Cấu tạo của khoang miệng

1. Vị trí của Khoang miệng

Miệng hay khoang miệng hay mồm (oral cavity, buccal cavity) là phần đầu tiên của hệ tiêu hóa có nhiệm vụ nhận, nghiền nát và trộn thức ăn với nước bọt. Ngoài chức năng là nơi bắt đầu tiếp nhận và tiêu hóa thức ăn thì ở miệng người còn đóng vai trò giao tiếp, giọng nói được tạo ra ở cổ họng, lưỡi, môi và hàm trong đó ngôn ngữ là một phạm vi âm thanh có vai trò quan trọng nhất định.

2. Cấu tạo của Khoang miệng

Giải phẫu miệng bao gồm ổ miệng, các tuyến nước bọt, răng và lưỡi. Môi, má, khẩu cái và lợi là những cấu trúc thuộc ổ miệng. Các cung răng chia ổ miệng thành hai phần: phần trước cung là tiền đình miệng và phần sau cung là ổ miệng chính:

  • Tiền đình miệng (oral vestibule) Tiền đình được giới hạn ở bên ngoài bởi các môi và má và ở bên trong bởi lợi và răng, thông với bên ngoài qua khe miệng (oral fissure). Ở trên và dưới, tiền đình được giới hạn bởi đường lật của niêm mạc từ môi và má lên lợi tạo nên một vòm hình móng ngựa. Khi răng của hai hàm áp nhau, nó thông với ổ miệng chính thức qua những khe nằm ở phía sau các răng cối thứ ba. 
  • Các môi trên và dưới (upper/lower lip) là hai nếp thịt bao quanh khe (lỗ) miệng. Chúng được lót ở mặt ngoài bằng da và ở mặt trong bằng niêm mạc, các lớp lót này bao quanh cơ vòng miệng, các mạch máu và thần kinh môi, mô xơ-mỡ và nhiều tuyến nước bọt nhỏ đổ dịch tiết vào tiền đình miệng. Hai môi gặp nhau tại các mép môi (labial commissure); các mép môi là những giới hạn bên của khe (lỗ) miệng và tạo nên các góc miệng (angle of mouth). Rãnh dọc ở giữa mặt da của môi trên được gọi là nhân trung (philtrum). Mặt trong của mỗi môi có một nếp niêm mạc nối với lợi gọi là hãm môi (frenulum of upper/lower lip). 
  • Má (cheek) tạo nên thành bên của miệng, liên tiếp với môi ở phía trước. Nó được cấu tạo từ nông vào sâu bằng da, các cơ vân (cơ mút, cơ gò má lớn, cơ cười, cơ bám da cổ..) và niêm mạc. Giữa cơ và niêm mạc có thể mỡ má (buccal fad pad). Ông tuvến nước bọt mang tai đổ vào mặt trong của má bằng một lỗ ở đối diện với răng cối thứ hai hàm trên.
  • Ổ miệng chính thức (oral cavity proper) ổ miệng đích thực được giới hạn ở trước và hai bên bởi các cung huyệt răng, các răng và lợi; ờ phía sau, nó thông với hầu qua eo họng (isthmus of fauces). Trần của ổ miệng chính do khẩu cái cứng và khẩu cái mềm tạo nên, sàn miệng chủ yếu được tạo bởi phần trước của lưỡi, phần còn lại của sàn do niêm mạc từ lưỡi lật lên mặt trong xương hàm dưới tạo nên. Phần trước sàn miệng được nối với mặt dưới của lưỡi bởi một nếp niêm mạc gọi là hãm lưỡi. Ở mỗi bên của đầu dưới hãm lưỡi có một nhú niêm mạc gọi là cục dưới lưỡi, nơi mà ống tuyến dưới hàm đổ vào ổ miệng.
  • Lợi (gingiva) là một lớp mô mềm trùm phủ các cung huyệt răng được cấu tạo bằng mô sợi và được phù bởi thượng mô lát tầng. Lợi gồm hai phần: phần tự do bao quanh cổ răng và phần dính chặt vào các cung huyệt răng xương hàm trên và xương hàm dưới, ở gần răng, niêm mạc trên mặt tiền đình của lợi tạo thành những nhú cao gọi là nhú lợi (gingival papilla).
  • Khẩu cái (palate) hay vòm miệng gồm phần cứng cấu tạo bằng xương và phần mềm cấu tạo bằng cân-cơ. tất cả đều được phủ bằng niêm mạc. Khẩu cái cứng (hard palate) do mỏm khẩu cái của xương hàm trên và mảnh ngang xương khẩu cái tạo nên.Khẩu cái mềm (soft palate) là một vạt mô mềm di động bám vào bờ sau khẩu cái cứng, tỏa xuống dưới và ra sau ở giữa các phần mũi và miệng của hầu. Ở giữa bờ sau của khẩu cái mềm có một mỏm gọi là lưỡi gà (uvula) nhỏ xuống dưới. Ở mỗi bên của khẩu cái mềm có hai nếp niêm mạc chạy xuống: nếp trước là cung khẩu cái-lưỡi (palatoglossal arch) đi tới bờ bên của lưỡi tại chỗ nối giữa phần trước rãnh và phần sau rãnh của lưỡi, tạo nên các giới hạn bên của eo họng. Nếp sau là cung khẩu cái-hầu (palatopharyngeal arch) đi tới thành bên của khẩu hầu. Giữa hai cung này là hố hạnh nhân (tonsillar fossa) chứa hạnh nhân khẩu cái (palatine tonsil).
  • Có hai loại tuyến nước bọt: Các tuyến nước bọt lớn là các cặp tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi; chúng nằm ở tương đối xa niêm mạc miệng và dịch tiết của chúng được các ống ngoại tuyến dẫn tới ổ miệng. Các tuyến nước bọt nhỏ bao gồm các tuyến môi, các tuyến má, các tuyến khẩu cái và các tuyến lưỡi, chúng nằm trong niêm mạc hoặc lớp dưới niêm mạc và đổ dịch tiết của chúng trực tiếp vào niêm mạc hoặc gián tiếp qua nhiều ống ngắn.
    • Tuyến mang tai  (parotid gland) là tuyến nước bọt lớn nhất, nặng khoảng 25 gam. nằm dưới ống tai ngoài, giữa ngành xương hàm dưới và cơ ức – đòn – chũm. Tuvến mang tai bao gồm phần nông, phần sâu, một ống tuyến mang tai và một khối mô tuyến nhỏ tách rời gọi là tuyến mang tai phụ nằm trên mặt nông cơ cắn, ngay trên ống tuyến mang tai. Tuyến mang tai giống như một hình tháp với một đỉnh hướng xuống dưới, một đáy hướng lên trên và ba mặt là mặt nông, mặt trước trong và mặt sau trong. Đáy tuyến liên quan với phần sụn của ống tai ngoài và mặt sau của khớp thái dương-hàm dưới. Mặt nông được che phủ bởi da và mô dưới da, nơi chứa các nhánh của thần kinh tai lớn và các hạch bạch huyết mang tai nông. Mặt trước-trong bị ấn lõm bởi bờ sau ngành xương hàm dưới; nó trùm lên phần sau-dưới cơ cắn và mặt ngoài khớp thái dương-hàm dưới. Mặt sau-trong tựa lên mỏm chũm, cơ ức-đòn-chũm, bụng sau cơ hai bụng, các cơ trâm và mỏm trâm; mặt này gặp mặt trước-trong tại bờ trong, nơi tuyến tiếp xúc với thành bên của hầu. Một số cấu trúc đi qua tuyến mang tai và phân nhánh trong tuyến: Động mạch cảnh ngoài đi vào tuyến từ mặt sau-trong và phân chia ở trong tuyến thành các động mạch hàm trên và thái dương nông. Tĩnh mạch sau hàm dưới và các nhánh hợp nên nó (các tĩnh mạch thái dương nông và hàm trên) nằm nông hơn động mạch cảnh ngoài. Thần kinh mặt đi vào tuyến từ mặt sau-trong và là thành phần nằm nông nhất; nó chia thành các nhánh tận ở trong tuyến và các nhánh này rời khỏi tuyến tại bờ trước của tuyến. Ống tuyến mang tai (parotid duct): Với 5 cm chiều dài, ống này đi ra trước, bắt chéo cơ cắn và tại bờ trước cơ này thì hướng thẳng góc vào trong xuyên qua thể mỡ má và cơ mút. Cuối cùng, nó đổ vào mặt trong của má bởi một lỗ nhỏ đối diện với thân răng cối thứ hai hàm trên. Ống tuyến mang tai tương đương với một phần ba giữa của đường nối từ bờ dưới bình tai tới điểm giữa của đường nối cánh mũi và bờ môi trên.
    • Tuyến dưới hàm (submandibular gland) gồm phần nông (lớn hơn) và phần sâu liên tiếp với nhau quanh bờ sau cơ hàm móng. Đây là tuyến chủ yếu tiết thanh dịch. Phần nông nằm trong tam giác dưới hàm và núp trong hố dưới hàm ở mặt trong xương hàm dưới. Nó được bao bọc giữa hai lá của mạc cổ và có ba mặt: mặt dưới, mặt ngoài và mặt trong. Mặt dưới được che phủ bởi da, cơ bám da cổ và mạc cổ được bắt chéo bởi tĩnh mạch và nhánh cổ thần kinh mặt. Mặt ngoài tựa lên hố dưới hàm và chỗ bám tận của cơ chân bướm trong; động mạch mặt lách giữa mật ngoài và chỗ bám vào xương hàm của cơ chân bướm trong để đi tới bờ dưới xương hàm dưới. Mặt trong liên quan với cơ hàm móng, thần kinh và các mạch cơ hàm móng, cơ móng lưỡi, thần kinh lưỡi và thần kinh hạ thiệt. Phần sâu chạy ra trước đến đầu sau của tuyến dưới lưỡi; nó nằm giữa cơ hàm móng ở phía dưới-ngoài và cơ trâm-lưỡi và cơ móng-lưỡi ở phía trong. Thần kinh lưỡi đi trên phần sâu trong khi thần kinh hạ thiệt đi ở dưới. Ống tuyến dưới hàm (submandibular duct): Với chiều dài khoảng 5 cm, ống tuyến dưới hàm thoát ra từ đầu trước của phần sâu. Nó chạy ra trước dọc bờ bên của lưỡi, dưới niêm mạc sàn miệng. Nó bị thần kinh lưới bắt chéo ở mặt ngoài rồi sau đó nằm giữa tuyến dưới lưỡi và cơ cằm móng. Nó đổ vào sàn miệng trên đỉnh của một nhú niêm mạc nằm ở bờ bên hãm lưỡi.
    • Tuyến dưới lưỡi (sublingual gland), tuyến nhỏ nhất trong số các tuyến chính, nằm ngay dưới niêm mạc sàn miệng và áp vào hố dưới lưỡi ở mặt trong xương hàm dưới. Các liên quan của tuyến dưới lưỡi như sau: đầu trước với đầu trước của tuyến bên đối diện; đầu sau với phần sâu của tuyến dưới hàm; mặt trên với niêm mạc sàn miệng và đội niêm mạc lên thành nếp dưới lưỡi’, mặt dưới với cơ hàm-móng; mặt ngoài với hố dưới lưỡi; mặt trong được ngăn cách với cơ cằm-lưỡi bởi ống tuyến dưới hàm và thần kinh lưỡi. Mỗi tuyến có 8 – 20 ống dưới lưỡi nhỏ đổ riêng rẽ vào đỉnh của nếp dưới lưỡi và một ống dưới lưỡi lớn (major sublingual duct) đổ vào sàn miệng ở cùng hoặc gần lỗ của ống tuyến dưới hàm.

Cấu tạo của miệng người còn gồm răng là những cơ quan tiêu hóa phụ góp phần vào việc tiêu hoá cơ học ở miệng:

  • Mỗi răng bao gồm một thân răng hay vành răng (crown), một chân răng hay rễ răng (root) và một cổ răng (neck/cervix) là chỗ nối giữa thân và chân răng. Chân răng được gắn với huyệt răng bằng mô quanh răng, hay dây chằng quanh răng, dày khoảng 0,2 mm. Thân răng được bao bọc bằng lớp men răng (enamel) cứng, trong mờ, dày khoảng 1,5 mm, còn chân răng được bọc bằng chất xi măng (cement) mỏng hơi vàng. Một mặt cắt dọc qua răng cho thấy rằng bền dưới men răng và chất xi măng là lớp ngà răng vây quanh ổ tuỷ (pulp cavity), hay ổ răng, ở trung tâm. Ổ tuỷ bành rộng ở đầu thân răng của nó thành ổ tuỷ thân răng (pulp cavity of crown) và thu hẹp ở chân răng thành ống chân răng (root canal). Ống chân răng mờ ra ngoài tại lỗ đỉnh chân răng. Ổ tuỷ răng chứa tủy răng, bao gồm tủy thân răng và tuỷ chân răng
  • Bộ răng sữa (deciduous teeth) có 20 chiếc. Theo trình tự từ mặt phẳng giữa tiến sang bên và ra sau, răng sữa ở mỗi nửa cung răng được gọi tên như sau: răng cửa trung tâm, răng cửa bên, răng nanh, răng cối thứ nhất và răng cối thứ hai; trong hệ thống kí hiệu Palmer, các răng sữa được chỉ ra bằng trình tự các chữ cái A, B, C, D và E, bắt đầu từ răng cửa trung tâm. Răng cửa có thân răng hình thang với mặt trước lồi và mặt sau lõm, mặt nhai chỉ là một bờ gọi là bờ cắt; răng nanh có một mấu nhọn; hai loại này thích ứng với nhiệm vụ cắt và xé thức ăn và chỉ có một chân răng. Các răng cối có bốn mấu. Răng cối hàm trên có ba chân răng: răng cối hàm dưới có hai chân ràng. Các răng cối nghiền và nhai thức ăn. Bộ răng sữa mọc trong khoảng thời gian từ 6 tháng – 30 tháng tuổi, bắt đầu từ răng cửa trung tâm. Cả bộ răng sữa được thay bằng răng vĩnh viễn trong thời gian từ 6 tới 12 tuổi. Thứ tự mọc răng sữa thường là A. B, D, C, E.
  • Bộ răng vĩnh viễn (permanent teeth) có 32 răng, mỗi nửa hàm bao gồm 2 răng cửa, 1 răng nanh. 2 răng tiền cối (hàm bé), và 3 răng cối (hàm lớn); chúng mọc trong khoảng thời gian từ 6 tuổi tới tuổi trưởng thành. Các răng cửa và răng nanh của bộ răng vĩnh viễn giống với răng sữa mà chúng thay thế nhưng các răng cối của bộ răng sữa được thay thế bằng các răng tiền cối (hay hàm bé) thứ nhất và thứ hai: răng tiền cối vĩnh viễn là những răng có hai mấu và một chân răng (riêng răng tiền cối thứ nhất của hàm trên có hai chân răng). Có ba răng cối (hay răng hàm lớn) vĩnh viễn nằm sau răng tiền cối thứ hai: chúng không thay thế cho bất kì răng sữa nào. Răng cối thứ nhất mọc lúc 6 tuổi, răng cối thứ hai mọc lúc 12 tuổi, răng cối thứ ba (răng khôn) mọc sau 17 tuổi. Răng khôn có thể không mọc mà bị vùi trong huyệt răng nếu phần cung răng ở sau răng cối thứ hai không đủ chỗ cho nó mọc. Kích thước các răng cối giảm dần từ răng cối thứ nhất tới răng cối thứ ba. Chúng thường có 4 mấu ở mặt nhai  riêng răng cối thứ nhất hàm dưới có 5 mấu. Theo hệ thống Palmer, răng vĩnh viễn của mỗi nửa hàm được đánh số từ 1 tới 8, tính từ răng cửa trung tâm tới răng cối thứ ba. Thứ tự mọc răng vĩnh viễn là 6,1, 2, 3, 4, 5, 7, 8. 

Lưỡi (tongue) là một khối cơ vân được phủ bởi niêm mạc; nó là cơ quan thực hiện các chức năng nhai, nuốt, nếm và nói. Lưỡi nằm trên sàn miệng và thành trước của khẩu hầu, được chính các cơ của nó gắn với xương móng, xương hàm dưới, mỏm trâm, khẩu cái mềm và thành hầu.

  • Hình thể ngoài của lưỡi có một rễ, một đỉnh, một mặt lưng lưỡi và một mặt dưới; các mặt của lưỡi gặp nhau tại các bờ lưỡi. Rễ lưỡi (root of tongue) được gắn vào xương hàm dưới và xương móng; ở giữa các xương này, nó tiếp xúc ở dưới với các cơ cằm-móng và hàm móng. Lưng lưỡi (dorsum of tongue) được rãnh tận (terminal sulcus) chia thành hai phần: phần trước rãnh (presulcal part), hay phần miệng, tạo nên khoảng 2/3 chiều dài lưỡi và là phần được phủ bằng một niêm mạc có nhiều nhú lưỡi (lingual papillae); phần sau rãnh hay phần hầu tạo nên thành trước của khẩu hầu và được phủ bằng một niêm mạc có nhiều nang bạch huyết tập trung lại thành hạnh nhân lưỡi (lingual tonsil). Rãnh tận có hình chữ V với hai nhánh chữ V chạy về phía trước – bên từ một chỗ lõm sâu trên đường giữa gọi là lỗ tịt của lưỡi (foramen caecum of tongue). Ở mỗi bờ lưỡi, ngay trước cung khẩu cái lưỡi, có 4-5 nếp thẳng đứng gọi là các nhú dạng lá. Niêm mạc phần trước rãnh của lưng lưỡi có một rãnh giữa chạy dọc và có nhiều nhú lưỡi. Đó là một hàng các nhú dạng đài nằm trước rãnh tận, các nhú dạng nấm và các nhú dạng chỉ. Mặt dưới lưỡi (inferior surface of tongue) nhẵn, liên tiếp với nền miệng và được nối với nền miệng bởi một nếp niêm mạc trên đường giữa gọi là hãm lưỡi (frenulum of tongue); ở mỗi bên hãm lưỡi, có một nếp niêm mạc chạy về đỉnh lưỡi gọi là nếp tua (fimbriated fold).
  • Lưỡi được cấu tạo bởi một khung xương-sợi và các cơ. Khung xương-sợi gồm xương móng cùng hai màng sợi là cân lưỡi (lingual aponeurosis) và vách lưỡi (lingual septum). Các cơ của lưỡi (muscles of tongue) gồm những cơ mà các thớ phát sinh và tận hết ngay trong lưỡi (các cơ nội tại) và các cơ đi từ phần lân cận tới tận hết ở lưỡi (cơ ngoại lai). Khi co, các cơ lưỡi làm nâng, hạ lưỡi, đẩy lưỡi ra trước hoặc kéo lưỡi ra sau.
  • Mạch và thần kinh của lưỡi: Động mạch gồm các nhánh của động mạch lưỡi: nhánh lưng lưỡi và động mạch lưỡi sâu. Tĩnh mạch. Tĩnh mạch lưỡi thu máu tĩnh mạch của lưỡi và đổ về tĩnh mạch cảnh trong. Bạch huyết đổ vào các hạch dưới cằm, dưới hàm và các hạch cổ sâu.
  • Vận động cho các cơ của lưỡi do các nhánh của thần kinh hạ thiệt. Thần kinh lưỡi, nhánh của thần kinh hàm dưới, chi phối cảm giác chung cho vùng trước rãnh tận. Thừng nhĩ chi phối cảm giác vị giác cho vùng trước rãnh, trừ các nhú dạng đài. Các nhánh lưỡi của thần kinh thiệt hầu cảm giác chung và cảm giác vị giác ở phần sau rãnh tận và các nhú dạng đài.

3. Chức năng của Khoang miệng

Hướng về phía trước miệng, cấu trúc của miệng ở phía trên là vòm miệng cứng (hard palate) do đáy xương hàm trên tạo thành cho phép lưỡi ép vào bề mặt vững chắc nên làm cho thức ăn được pha trộn và mềm hơn còn vòm miệng mềm (soft palate) hướng về phía sau có thể di chuyển về phía trên khi thức ăn được nuốt và như vậy ngăn chặn thức ăn khỏi bị ép lên đi vào mũi hoặc các đường đi vào mũi ở phía sau miệng. Thòng xuống từ trung tâm của vòm mềm là một miếng mô gọi là lưỡi gà (Uvula) tạo thành một miếng bịt có hiệu quả ở các đường khí khi thức ăn được nuốt vào nên sẽ ngăn cản sự nghẹt thở.

Tiêu hóa ở miệng là tiếp nhận thức ăn và nghiền xé thức ăn thành từng mảnh nhỏ thông qua các hoạt động cơ học:

  • Nhai là hoạt động cơ học của miệng có tác dụng nghiền xé và trộn đều thức ăn với nước bọt, có lúc nhai được thực hiện tự động nhưng có khi được thực hiện chủ động. Nhai tự động: Khi ăn uống bình thường, đó là một phản xạ không điều kiện do thức ăn kích thích vào niêm mạc miệng tạo nên. Nhai chủ động: Khi gặp thức ăn cứng khó nhai hoặc trong ăn uống giao tiếp.
  • Nuốt là hoạt động cơ học phối hợp giữa miệng và thực quản có tác dụng đẩy thức ăn đi từ miệng xuống đoạn cuối của thực quản, sát ngay phía trên tâm vị dạ dày. Động tác nuốt được thực hiện qua 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu: Là một động tác nửa tự động, được thực hiện như sau: Miệng ngậm lại. Lưỡi nâng lên ép vào vòm miệng đẩy thức ăn rơi vào họng. Giai đoạn hai: Khi thức ăn rơi vào họng thì động tác nuốt chuyển sang giai đoạn hai và từ đây nuốt là 1 phản xạ không điều kiện được gọi là phản xạ ruột. Phản xạ ruột là một phản xạ đặc biệt của ống tiêu hóa, được thể hiện như sau: Khi thức ăn kích thích vào một đoạn nào đó của ống tiêu hóa thì đoạn đó và đoạn ở trên sẽ co lại trong khi đoạn dưới giãn ra. Như vậy phản xạ ruột có tác dụng đẩy thức ăn đi tới.

Do phản xạ ruột nên khi thức ăn rơi vào họng, họng sẽ co lại, họng trước (họng miệng) và họng trên (họng mũi) cũng co lại, tiểu thiệt đậy khí thanh quản, trong khi đó phần đầu thực quản giãn ra, kết quả là thức ăn bị đẩy từ họng vào đoạn đầu của thực quản. Ở đây, thức ăn lại kích thích gây ra phản xạ ruột và tiếp tục bị đẩy xuống phía dưới. Cứ thế, thức ăn đi đến đâu, phản xạ ruột xuất hiện ở đó đẩy thức ăn đi dần dần xuống đoạn cuối của thực quản.

Bài tiết nước bọt: Nước bọt là dịch tiêu hóa của miệng có nguồn gốc từ 3 cặp tuyến nước bọt lớn là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi và từ một số tuyến nhỏ khác như tuyến má, tuyến lưỡi… Nước bọt là dịch tiết hỗn hợp của các tuyến trên. Số lượng khoảng 0,8 – 1 lít/24h.

Bên cạnh đó, miệng còn đóng vai trò giao tiếp, giọng nói được tạo ra bởi tổ hợp hoạt động của cổ họng, hàm, lưỡi và môi để tạo ra âm thanh – ngôn ngữ nói. Bởi vì là cơ quan liên kết với đường tiêu hóa và hệ thống hô hấp nên miệng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiêu hóa và hô hấp của cơ thể.

4. Các bệnh thường gặp

  • Ung thư lưỡi
  • Nhiệt miệng (loét miệng)
  • Ung thư khoang miệng
  • Ung thư tuyến nước bọt
  • Sâu răng
  • Viêm nhiễm miệng

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *