Dây thần kinh sọ não gồm những loại nào?

1. Vị trí của Dây thần kinh sọ não

Hệ thần kinh con người gồm hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên. Hệ thần kinh trung ương gồm não bộ và tủy gai. Hệ thần kinh ngoại biên gồm 31 đôi thần kinh gai sống, cách hạch thần kinh ngoại biên và 12 đôi thần kinh sọ não.

12 dây thần kinh sọ não là các dây thần kinh xuất phát từ não, sợi trục của các đôi thần kinh này kéo dài khỏi não bộ chi phối nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Tên 12 đôi dây thần kinh sọ não gồm:

  • Dây thần kinh khứu giác (I)
  • Dây thần kinh thị giác (II)
  • Dây thần kinh vận nhãn (III)
  • Dây thần kinh ròng rọc (IV)
  • Dây thần kinh sinh ba (V)
  • Dây thần kinh vận nhãn ngoài (VI)
  • Dây thần kinh mặt (VII)
  • Dây thần kinh tiền đình- ốc tai (VIII)
  • Dây thần kinh thiệt hầu (IX)
  • Dây thần kinh lang thang (X)
  • Dây thần kinh phụ (XI)
  • Dây thần kinh hạ thiệt (XII)

12 dây thần kinh sọ não phân ra làm ba loại:

  • Các dây thần kinh số V, VII, IX, X  là các dây thần kinh hỗn hợp.
  • Các dây I, II, VIII là các dây thần kinh cảm giác.
  • Các dây III, IV, VI, XI, XII là các dây thần kinh vận động.

2. Cấu tạo của Dây thần kinh sọ não

2.1 Cấu tạo chung của một dây thần kinh sọ

  • Một nhân trung ương là nguyên ủy thật của nhánh vận động và là tận cùng của nhánh cảm giác trong các dây thần kinh sọ.
  • Một chỗ đi ra khỏi bề mặt của não bộ, vị trí này gọi là nguyên ủy hư của dây thần kinh sọ.
  • Dây thần kinh tiền đình- ốc tai (VIII) và các nhánh cảm giác của dây thần kinh hỗn hợp có hạch ngoại biên là nơi tập trung nhân của các tế bào cảm giác ở bên ngoài não bộ. Vị trí này là nguyên ủy thật của phần cảm giác.
  • Dây thần kinh khứu giác (I) và dây thần kinh thị giác (II) thật ra là phần phát triển dài ra của não bộ nên không có hạch thần kinh ngoại biên như các dây thần kinh cảm giác và hỗn hợp khác.
Cấu tạo của Dây thần kinh sọ não

2.2 Cấu tạo 12 dây thần kinh sọ não

  • Dây thần kinh khứu giác (I): Dây thần kinh khứu giác gồm những sợi trục của tế bào khứu giác nằm ở niêm mạc mũi, các sợi này tập hợp lại đi qua lỗ sàng của xương bướm vào hành khướu của não và tiếp nối với các tế bào thần kinh của hành khửu.
  • Dây thần kinh thị giác (II): Dây thần kinh thị giác là tập hợp sợi trục của các tế bào nằm ở tầng tế bào hạch của võng mạc, các sợi hội tụ ở gần cực sau của nhãn cầu. Từ đây, dây thần kinh đi ra sau nhãn cầu, qua ống thị giác để vào hố sọ giữa, điểm tận cùng là trung tâm thị giác ở vỏ não.
  • Dây thần kinh vận nhãn (III): Dây thần kinh vận nhãn xuất phát từ trung não, chạy ra phía trước, nằm ở thành ngoài của xoang tĩnh mạch hàng, đi đến khe ổ mắt trên và chạy vào ổ mắt. Ở ổ mắt chia thành hai nhánh và nhánh trên và nhánh dưới.
  • Dây thần kinh ròng rọc (IV): Có nguyên ủy thật nằm ở trung não, nguyên ủy hư ở mặt sau trung não. Dây thần kinh vòng qua cuống đại não để đi ra trước, vào thành ngoài xoang tĩnh mạch hang, qua khe ổ mắt trên vào ổ mắt.
  • Dây thần kinh sinh ba (V): Phần cảm giác dây thần kinh sinh ba có nguyên ủy thật nằm ở mặt trước phần đá xương thái dương, đi qua mặt trước bên của cầu não vào trong thân não. Các đuôi gai tạo nên ba nhánh là nhánh thần kinh mắt, nhánh thần kinh hàm trên và nhánh thần kinh hàm dưới. Nguyên ủy thật phần vận động nằm ở cầu não. Các sợi trục khi ra khỏi cầu não tạo nên rễ vận động của dây thần kinh sinh ba.
  • Dây thần kinh vận nhãn ngoài (VI): Có nguyên ủy thật ở cầu nào, nguyên ủy hư ở rãnh hành cầu. Từ rãnh hành cầu, dây thần kinh chạy ra trước qua xoang tĩnh mạch hang, vào ổ mắt.
  • Dây thần kinh mặt (VII): Có nguyên ủy thật ở cầu não, các sợi thần kinh mặt chạy vòng lấy dây thần kinh số VI, sau đó chạy ra rãnh hành cầu, chạy qua ốc tai trong rồi chia ra nhiều nhánh thần kinh nhỏ: dây thần kinh đá lớn, dây thần kinh thừng nhĩ,…
  • Dây thần kinh tiền đình – ốc tai (VIII): Được cấu tạo bởi hai phần riêng biệt là phần tiền đình và phần ốc tai, cả hai phần đều có hạch thần kinh nằm ở tai trong là hạch tiền đình và hạch xoắn ốc tai. Sợi hướng tâm của hai hạch này chạy bên nhau trong ống tai trong, vào xoang sọ hướng về rãnh hành cầu, để vào cầu não là nơi chứa các nhân của nó. Từ các nhân này, các sợi thần kinh truyền thính giác đi đến vùng trung khu thính giác ở vỏ não.
  • Dây thần kinh thiệt hầu (IX): Dây thần kinh đi qua lỗ cảnh để ra khỏi sọ, phình to ra tạo thành hạch trên và hạch dưới, vòng ra phía trước và tận cùng ở rễ lưỡi. Trên đường đi, dây thần kinh chia thành nhiều nhánh nhỏ để đến lưỡi, niêm mạc hầu, hòm nhĩ, tuyến nước bọt, xoang cảnh, tiểu thể cảnh.
  • Dây thần kinh lang thang (X): Là dây thần kinh lớn nhất trong 12 dây thần kinh sọ. Ra khỏi sọ qua lỗ tĩnh mạch cảnh, sau đó chạy trong bao cảnh cùng động mạch cảnh trong, động mạch canh chung và tĩnh mạch cảnh trong đến nền cổ. Từ nền cổ đi đến trung thất vào trung thất sau, ở đây hai dây thần kinh lang thang phải và trái tập hợp thành đám rối thực quản. Từ đám rối này chia ra hai thân thần kinh sẽ chia ra để xuống bụng.
  • Dây thần kinh phụ (XI): Có nguyên ủy thật gồm hai phần, một phần ở hành não, một phần ở tủy gai. Các sợi thần kinh xuất phát từ hai nguyên ủy này hợp với nhau thành dây thần kinh phụ.
  • Dây thần kinh hạ thiệt (XII): Có nguyên ủy thật ở hành não, nguyên ủy hư ở rãnh bên trước hành não. Sau khi ra khỏi sọ, dây thần kinh hạ thiệt vòng ra trước để điều khiển vận động cho cơ lưỡi.

3. Chức năng của Dây thần kinh sọ não

Các dây thần kinh sọ não có chức năng như sau:

  • Dây thần kinh khứu giác (I): nhận nhiệm vụ về các mùi khi ngửi
  • Dây thần kinh thị giác (II) có nhiệm vụ dẫn truyền hình ảnh, cảm giác đồ vật, ánh sáng về não.
  • Dây thần kinh vận nhãn (III) vận động một số cơ mặt đưa nhãn cầu vào trong và lên xuống tạo cử động mắt, mở mí mắt.
  • Dây thần kinh ròng rọc (IV) chi phối cử động mắt xuống dưới, ra ngoài.
  • Dây thần kinh sinh ba (V) dẫn truyền xúc giác- cảm giác sờ, cảm giác đau ở vùng mặt, răng, quanh miệng đến não. Điều khiển cơ nhai, chi phối việc tạo nước bọt nước mắt.
  • Dây thần kinh vận nhãn ngoài (VI) đưa nhãn cầu liếc ra ngoài.
  • Dây thần kinh mặt (VII) chi phối vận động khép mi mắt, biểu hiện trên khuôn mặt, cảm giác mùi vị, nhận cảm giác cho tuyến nước mắt, nước bọt.
  • Dây thần kinh tiền đình- ốc tai (VIII): phần tiền đình có nhiệm vụ giữ thăng bằng, giữ vững tư thế. Phần ốc tai phụ trách khả năng nghe.
  • Dây thần kinh thiệt hầu (IX) có nhiệm vụ vận động cơ vùng hầu, vận động cảm giác 1/3 sau lưỡi.
  • Dây thần kinh lang thang (X) chi phối cảm giác, vận động phủ tạng ở ổ bụng và ngực (tim, phổi, cơ quan hệ tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục).
  • Dây thần kinh phụ (XI) giúp vận động thanh quản, cơ than, cơ ức đòn chũm.

Dây thần kinh hạ thiệt (XII) chi phối vận động cơ lưỡi.

4. Những điều cần lưu ý

Khi các dây thần kinh sọ bị tổn thương, bị viêm, chèn ép do khối u, đứt do chấn thương sẽ gây nên nhiều tác động đến cơ thể. Dây thần kinh chịu trách nhiệm chi phối về vận động, cảm giác các cơ quan nào thì khi tổn thương sẽ gây ra các bệnh ở cơ quan tương ứng. Các bệnh thường gặp là:

Dây thần kinh bị thương tổnCác rối loạn/ bệnh lý thường gặp
Dây thần kinh khứu giác (I)Rối loạn mùi vịViêm niêm mạc mũi
Dây thần thị giác (II)Rối loạn thị giácViêm dây thần kinh thị giácTeo dây thần kinh thị giácBệnh bán manh
Dây thần kinh vận nhãn (III)Lác mắt ra ngoài
Dây thần kinh ròng rọc (IV)Mắt sẽ không đưa được xuống thấp được.
Dây thần kinh sinh ba (V)Đau dây thần kinh sinh ba
Dây thần kinh vận nhãn ngoài (VI)Lác mắt vào trong
Dây thần kinh mặt (VII) Liệt mặt (liệt dây thần kinh 7 ngoại biên)
Dây thần kinh tiền đình- ốc tai (VIII)Viêm dây thần kinh tiền đìnhRối loạn tiền đình
Dây thần kinh lang thang (X)Dễ bị nghẹn, sặc thức ăn lỏng.
Dây thần kinh hạ thiệt (XII)Lưỡi sẽ bị đẩy sang một bên khi thè lưỡi.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *