Làm gì để hạn chế trẻ phải nhập viện trong mùa dịch bệnh

Vào những thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhiều bệnh viện nhi tại các thành phố lớn rơi vào tình trạng giường bệnh bị quá tãi trầm trọng. Bên cạnh vấn đề bệnh nhi chịu tổn hại sức khỏe và thời gian học tập, phụ huynh hoặc người thân mất ngày giờ công lao động, kinh tế gia đình sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Các dịch bệnh thường gặp: tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, sởi.

Mặc dù Ngành y tế đã thực hiện nhiều biện pháp như tiêm phòng, phổ biến kiến thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Nhưng xem ra  hàng năm chúng ta phải rượt đuổi “hụt hơi” với tỉ lệ trẻ mắc bệnh năm sau cao hơn năm trước. Tại sao vậy? có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan gây dịch bệnh ngày càng tăng. Tuy nhiên, có một nguyên nhân mà phụ huynh (hoặc người nuôi dưỡng) có khả năng nhận dạng và kiểm soát được: sức đề kháng của trẻ bị suy giảm, đây là thủ phạm góp phần tăng tỉ lệ trẻ nhiễm bệnh. Sức đề kháng hay nói khác đi đó chính là khả năng phòng chống các tác nhân gây bệnh từ ngoài vào cơ thể như siêu vi, vi trùng, độc chất hại từ môi trường…

1. Thành phần của sức đề kháng:

Hệ thống miễn dịch (HMD) quyết định sức đề kháng. HMD bao gồm các cơ quan Lympho tiên phát như: tủy xương, tuyến ức và cơ quan Lympho thứ phát: lách, hạch bạch huyết, amygdale và tổ chức lympho dưới niêm mạc. Các cơ quan Lympho này hoạt động tốt, khả năng chống đỡ bệnh sẽ tăng. Ngoài ra, cơ thể còn có các bộ phận bảo vệ tiên phong và vô cùng hiệu quả cũng thuộc HMD, gồm có:

  • Da có chứa những tế bào chính của phản ứng viêm như: đại thực bào, tế bào lympho T, mastocyte nội bào mạch máu. Da sẽ là nơi chiến đấu với tác nhân gây bệnh đầu tiên, nên rất cần hệ mạch dưới da máu lưu thông tốt, thần kinh phân bố đủ và các lổ chân lông thông thoáng.
  • Lớp niêm mạc có hệ thống miễn dịch dưới niêm (mô lympho niêm mạc) gồm: niêm mạc của ống tiêu hóa (mảng payer dưới niêm mạc phần cuối hồi tràng, ruột già là nơi trú ngụ của các lợi khuẩn và hại khuẩn); tế bào nhung mao của đường hô hấp; niêm mạc đường tiết niệu. Rất cần thiết phải bảo vệ sự nguyên vẹn của ống tiêu hóa, khí – phế quản và đường tiết niệu – sinh dục.

2. Dấu hiệu cảnh báo sức đề kháng giảm:

  • Thường xuyên ho, chảy mũi, sốt (viêm đường hô hấp).
  • Ngứa ngoài da, viêm da dị ứng.
  • Gầy hoặc thừa cân – béo phì.
  • Tăng tiết mồ hôi.
  • Rối loạn tiêu hóa, tiểu vàng đậm, lắt nhắt.
  • Chấp (tắc ống tuyến nhờn sụn mi), hoặc lẹo (viêm tuyến nang lông mi) ở mi mắt (tái phát thường xuyên).

3. Những việc cần thực hiện để tăng sức đề kháng:

3.1 Ăn gì để tăng sức đề kháng:

Ảnh minh họa: Rau củ
  • Để có sức đề kháng của trẻ tốt cần thực hiện khẩu phần ăn đủ rau xanh, củ, trái cây…vì có chứa các vi chất dinh dưỡng có lợi cho hệ miễn dịch như: kẽm, selen, sắt, đồng, acid folic, vitamin B, C, B6, E.
  • Ăn đúng bữa, ăn giảm: thịt đỏ (thịt bò, heo), thức ăn chế biến sẵn (mì gói, phô mai, đồ đóng hộp), thức ăn nhiều gia vị (thịt nướng, gà rán, bánh tráng trộn…).
  • Không ăn quá mặn, nhiều đường và bột nêm
  • Hạn chế sữa bò có đường, vì sữa không thể thay thế được khẩu phần ăn đủ thành phần: tinh bột, chất đạm, chất béo.
  • Không uống nước ngọt có gas, trà sữa trân châu, kem lạnh.
  • Uống đủ sạch từ 1 – 2 lít/ngày.

3.2. Giữ sức khỏe đường tiêu hóa tốt: 

Sức khỏe đường tiêu hóa kém, thường kèm theo giảm sức đề kháng: 

  • Cần điều trị kịp thời khi trẻ có những than phiền như sau: đầy chướng bụng, buồn nôn, nôn, hơi thở hôi (tăng nhiều vi khuẩn có hại trong ruột), đau bụng, sống phân, tiêu phân nát nhiều lần trong ngày.
  • Lưu ý trẻ uống nhiều thuốc kháng sinh dễ gây loạn khuẩn đường ruột (mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn), cần bổ sung men vi sinh kịp thời.
  • Tiêu chảy khi uống sữa (sữa mẹ, sữa bò…) do đường tiêu hóa thiếu men Lactase (có nhiệm vụ tách Lactose trong sữa thành glucose và galactose) để hệ tiêu hoá dễ hấp thụ. Các biểu hiện không đặc trưng thường gặp của thiếu men Lactase: quấy khóc, nôn trớ, kém hấp thu, lâu ngày sẽ chậm phát triển, sôi bụng, trướng hơi, đau bụng… 

3.3. Giúp trẻ thực hiện lối sống hợp lý: 

  • Ngủ phải đủ giờ, không thức quá khuya.
  • Tạo điều kiện cho trẻ tham gia sinh hoạt ngoài trời, giúp giảm stress do áp lực học tập căng thẳng.
  • Chọn các loại hình tập thể dục phù hợp với thể chất vì thiếu tập thể dục sức đề kháng sẽ giảm.
  • Giữ cơ thể ấm, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi đại tiện.
  • Sử dụng ly chén sạch (hấp rửa kỹ), không dùng chung ly chén – khăn tay, ngủ màn (nơi có nhiều muỗi)…
Ảnh minh họa: Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Tóm lại: 

Khi trẻ em có sức đề kháng tốt sẽ gíup hạn chế nhiều loại bệnh dịch. Các bậc phụ huynh và nhà trường cần giúp trẻ ý thức được các thức ăn – nước uống có lợi cho sức đề kháng, không gây áp lực thành tích học tập quá cao, thường xuyên tập thể dục…chắc chắn góp phần bảo vệ trẻ trong các đợt cao điểm của dịch bệnh. 

Nguồn: Bs Trần Văn Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *