Vai trò và hậu quả của việc thiếu I ốt đối với sức khỏe

I ốt được biết đến có vai trò quan trọng trong sự phát triển trí thông minh của con người. Vậy I ốt còn có những tác dụng gì khác? Thừa i ốt có nguy hiểm không? Hàm lượng vừa đủ cần cung cấp cho cơ thể con người.

I ốt là một chất chiếm hàm lượng nhỏ nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về công dụng cũng như mức độ cần thiết của loại nguyên tố vi lượng này. Mời các bạn cùng theo dõi.

I ốt là gì?

I ốt là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho các quá trình sinh tổng hợp diễn ra trong cơ thể. Mặc dù chứa hàm lượng rất nhỏ so với hàm lượng vitamin, khoáng trong cơ thể, tuy nhiên, I ốt lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với việc duy trì chức năng tuyến giáp và sự phát triển não bộ của thai nhi.

Cơ thể không tự tổng hợp được I ốt, do đó, cần phải bổ sung I ốt từ bên ngoài vào thông qua thức ăn. 

Trong tự nhiên, I ốt có thể tìm thấy trong một số hải sản, rong biển, rau chân vịt và một số loại rau trồng dưới đất. Ngũ cốc, các loại hạt họ đậu và các loại củ thường chứa rất ít lượng I ốt trong thành phần. Tuy nhiên, việc bổ sung I ốt cho cơ thể chủ yếu thông qua sử dụng muối ăn có I ốt trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Vai trò của I ốt đối với sức khỏe?

I ốt là vi chất đặc biệt cần thiết, tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể. Trong đó, tham gia vào quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp là vai trò quan trọng nhất.

I ốt là nguyên liệu tổng hợp T3 và T4, đây là 2 hormone tuyến giáp giữ vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa sự phát triển của hệ thần kinh trung ương, hệ sinh dục, và các bộ phận khác của cơ thể.

I ốt tham gia vào quá trình tăng trưởng, hỗ trợ trao đổi chất, tổng hợp protein cho cơ thể và làm lành các tế bào bị hư tổn. 

Ngoài ra, I ốt cũng có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa beta – caroten thành vitamin A cho cơ thể.

Đối với thai nhi, I ốt đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của não và hệ thần kinh. Việc bổ sung thiếu I ốt cho phụ nữ mang thai có thể gây nên tình trạng bướu cổ và kém phát triển thể chất cũng như trí tuệ ở trẻ sau này.

Liều lượng I ốt cần bổ sung hàng ngày

Phụ nữ mang thai rất cần bổ sung I ốt

Muối ăn có bổ sung I ốt là nguồn bổ sung I ốt chính của cơ thể. Nhu cầu I ốt được tính riêng cho từng đối tượng như sau:

  • Trẻ từ 0 – 6 tuổi: 90 mcg/ngày.
  • Trẻ 7 – 12 tuổi: 120 mcg/ngày.
  • Trẻ trên 13 tuổi và người lớn: 150 mcg/ngày.
  • Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú: 200mcg/ngày.

Hậu quả của thiếu I ốt

Thiếu I ốt là dấu hiệu thường gặp ở một số đối tượng như:

  • Những người ăn chay.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Người không sử dụng muối I ốt.
  • Người sống ở những khu vực thiếu nguồn I ốt như: Các nước châu Á, đặc biệt ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. New Zealand cũng là quốc gia có nguy cơ cao về thiếu I ốt.

Việc thiếu I ốt ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone tuyến giáp T3 và T4, lượng hormone tiết ra không đủ đòi hỏi tuyến giáp phải tăng cường hoạt động, lâu dần dẫn đến tuyến giáp bị phì đại, còn gọi là hiện tượng bướu cổ.

Bên cạnh đó, nồng độ hormone tuyến giáp bị suy giảm do thiếu I ốt cũng kéo theo một loạt các hậu quả như:

  • Tăng cân: Lượng hormone tuyến giáp sản xuất ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, cơ thể sử dụng năng lượng ít hơn, dẫn đến tích trữ năng lượng, lâu dần sẽ dẫn đến tăng cân mặc dù chế độ ăn của bạn hoàn toàn không thay đổi.
  • Mệt mỏi, thường xuyên bị lạnh: Thiếu i ốt khiến cho quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể bị hạn chế, cơ thể không đủ năng lượng để hoạt động dẫn đến mệt mỏi thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiệt lượng tạo ra do hoạt động cũng giảm đi đáng kể dẫn đến cơ thể thường hay cảm thấy lạnh.
  •  Rụng tóc, khô da: Nồng độ hormone tuyến giáp thấp làm ảnh hưởng đến quá trình tái tạo mô, điển hình là các tế bào biểu mô trên da và trên tóc gây nên tình trạng rụng tóc và khô da thường xuyên.
  • Thay đổi nhịp tim: cụ thể là nhịp tim sẽ chậm hơn bình thường.
  • Suy giảm trí nhớ: Thiếu tuyến giáp khiến cho quá phát triển hệ thần kinh và não bộ bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ. Ở trẻ em, có thể gây nên trạng thái đần độn, giảm khả năng tiếp thu và học tập ở trẻ.
  • Rối loạn kinh nguyệt: Đối với phụ nữ, việc suy giảm hormone tuyến giáp có thế dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai có thể gây bướu cổ, mệt mỏi và lạnh. Bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi gây chậm phát triển thể chất, trí tuệ, thậm chí dẫn đến tình trạng thai chết lưu.
Thiếu I ốt ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp

Ảnh hưởng của thừa I ốt 

Hàm lượng I ốt tối đa mà cơ thể có thể bổ sung hàng ngày mà vẫn đảm bảo an toàn được liệt kê như sau:

  • Trẻ dưới 1 tuổi: Không bổ sung thêm.
  • Trẻ 1 – 3 tuổi: 200 mcg/ngày.
  • Trẻ 4 – 8 tuổi: 300 mcg/ngày.
  • Trẻ 9 – 13 tuổi: 600 mcg/ngày.
  • Trẻ vị thành niên 14 – 18 tuổi: 900 mcg/ngày.
  • Người lớn và phụ nữ mang thai: 1100 mcg/ngày.

Việc bổ sung lượng I ốt quá lớn, vượt quá giới hạn an toàn có thể gây nên một số hậu quả sau:

  • Gây hội chứng cường giáp Basedow với các biểu hiện như: rối loạn điều hòa thân nhiệt, tăng nhịp tim, ăn nhiều, tiểu nhiều, thay đổi cân nặng và tăng nhu động ruột.
  • Đau đầu, thay đổi vị giác ( miệng thường có vị kim loại).
  • Dị ứng: phát ban, sưng môi và mặt, mở rộng hạch bạch huyết. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
  • Sốt, đau khớp, bầm tím và chảy máu nặng.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn ở tuyến giáp như viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Graves,…
  • Ung thư tuyến giáp dạng nhú cũng là một trong những hậu quả nghiêm trọng của việc bổ sung quá thừa I ốt trong thời gian dài.

I ốt là nguyên tố vi lượng không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết nhất về vai trò cũng như cách bổ sung I ốt như thế nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *