Vành tai có tác dụng gì?

1. Vị trí của Vành tai

Vành tai là gì? Vành tai là phần tai nhô ra hai bên đầu người. Vành tai nằm ngay sau khớp thái dương hàm và vùng tuyến mang tai, ở  phía trước xương chũm và vùng thái dương. Vành tai có hai đường gờ lên rõ nhất được gọi là vành tai ngoài và vành tai trong (hay còn gọi là gờ luân và gờ đối luân). Một phần trước của vành tai được dính liền với xương sọ, phần còn lại tự do, tạo với xương chũm một góc mở ở sau. Vành tai có trục song song với sống mũi.

Tai là một cơ quan có cấu trúc phức tạp. Tai được cấu tạo từ 3 bộ phận là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài gồm có 2 phần là vành tai và ống tai.

2. Cấu tạo của Vành tai

Vành tai được cấu tạo bởi hai phần:

  • Phần trên là một vành có cấu tạo đặc biệt: được cấu tạo bởi sụn, và phủ bên ngoài bởi một lớp da mỏng có tổ chức mỡ kém phát triển. Do mỗi người có cấu tạo sụn khác nhau nên mỗi người có thể có vành tai cứng, mềm, vành tai dày, vành tai mỏng khác nhau. Do lớp mỡ ở vành tai mỏng nên vành tai rất dễ buốt khi trời lạnh.
  • Phần dưới vành tai là dái tai, đây là một nếp da không có phần sụn ở trong.

Mặt trước của vành tai có nhiều đường gồ lồi và vùng lõm kế tiếp nhau là: gờ luân, hõm thuyền, gờ đối luân, hõm tam giác, gờ bình, gờ đối bình,  hõm xoăn tai,xoăn tai. Gờ luân là nếp ngoài của vành tai (còn gọi là vành tai ngoài), vùng phía trong là gờ đối luân (gọi là vành tai trong). Phần cuống của gờ luân nhĩ chồng lên gờ đối luân ở mép trên trước. Giữa gờ luân nhĩ và gờ đối luân ở phía gần đỉnh vành tai là hố tam giác. Phần rộng phía trong của vành tai là hõm thuyền. Gờ bình là phần nhô lên trước tai nối liền phía trên ống tai, phần nhô lên phía sau đường viền cửa tai là gờ đối bình. Giữa gờ bình và gờ đối bình là hõm xoăn tai. Hõm xoăn tai tạo thành đáy trong của vành tai.

Dái tai chiếm khoảng 1/5 chiều cao của vành tai, được tiếp nối với gờ bình và nằm phía dưới vành tai.

Hai nguồn cung cấp máu cho tai là:

  • Phía trước là động mạch thái dương nông cung cấp máu cho dái tai, gờ bình và một phần gờ luân
  • Phía sau là động mạch vành tai sau cung cấp máu cho phần lớn mặt sau vành tai.

Các tĩnh mạch ở vành tai thường đi tùy hành với các động mạch. Đám rối cổ nông đảm nhiệm chi phối cảm giác của vành tai.

3. Chức năng của Vành tai

Vành tai có chức năng gì? Do có cấu tạo các vùng lồi và lõm nên vành tai tạo ra các đường cong, xoăn giúp nhận và hứng âm thanh (năng lượng âm) để truyền vào ống tai. 

Cả hai vành tai sẽ hoạt động đồng thời để xác định vị trí, nguồn gốc của âm thanh, hướng của âm thanh, giúp tách âm thanh này với âm thanh khác.

Khi có các bệnh lý về thính giác, vành tai là nơi gắn các thiết bị trợ thính phù hợp. Các thiết bị trợ thính thường được gắn trong tai hoặc phía sau tai.

4. Những điều cần lưu ý

  • Tai có vai trò quan trọng, không chỉ đảm nhiệm chức năng nghe mà còn giữ vai trò giúp cảm nhận vị trí trong không gian, giúp giữ thăng bằng. Tai rất dễ bị tổn thương nếu không biết cách chăm sóc. Vệ sinh tai sai cách có thể gây viêm tai, thủng màng nhĩ, gây giảm khả năng nghe. Không nên vệ sinh tai sâu vào bệnh trong ống tai, không lấy ráy tai quá kỹ vì có thể vô tình đẩy ráy tai vào sâu hơn, mất đi lớp ráy tai cũng làm tai dễ bị khô, ngứa, nhiễm trùng. Khi vệ sinh tai, chỉ nên vệ sinh phần vành tai bên ngoài, lau vành tai bằng khăn mềm thấm nước ấm hoặc nước muối sinh lý.
  • Tránh các chấn thương vùng đầu, có thể gây ra các thương tổn vùng vành tai và tai, dẫn đến giảm khả năng thính lực. Luôn đội mũ bảo hiểm khi lái xe, khi chơi các môn thể thao, thắt dây an toàn khi lái xe.

Nguồn : Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *