Cắt đại tràng bằng nội soi

1. Tổng quan về Cắt đại tràng bằng nội soi

  • Tên khoa học: Cắt đại tràng bằng nội soi
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Đại tràng hay còn gọi là ruột già là đoạn cuối cùng của đường tiêu hóa. Thức ăn phần lớn được tiêu hóa và hấp thụ ở ruột non, phần bã còn lại sẽ đi qua đại tràng để được hấp thụ nước và tống ra ngoài qua hậu môn. Cắt đoạn đại tràng được thực hiện qua nội soi để cắt nửa đại tràng phải, cắt nửa đại tràng trái hay cắt đoạn đại tràng xích ma và cắt đoạn trực tràng sau đó lập lại lưu thông ruột bằng cách nối ruột non với đại tràng (cắt ½ đại tràng phải) hoặc nối đại tràng với đại tràng (cắt ½ đại tràng trái) hoặc đại tràng với trực tràng (cắt đoạn đại tràng xích ma hoặc trực tràng).

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Ung thư đại tràng

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • U đại tràng.
  • Bệnh nhân ung thư đại tràng, trực tràng có chỉ định phẫu thuật triệt căn. Các trường hợp u lành, đa polyp đại tràng, viêm loét đại tràng chảy máu, xoắn đại tràng.
  • Viêm túi thừa đại tràng.
  • Bệnh Crohn đại tràng.
  • Đa  polyp đại tràng.
  • Dị tật thông động mạch – tĩnh mạch ở đại tràng.
  • Xoắn đại tràng (manh tràng, đại tràng phải, đại tràng xích ma…)
  • Vỡ đại tràng do chấn thương.

Chống chỉ định:

  • Béo mập
  • Tiền sử mổ ổ bụng trước đây và gây dính nhiều bên trong.
  • Không phân biệt được rõ ràng giải phẫu.
  • Chảy máu nhiều trước mổ.
  • Khối u kích thước lớn.
  • Khối u ở giai đoạn T4 hoặc đã di căn phúc mạc.
  • Viêm phúc mạc do vỡ đại tràng hay viêm phúc mạc do viêm túi thừa đại tràng thủng đến muộn.
  •  Người bệnh có chống chỉ định gây mê hoặc bệnh lý tim mạch, hô hấp có chống chỉ định bơm hơi trong ổ bụng.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  •  Bệnh nhân đau rất ít sau mổ.
  • Hồi phục rất nhanh.
  • Thời gian nằm viện ngắn (5-6 ngày)
  • Nhu động ruột hồi phục nhanh, mau ăn bình thường trở lại.
  • Sẹo thẩm mỹ.

Nhược điểm:

Kỹ thuật khó, chỉ cần để xảy ra một sơ xuất nhỏ cũng gây biến chứng nặng nề

4. Quy trình thực hiện

  • Bước 1: Vô cảm:  Gây mê nội khí quản, đặt ống thông đái và ống thông dạ dày.
  • Bước 2: Đặt 4 trocar:
  • Bước 3: Gỡ dính phúc mạc thành bên
  • Bước 4:  Đặt  lại người  bệnh tư thế Trendelenburg.  Dùng panh hay kẹp ruột kéo mạc treo ra phía trước.Mở phúc mạc mạc treo đại tràng bộc lộ động mạch hồi manh đại tràng.
  • Bước 5: Thắt và cắt động mạch hồi manh đại tràng, tiếp tục mở phúc mạc và phẫu tích bó mạch đại tràng phải. Tiếp tục phẫu tích và gỡ dính tá tràng và mạc treo đại tràng phải.
  • Bước 6: Thắt và cắt động mạch đại tràng phải sau đó đặt lai người bệnh ở tư thế đầu cao 30◦ và nghiêng trái 30◦, đổi vị trí camera ở trocar 10mm trên xương mu. Tiếp tục thắt và cắt nhánh phải của động mạch đại tràng giữa (buộc hay clip). Như vậy toàn bộ đại tràng phải và đoạn đầu đại tràng ngang đã được giải phóng.
  • Bước 7: Giải phóng đoạn cuối hồi tràng đủ dài để đua ra thành bụng trước(không căng).
  • Bước 8:  Đưa đại tràng phải ra ngoài ổ bụng
  • Bước 9: Cắt đại tràng trái nội soi. Đưa đại tràng trái đã cắt ra ngoài: Rạch nhỏ thành bụng trên xương mu sau đó cắt đại tràng trái và mạc treo đại tràng ở ngoài ổ bụng.
  • Bước 10: Làm đường khâu túi khâu phần đầu máy nối vào đoạn đại tràng còn lại sau đó đưa trở lại ổ bụng và khâu lại chỗ mở bụng. Thực hiện nối với đầu trên đại tràng và kiểm tra bằng test chỉ thị màu xanh hoặc test với khí.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Có thể đau vết mổ hay đau bụng sau mổ cho đến 1 tuần.
  • Có thể buồn nôn hay nôn sau mổ 1 đến 2 ngày
  • Tập đi lại ngày đầu sau mổ
  • Uống nước và ăn lỏng khi bắt đầu thấy đói,
  • Có thể tắm rửa và thay băng mỗi ngày
  • Sinh hoạt bình thường trở lại sau 5 ngày đến 1 tuần lễ.

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Đau bụng tăng nhiều hơn và kéo dài
  • Đỏ nơi vết mổ nhiều và lan rộng hơn kèm theo đau.
  • Bụng chướng căng, kèm buồn nôn nôn.
  • Lạnh run và sốt cao hơn 38,5 độ C
  • Dịch chảy ra qua vết mổ nhiều hơn và có mùi hôi.

7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Đại tràng cần phải làm sạch phân trước mổ ít nhất 2 ngày. Bệnh nhân chỉ uống sữa ngày 1 và uống nước đường ngày thứ 2. Các biện pháp làm sạch ruột có thể là thụt tháo hay uống dung dịch nước xổ, tùy theo chỉ định bác sĩ.
  • Tắm rửa sạch bằng xà bông tiệt trùng đêm trước mổ. Ngưng các loại thuốc chống đau, kháng viêm, chống đông máu.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *