nồng độ đường trong máu quá thấp. Có nhiều nguyên nhân hạ đường huyết, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là do các loại bệnh nội tiết và bệnh gan. Bệnh thường biểu hiện chủ yếu qua hệ thần kinh như đầu váng, mắt hoa, mất sức, tim hoảng loạn, đổ mồ hôi, sắc mặt màu trắng xanh, lo lắng, run rẩy,…Lúc đầu là lớp vỏ đại não bị ức chế khiến khả năng nhận biết dần dần mất đi. Nặng hơn, có thể dẫn đến co giật, khó thở, hôn mê.

Hai thể chính của hạ đường huyết theo Đông y

Theo y học cổ truyền, cơ chế dẫn đến bệnh hạ đường huyết là do khí huyết không đầy đủ hoặc khí hư đàm tụ.

  • Thể khí huyết bất túc (không đầy đủ): sẽ có các biểu hiện như sắc mặt trắng bệch, đầu váng mắt hoa, mất sức, hụt hơi, mồ hôi đầm đìa, mạch hư nhược. Khí huyết không đầy đủ thường có thể do cơ địa sinh ra yếu ớt hoặc do làm việc quá độ, ăn uống thất thường, suy tư quá độ, dẫn tới tâm tỳ suy. Tỳ vị vốn là nguồn sinh hóa của khí huyết, tỳ khí hư thì khí huyết kém, sắc mặt trắng xanh, hoa mắt chóng mặt, tứ chi mệt mỏi. Tim phụ trách về huyết, huyết kém khiến tim hồi hộp phiền loạn. Trường hợp này cần phải kiện tỳ vị, ích khí huyết, dưỡng tâm, sinh thần.
  • Thể khí hư đàm tụ: có các biểu hiện hụt hơi, người mệt lả, mềm nhũn, tay chân run rẩy, thở gấp, đói cồn cào, dễ ngất xỉu. Khí hư đàm tụ chủ yếu là do ăn uống không điều độ, yếu sau phẫu thuật, nhiều suy tư,…dẫn tới tỳ mất vận hóa kiện toàn sinh đàm, đàm theo khí lên che thanh khiếu khiến tinh thần lơ mơ ý loạn. Đàm ngăn đường khí khiến mệt mỏi, đói không muốn ăn; đàm ngăn kinh lạc khiến tứ chi tê dại. Trường hợp này cần phải khai khiếu, bổ khí, phù chính.

Hai bài thuốc đông y hạ đường huyết nên dùng

Gà ác tiềm thuốc bắc là món ăn bồi bổ khí huyết tốt cho người hạ đường huyết

Tương ứng với hai thể chính của hạ đường huyết là hai bài thuốc đông y hạ đường huyết rất hữu hiệu đã được nhiều người dùng. Tuy không xử lý triệu chứng hạ đường huyết nhanh chóng như thuốc Tây nhưng cơ chế các bài thuốc Đông y là điều trị từ bên trong nên tuy thời gian có lâu hơn nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Bài thuốc cho thể khí huyết bất túc

  • Nguyên liệu: đảng sâm 30g, phục linh 10g, sinh địa 30g, xuyên khung 10g, đương quy 10g, sơn thù 10g, bạch truật 10g, thục địa 30g, chích thảo 5g, bạch thược 10g, long nhãn 30g.
  • Cách dùng: Cho tất cả nguyên liệu vào 1 thang sắc uống mỗi ngày, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống trước khi ăn 1 giờ.
  • Kết hợp dùng món ăn: gà ác 1 con làm sạch lông, bỏ bộ lòng. Cho 30g hoàng kỳ, 15g đương quy, 15g kỷ tử nhồi vào bụng gà, sau đó hầm hoặc hấp cách thủy. Khi gà chín, bỏ bã thuốc, ăn thịt gà và uống nước. Mỗi tuần ăn một lần, cần ăn trong một tháng để có hiệu quả.

Bài thuốc cho thể khí hư đàm tụ

  • Nguyên liệu: thạch xương bồ 15g, nam tinh 10g, phục linh 10g, cam thảo 5g, thục địa 15g, bán hạ 10g, chỉ thực 10g, đảng sâm 16g.
  • Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống trước khi ăn khoảng 1 giờ.
  • Kết hợp dùng món ăn: củ cải 100g gọt sạch vỏ, thái miếng, chân giò heo 200g, lá hẹ 30g rửa sạch, cắt khúc. Cho tất cả vào khoảng 1 lít nước hầm nhừ, nêm nếm cho vừa ăn. Cách 1 ngày ăn 1 lần, một liệu trình ăn 10 lần sẽ thấy hiệu quả.

Hạ đường huyết do khí huyết kém chỉ cần kiên trì áp dụng 2 bài thuốc đông y hạ đường huyết kết hợp ăn ngủ điều độ, tập thể dục thường xuyên sẽ mau phục hồi sức khỏe.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *