Hệ thần kinh thực vật

1. Vị trí của Hệ thần kinh thực vật là gì?

Hệ thần kinh thực vật (Autonomic Nervous System) còn được gọi là hệ thần kinh tự chủ. Đây là một bộ phận của hệ thần kinh ngoại vi, cung cấp cho cơ trơn và các tuyến, ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan nội tạng. Hệ thống này chịu sự chi phối của những bộ phận thần kinh hoạt động một cách tự động, hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của con người, như hoạt động thần kinh của loài thực vật.

2. Cấu tạo của Hệ thần kinh thực vật là gì?

Hệ thần kinh thực vật gồm những phần nào? 

Giải phẫu hệ thần kinh thực vật cho thấy hệ thống này được chia thành 2 hệ: hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh đối giao cảm (hệ thần kinh phó giao cảm). Về vị trí, cấu tạo 2 hệ này có điểm khác nhau và chức năng của chúng trái ngược nhau. Tuy nhiên, chúng cùng thống nhất trong một cơ sở toàn vẹn, giúp cơ thể người thích nghi với hoạt động sống.

2.1 Hệ thần kinh giao cảm

Hệ thần kinh giao cảm được coi là hệ thống chiến đấu hay chạy. Chức năng cụ thể là:

  • Thúc đẩy phản ứng chiến đấu hay chạy, tương ứng với kích thích, tạo năng lượng và ức chế tiêu hóa.
  • Co mạch để chuyển dòng máu khỏi đường tiêu hóa và da.
  • Tăng cường dòng máu tới cơ xương và phổi.
  • Lưu thông adrenaline, kích thích giãn tiểu phế quản, cho phép trao đổi oxy phế nang nhiều hơn.
  • Tăng nhịp tim và co bóp các tế bào tim, tăng cường lưu lượng máu tới cơ xương.
  • Giãn đồng tử và cơ mi, cho ánh sáng chiếu vào mắt nhiều hơn và tăng tầm nhìn xa.
  • Góp phần giãn mạch vành.
  • Co cơ thắt trong ruột và cơ vòng niệu.
  • Ức chế nhu động ruột.
  • Kích thích cực khoái.

2.2 Hệ thần kinh đối giao cảm

Hệ thần kinh đối giao cảm được coi là hệ thống nghỉ ngơi và điều hòa hoặc ăn uống và sinh đẻ. Chức năng cụ thể là:

  • Tăng tiết nước bọt, nước tiểu, tuyến lệ.
  • Co đồng tử và cơ mi, giúp nhìn gần dễ hơn.
  • Giảm nhịp tim, giảm lực co bóp các tế bào cơ tim.
  • Co phổi, tiểu phế quản, giãn mạch máu.
  • Tăng nhẹ tổng hợp glycogen trong gan.
  • Tăng nhu động và trương lực cơ lòng ruột.
  • Giãn cơ thắt trong ruột.

3. Chức năng của Hệ thần kinh thực vật là gì?

Chức năng của Hệ thần kinh thực vật là gì?

Hệ thần kinh thực vật có tác dụng gì? Hệ thống này kiểm soát hoạt động vô thức, điều chỉnh các chức năng của cơ thể như nhịp tim, hô hấp, tiêu hóa, phản ứng con ngươi, tiểu tiện và kích thích tình dục. 

Ví dụ như khi ta ngủ say, hệ thần kinh thực vật vẫn làm việc chăm chỉ để tim đập, phổi hô hấp, dạ dày co bóp tiêu hóa, da tiết mồ hôi,… Đây là cơ chế tuyệt vời giúp cơ thể sống hoạt động hoàn hảo nhất mà vẫn tiết kiệm được năng lượng và thực hiện đầy đủ những chức năng cần thiết.

4. Các bệnh thường gặp

  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn thần kinh thực vật

5. Những điều cần lưu ý

Yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thần kinh thực vật

Ảnh hưởng của vỏ não

Ảnh hưởng của vỏ não lên hoạt động của hệ thần kinh thực vật rõ ràng khi con người có thay đổi cảm xúc, thể hiện bởi sự thay đổi nhịp tim, nhịp thở, co giãn mạch nông và thay đổi hoạt động ở các cơ quan nội tạng. Phần lớn các phản xạ có sự tham gia của hệ thần kinh tự chủ là do các kích thích từ bên ngoài và từ bên trong cơ thể. Tuy nhiên, cũng có một số phản xạ là do kích thích từ vỏ não, ví dụ như phản xạ thích nghi của mắt với ánh sáng, phản xạ bài xuất phân và nước tiểu,…

Vai trò của hành não, cầu não và não giữa

Nhiều vùng thuộc hành não, cầu não và não giữa có tác dụng điều hòa các chức năng của hệ thần kinh thực vật như huyết áp, nhịp tim, hoạt động bài tiết của các tuyến tiêu hóa, nhu động tiêu hóa, co cơ bàng quang,… Các hoạt động chức năng có tính sinh mệnh như huyết áp, nhịp tim, hô hấp,… được điều hòa bởi các trung tâm nằm ở phần thấp của thân não.

Vai trò của vùng dưới đồi

Vùng dưới đồi là trung tâm cao nhất của hệ thần kinh thực vật. Kích thích phần trước của vùng dưới đồi gây ra các đáp ứng giống như kích thích hệ thần kinh đối giao cảm, kích thích phần sau vùng dưới đồi gây ra các đáp ứng giống như kích thích hệ thần kinh giao cảm.

Hormone

  • Hormone tuyến giáp làm tăng tác dụng của giao cảm.
  • Tuyến tủy thượng thận sản xuất, giải phóng adrenalin và noradrenalin nên có thể coi là một nơ-ron hậu hạch giao cảm lớn. Kích thích dây giao cảm tới thượng thận làm tuyến thượng thận tăng bài tiết catecholamin. Kết luận: các cơ quan chịu ảnh hưởng đồng thời bởi 2 cơ chế: trực tiếp của hệ giao cảm và gián tiếp của tủy thượng thận thông qua các hormone.

Stress

Stress kích thích hệ giao cảm. Khi hệ thần kinh giao cảm hưng phấn sẽ gây tăng huyết áp, tăng lượng máu tới các cơ nhưng giảm lượng máu tới ống tiêu hóa, thận và một số cơ quan không cần thiết. Bên cạnh đó, nó còn tăng chuyển hóa tế bào toàn thân, phân giải glycogen trong gan, glucose máu, lực cơ cơ,… Tất cả những tác dụng này làm cơ thể có khả năng hoạt động mạnh hơn gấp nhiều lần so với bình thường. Vì vậy, mục đích của hệ thần kinh giao cảm là làm tăng hoạt động của cơ thể trong trạng thái stress. Hiện tượng này được gọi là phản ứng báo động, phản ứng chiến đấu hoặc phản ứng rút lui tùy biểu hiện cụ thể.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *