Tìm hiểu về tế bào thần kinh (Noron thần kinh)

1. Tế bào thần kinh là gì?

Tế bào thần kinh còn được gọi là nơ-ron (là neurone theo tiếng Pháp) là những tế bào có chức năng truyền dẫn các xung điện. Nơ-ron là đơn vị cơ bản cấu thành hệ thống thần kinh và được coi là phần quan trọng nhất của não bộ. Cụ thể, thân và các sợi nhánh của nơ-ron tạo thành chất xám. Sợi trục (nếu đi chung với nhau thành bó được gọi là dây thần kinh) cấu thành chất trắng trong não.

Nơ-ron là những tế bào dài nhất trong cơ thể, được biệt hóa cao độ nên mất trung thể và khả năng phân chia. Tuy vậy, nơ-ron có khả năng tái sinh phần cuối sợi trục nếu bị tổn thương.

Ước tính có khoảng 100 tỷ nơ-ron thần kinh trong não người. Vậy tế bào thần kinh chiếm bao nhiêu phần trăm tế bào não? Dù có số lượng rất lớn nhưng các nơ-ron thần kinh chỉ chiếm 10% tổng số tế bào não. 90% còn lại là các tế bào thần kinh đệm – chiếm khoảng 50% khối lượng toàn bộ não.

2. Cấu tạo của tế bào thần kinh

Tế bào thần kinh (nơ-ron) được chia thành 3 phần chính:

  • Thân tế bào (còn gọi là Soma): là chỗ phình to của nơ-ron, bao gồm nhân tế bào, thể lưới nội chất, ty thể, ribosom, lysosom, bộ máy Golgi, tơ thần kinh, ống siêu vi và các bào quan khác. Nơ-ron chứa 70 – 80% là nước, vật chất khô có khoảng 80% protein và 20% lipid. Thể tích của tế bào khoảng 600 – 70.000 µm³. Thân nơ-ron cung cấp dinh dưỡng cho nơ-ron, có thể phát sinh xung động thần kinh và có thể tiếp nhận xung động thần kinh từ nơi khác truyền tới nơ-ron. 
  • Đuôi gai: là các tua ngắn phát triển từ thân tế bào. Mỗi nơ-ron đều có nhiều đuôi gai, mỗi đuôi gai được chia thành nhiều nhánh, có chức năng tiếp nhận các xung thần kinh từ tế bào khác, truyền chúng tới thân tế bào (tín hiệu hướng tâm). Tác động của các xung này có thể là kích thích hoặc ức chế. 
  • Sợi trục (còn gọi là axon): là sợi thần kinh đơn dài, làm nhiệm vụ truyền tín hiệu từ thân tế bào tới tế bào thần kinh khác hoặc tới tế bào cơ. Đường kính của các sợi trục thường có kích thước khác nhau, dao động từ từ 0,5 μm – 22 μm. Dọc sợi trục được bao bọc bởi một lớp vỏ myelin, tạo thành bởi các tế bào Schwann. Bao myelin không liền mạch mà được chia thành từng đoạn. Giữa các bao myelin là các eo Ranvier. Khoảng cách giữa 2 eo Ranvier khoảng 1,5 – 2 mm. Còn diện tích tiếp xúc giữa các nhánh nhỏ phân từ cuối sợi trục của nơ-ron này với sợi nhánh của nơ-ron khác hoặc các cơ quan thụ cảm được gọi là Synapse (khớp thần kinh).

3. Công dụng của Tế bào thần kinh

Chức năng cơ bản của nơ-ron là cảm ứng và dẫn truyền xung thần kinh. Cụ thể:

  • Cảm ứng là khả năng tiếp nhận và phản ứng lại các kích thích bằng hình thức phát xung thần kinh.
  • Dẫn truyền là khả năng lan truyền xung thần kinh theo một chiều từ nơi phát sinh hay tiếp nhận về thân nơron và truyền đi theo dọc sợi trục.

4. Phân loại Tế bào thần kinh

Tế bào thần kinh có mấy loại? Có 2 cách phân loại tế bào thần kinh. Đó là:

Theo hướng dẫn truyền xung thần kinh

  • Nơ-ron hướng tâm (nơ-ron cảm giác): có thân nằm bên ngoài trung ương thần kinh, dẫn xung thần kinh về trung ương thần kinh.
  • Nơ-ron trung gian (nơ-ron liên lạc): nằm trong trung ương thần kinh, gồm các sợi hướng tâm và ly tâm, có nhiệm vụ liên lạc.
  • Nơ-ron ly tâm (nơ-ron vận động): có thân nằm trong trung ương thần kinh hoặc ở hạch thần kinh sinh dưỡng, dẫn các xung ly tâm từ não bộ và tủy sống đến các cơ quan phản ứng để tạo sự vận động hoặc hoạt động bài tiết.

Theo chức năng

  • Nơ-ron cảm giác: mang tín hiệu từ các giác quan đến não và tủy sống.
  • Nơ-ron chuyển tiếp: mang thông điệp từ một phần của hệ thần kinh trung ương.
  • Nơ-ron vận động: kết nối với các nơ-ron chuyển tiếp. Các nơ-ron vận động nhận và đưa tín hiệu từ hệ thần kinh trung ương đến các cơ bắp.

5. Các vấn đề thường gặp

  • Teo dây thần kinh thị giác
  • Liệt mặt
  • U nguyên bào thần kinh
  • Đau dây thần kinh chẩm
  • Viêm đa rễ dây thần kinh
  • Đau thần kinh tọa
  • Tế bào thần kinh vận động
  • Liệt dây thần kinh số 6

6. Những vấn đề cần lưu ý

Những nguyên nhân gây chết tế bào thần kinh

Theo các chuyên gia, ngoài tuổi già, còn có một số thói quen hằng ngày có thể gây ảnh hưởng xấu tới não bộ và giết chết các nơ-ron thần kinh, về lâu dài có thể dẫn tới teo não, suy giảm trí nhớ. Những thói quen xấu đó là:

  • Hút thuốc lá

Với mỗi điếu thuốc lá, người hút sẽ hít vào cơ thể trên 7.000 loại hóa chất độc hại, trong đó có 69 chất gây ung thư. Không chỉ vậy, hút thuốc lá còn gây ra nhiều bệnh lý khác như viêm phế quản mãn tính, bệnh tim và đột quỵ. Đặc biệt, nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy khói thuốc lá tiêu diệt các nơ-ron thần kinh. Cụ thể, những con chuột bị nghiện nicotin tạo ra ít hơn 50% tế bào thần kinh. Bên cạnh đó, chất NNK có trong thuốc lá cũng kích thích tế bào bạch cầu của não tấn công cả những tế bào thần kinh khỏe mạnh. Vì vậy, nếu muốn có tinh thần minh mẫn thì con người không nên hút thuốc lá.

  • Uống rượu bia

Các nhà nghiên cứu khẳng định: uống 50g cồn hằng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn đối với hệ thần kinh. Ước đoán có khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Bên cạnh đó, uống rượu, bia còn gây mất nước cơ thể. Khi tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng, nó sẽ khiến não bị phù vì cơ thể cố kéo thêm nước vào trong tế bào. Hậu quả là các tế bào thần kinh có thể bị vỡ. Do vậy, uống quá nhiều bia – rượu là nguyên nhân gây hủy hoại các nơ-ron thần kinh.

  • Mất ngủ

Người trưởng thành cần ngủ trung bình 7 – 9 tiếng mỗi đêm. Nếu không ngủ đủ thì họ thường bị mất tập trung. Nguyên nhân vì nếu mất ngủ kéo dài, các tế bào thần kinh ở vùng sản sinh năng lượng có tên là locus coeruleus sẽ bị chết đi. Không có những tế bào sản sinh năng lượng này, cơ thể sẽ mệt mỏi khi phải tham gia các hoạt động bình thường trong ngày tiếp theo.

  • Stress

Hormone cortisol được giải phóng từ tuyến thượng thận là nguyên nhân gây căng thẳng. Ở những người bị stress mãn tính, nồng độ cortisol có thể tăng cao tới mức não không sản sinh được các tế bào tạo myelin và sản sinh ít tế bào thần kinh hơn. Trong khi đó, Myelin là vật liệu tạo nên chất trắng của não và làm nhiệm vụ truyền thông tin giữa các nơ-ron. Những thay đổi này trong não làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần.

  • Sử dụng ma túy

Các loại ma túy như cocaine, methamphetamine hay ma túy tổng hợp đều kích thích não giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin và norepinephrine. Điều này gây ra cảm giác hưng phấn nhưng lại làm tổn thương các nơ-ron chịu trách nhiệm giải phóng các chất mang lại cảm giác này. Hậu quả là các tế bào thần kinh sẽ bị tổn hại, thậm chí bị chết.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *