Hormone vỏ thượng thận (ACTH) có chức năng gì?

1. Hormone vỏ thượng thận (ACTH) là gì?

ACTH là tên viết tắt của hormone kích thích vỏ thượng thận là adrenocorticotropic hormone, là một phân tử polypeptid lớn gồm 39 acid amin, do thùy trước tuyến yên tiết ra dưới tác dụng kích thích của hormone giải phóng corticotropin CRH (corticotropin releasing hormone) của vùng dưới đồi (hypothalamus).

ACTH kích thích vỏ thượng thận bài tiết ra các glucocorticoid.

2. Công dụng của Hormone vỏ thượng thận (ACTH)

  • Tác dụng lên cấu trúc vỏ thượng thận: hormone ACTH làm tăng sinh tế bào vỏ thượng thận đặc biệt là tế bào của lớp bó và lưới, là những tế bào bài tiết cortisol và androgen do đó làm tuyến nở to. Thiếu hormone ACTH vỏ thượng thận sẽ bị teo lại.
  • Tác dụng lên chức năng vỏ thượng thận: hormone ACTH có tác dụng làm kích thích vỏ thượng thận tổng hợp và bài tiết hormon do hoạt hóa các enzym proteinkinase A là enzym thúc đẩy chặng đầu tiên của quá trình sinh tổng hợp hormon vỏ thượng thận.
  • Tác dụng lên não:hormone ACTH có vai trò làm tăng quá trình học tập, trí nhớ và tăng cảm xúc sợ hãi.
  • Tác dụng lên các tế bào sắc tố: ACTH kích thích tế bào sắc tố sản xuất sắc tố melanin rồi phân tán sắc tố này trên bề mặt da biểu bì da. Thiếu ACTH sẽ làm cho da không có sắc tố (người bạch tạng). Ngược lại thừa ACTH làm cho da có những mảng sắc tố.

3. Hàm lượng

Do nồng độ CRH vùng dưới đồi quyết định, khi nồng độ CRH tăng thì ACTH được bài tiết nhiều ngược lại khi vắng mặt CRH, tuyến yên chỉ bài tiết một lượng rất ít ACTH

Do tác dụng điều hòa ngược âm tính và dương tính của cortisol

Nồng độ ACTH còn được điều hòa theo nhịp sinh học. Trong ngày, nồng độ ACTH cao nhất vào khoảng từ 6-8 giờ sáng, sau đó giảm dần và thấp nhất vào khoảng 23 giờ rồi lại tăng dần về sáng.

Bình thường nồng độ ACTH trong huyết tương vào buổi sáng khoảng 10-50 pg/ml, khi bị stress nồng độ tăng rất cao có thể lên tới 600pg/ml. Ở người Việt Nam trưởng thành (lấy máu lúc 8 giờ 30 phút sáng trên nam khỏe mạnh) nồng độ ACTH là 9,7773+- 4,599 pg/ml.

4. Những vấn đề cần lưu ý

Ở những bệnh nhân mắc hội chứng Cushing (sản xuất quá mức cortisol) có hai trường hợp xảy ra:

  • Nếu mức ACTH cao: nguyên nhân là do ở tuyến yên hay ngoài tuyến yên, thường ở phổi, tuyến tụy, tuyến ức, hoặc buồng trứng có thể có khối u sinh ACTH.
  • Nếu mức ACTH ở dưới mức bình thường: nguyên nhân thường là do ung thư biểu mô hoặc do u tuyến thượng thận gây tăng bài tiết cortisol quá mức.

Ở những người bị bệnh Addison (sản xuất không đủ cortisol)

  • Mức ACTH cao: nguyên nhân là do ở tuyến thượng thận, như tổn thương tuyến thượng thận do xuất huyết, nhồi máu, hoặc tự miễn dịch; thiếu hụt enzym bẩm sinh; phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận hoặc ức chế tuyến thượng thận sau khi dùng kéo dài steroid ngoại sinh.
  • Mức ACTH dưới mức bình thường: có thể nguyên nhân là do bị suy tuyến yên.

Biến đổi của nồng độ ACTH theo ngày đêm tương ứng với sự biến đổi nồng độ cortisol. Nồng độ ACTH của mẫu buổi tối từ 8 đến 10 giờ tối thường bằng ½ đến ⅔ so với mẫu buổi sáng từ 4 đến 8 giờ sáng.

Biến đổi nồng độ ACTH trong ngày sẽ bị mất khi mắc bệnh, đặc biệt là do khối u làm ảnh hưởng đến tuyến yên hoặc tuyến thượng thận. Sự căng thẳng có thể làm mờ đi hoặc loại bỏ biến đổi bình thường trong ngày.

Xét nghiệm hormone vỏ thượng thận ACTH được dùng đề kiểm tra chức năng của thùy trước tuyến yên và tìm nguyên nhân của hội chứng Cushing là hội chứng sản xuất quá mức cortisol và bệnh Addison sản xuất không đủ cortisol.

Vì vậy xét nghiệm hormone vỏ thượng thận cần được thực hiện khi có những triệu chứng như:

Giảm cortisol:

  • Huyết áp thấp
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Mất cảm giác thèm ăn
  • Yếu cơ, đau khớp, đau cơ
  • Da sậm màu
  • Tính tình thay đổi hay khó chịu

Tăng cortisol trong máu

  • Mặt nhiều mụn.
  • Béo phì, mặt tròn nhiều mỡ
  • Mọc lông nhiều ở mặt và tóc dày và nhiều hơn
  • Kinh nguyệt bất thường ở nữ

Yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm hormone vỏ thượng thận

  • Căng thẳng, chấn thương hay hạ đường huyết và chất gây sốt có thể làm tăng nồng độ ACTH
  • Khi mang thai cũng làm tăng nồng độ ACTH
  • Sử dụng thuốc làm tăng nồng độ ACTH như estrogen, insulin, ethanok, vasopressin.
  • Corticosteroid có thể làm giảm nồng độ ACTH

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *