Lông mũi có chức năng gì?

1. Vị trí của Lông mũi

Lông mũi là các lông mọc trong mũi. Có hai loại lông mũi, một loại lông dài chúng ta có thể nhìn thấy được, loại thứ hai là các lông dạng vi mao rất nhỏ. Lông mũi là một thành phần của hệ thống phòng thủ, bảo vệ cơ thể.

2. Cấu tạo của Lông mũi

Lông mũi có cấu tạo giống như các lông dài khác trong cơ thể, gồm 3 phần: phần thân lông nằm trên bề mặt da, phần mọc xuyên qua thượng bì da và phần chân lông (hay còn gọi là rễ lông) nằm trong chân bì (hay còn gọi là trung bì da). Chân lông được bao bọc bởi một vỏ gọi là nang lông. Nang lông là một cấu trúc nằm trong da, giúp nuôi dưỡng để sợi lông trưởng thành. Nang lông có ba lớp: lớp bao biểu mô ngoài, bao biểu mô trong và bao xơ.

Mỗi nang lông có ba phần:

  • Miệng nang lông thông ra mặt da
  • Cổ nang lông hay còn gọi là phễu nang lông có miệng tuyến bã thông ra ngoài
  • Bao nang lông là phần dài nhất ăn sau xuống lớp hạ bì của da.

3. Chức năng của Lông mũi

Chức năng của lông mũi: Lông mũi là một trong những tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể. Lông mũi có tác dụng như một màng lọc khí, giúp ngăn chặn các tác nhân có hại xâm nhập vào hệ hô hấp. Mỗi ngày, mỗi người hít vào khoảng 10.000 lít không khí, cũng đồng thời hít vào các vi khuẩn, nấm, bào tử, bụi và chất bẩn. Lông mũi trong mỗi lỗ mũi lọc khí hít vào, giúp hạn chế các tác nhân gây hại xâm nhập sâu bên trong gây các bệnh nguy hiểm cho đường hô hấp.

Có hai loại lông mũi:

  • Loại thứ nhất là những sợi lông lớn, mọc phía trước mũi, có tác dụng loại bỏ những hạt bụi lớn, phấn hoa, dị vật,…làm chúng không tiến sâu vào bên trong, gây hại cho các cơ quan hô hấp, đặc biệt là phổi.
  • Loại thứ hai là các lông vi mao, giúp lọc các chất nhầy, ngăn không cho di chuyển từ mũi xuống họng. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2010 tại Mỹ chỉ ra rằng, khi số lượng lông mũi giảm đi sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn ở những người bị viêm mũi theo mùa do tăng tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật,…

Lông mũi còn có chức năng làm ẩm, làm ẩm không khí hít vào. Khi không khí đi qua đường mũi, lông mũi và chất nhầy ở mũi sẽ cung cấp nhiệt và độ ẩm. 

Nếu không khí vào phổi không cân bằng với nhiệt độ thể, phổi sẽ bị nhiễm lạnh, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh ở phổi.  Cùng với các cơ chế tăng nhiệt khác, sau khi qua mũi, không khí được nâng lên khoảng 330C, đảm bảo nhiệt độ không khí cân bằng với thân nhiệt.

Cổ và họng không thể chịu được không khí khô. Khi qua mũi , lông mũi, chất nhầy ở mũi sẽ cung cấp độ ẩm để độ ẩm không khí lên mức bão hòa 100%.

 Nhờ các chức năng bảo vệ này, không khí qua mũi sẽ trở nên sạch sẽ, ấm áp, có độ ẩm phù hợp với hệ hô hấp.

4. Các bệnh thường gặp

  • Viêm xoang
  • Viêm đường hô hấp dưới
  • Viêm đường hô hấp trên

5. Những vấn đề cần lưu ý

Khi lông mũi mọc dài sẽ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt. Tuy nhiên, không nên nhổ lông mũi vì sẽ gây tổn thương niêm mạc mũi. Đây cũng là khu vực chứa nhiều tĩnh mạch máu và các dây thần kinh. Các tĩnh mạch ở khu vực này không có van ngăn máu chảy ngược chiều. Nên nếu nhiễm trùng, vi khuẩn sẽ đi ngược lên não, tác động vào các khu vực dây thần kinh, gây ảnh hưởng lên mắt và các bộ phận khác của mặt.

Hạn chế ngoáy mũi vì ngoáy mũi mạnh có thể làm niêm mạch mũi trầy, vỡ các mạch máu. Ngoáy mũi cũng vô tình đưa vi khuẩn vào khoang mũi, có thể gây viêm nang lông, tạo những mụn trong mũi, nếu viêm nhiễm nặng có thể mắc các bệnh nghiêm trọng như viêm màng não, nhiễm trùng máu,…

Khi lông mũi dài ra, thò ra ngoài lỗ mũi, cách loại bỏ tốt nhất là dùng kéo để tỉa ngắn lại. Trước khi tỉa, dùng một miếng vải sạch ẩm để nhẹ nhàng loại bỏ bụi bẩn bên ngoài. Cẩn thận khi dùng kéo, không nên cắt tỉa quá sâu để tránh làm tổn thương niêm mạc, gây trầy xước, chảy máu.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *