Những biện pháp phòng đau mắt đỏ cho bé mà bạn cần chú ý

Đau mắt đỏ là bệnh lành tính nhưng nếu không biết cách đề phòng cũng như chăm sóc khi bị bệnh thì có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm thậm chí mù lòa. Dù vậy, không phải phụ huynh nào cũng biết những biện pháp phòng đau mắt đỏ cho bé cũng như cách chăm sóc khi bé bị bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho bạn để bảo vệ bé yêu cũng như mọi người trong gia đình.

Nguyên nhân và triệu chứng của đau mắt đỏ ở trẻ mà bạn cần chú ý

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ, nhưng chủ yếu là vào thời điểm khi thời tiết thay đổi nhiều như từ đầu hè đến cuối thu, khi nắng nóng chuyển mưa nhiều làm độ ẩm trong không khí cao dễ khiến trẻ nhiễm bệnh nhất. Bệnh gây ra có thể do bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn, phế cầu hoặc tụ cầu.

Trong thời điểm giao mùa này mọi người nhất là trẻ em rất mẫn cảm với thời tiết, sức đề kháng suy yếu nên dễ nhiễm bệnh. Bên cạnh thời tiết thì yếu tố môi trường cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ bị đau mắt đỏ. Việc để trẻ sống trong môi trường có nhiều bụi bẩn, khói, ô nhiễm cao, tình trạng vệ sinh không tốt chính là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát.

Môi trường khói bụi cũng chính là nguyên nhân dẫn đến đau mắt đỏ ở trẻ.

Các triệu chứng của trẻ khi bị đau mắt đỏ bao gồm mắt có dấu hiệu đỏ, sáng thức giấc thì mắt dính nhiều ghèn, mi mắt thì sưng, hay chảy nước mắt. Mắt trẻ đau nhức dễ khiến trẻ quấy khóc nhiều. Ngoài biểu hiện mắt đỏ thì có thể còn kèm thêm các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, sổ mũi, ho hoặc đau họng.

Khi trẻ bị mắt đỏ thì chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ, thị lực của trẻ vẫn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nếu để lâu thì có thể dẫn đến tình trạng kéo màng, kết mạc bị xuất huyết thậm chí có thể bị mù. Vậy nên cách tốt nhất là mỗi phụ huynh cần trang bị kiến thức để phòng đau mắt đỏ cho bé trước khi dịch bệnh xảy ra.

Phòng đau mắt đỏ cho bé như thế nào?

Trước khi tìm hiểu các biện pháp phòng đau mắt đỏ cho bé thì chúng ta cần phải nắm rõ đường lây đau mắt đỏ như thế nào. Và đau mắt đỏ có thể lây khi:

  • Bé tiếp xúc trực tiếp hay dùng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân với người bệnh; cầm hay chạm vào những vật dùng mà người đang bị đau mắt đỏ dùng thường xuyên.
  • Sống trong điều kiện sinh hoạt ô nhiễm như sử dụng nguồn nước bẩn, ở nơi có nhiều khói bụi.
  • Bé có thói quen đưa tay dụi mắt trong khi tay trẻ không thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ.
  • Khi trẻ đến lớp hoặc đến nơi đông người trong giai đoạn bệnh dịch bùng phát thì rất dễ nhiễm bệnh do sức đề kháng yếu.

Cách ly bé với người đang bị bệnh là một trong những biện pháp phòng đau mắt đỏ cho bé.

Sau đây là một số biện pháp phòng đau mắt đỏ cho bé mà bạn nên quan tâm:

  • Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bé.
  • Cho trẻ dùng khăn mặt, khăn tắm riêng.
  • Chú ý vệ sinh mắt hàng ngày cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý.
  • Không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người đang bị bệnh, không đưa trẻ đến nơi đông người khi đang có dịch bệnh xảy ra.
  • Khi bé bị nhiễm 1 mắt thì bố mẹ và người thân nên chú ý chăm sóc bé đúng cách để bệnh không bị lây sang mắt còn lại.
  • Dùng kháng sinh trị mắt đỏ cho trẻ cần theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về cho trẻ uống.
  • Tuyệt đối không nên sử dụng lá trầu không hoặc lá dâu đắp mắt cho bé. Nếu muốn dùng những phương pháp dân gian trị đau mắt đỏ thì cần tìm hiểu kỹ và hỏi thầy thuốc trước khi áp dụng.

Hi vọng bạn đã tự rút ra cho mình những biện pháp phòng đau mắt đỏ cho trẻ. Việc đề phòng bệnh ngay từ đầu sẽ giúp bạn bảo vệ trẻ tốt hơn.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *