Chăm sóc bệnh nhi sau phẫu thuật hở hàm ếch đúng cách

Việc chăm sóc bệnh nhi sau phẫu thuật hở hàm ếch là điều cần thiết để mang lại kết quả tốt nhất cũng như tránh gặp phải một số biến chứng hậu phẫu.

Trẻ 12 đến 18 tháng tuổi, cân nặng trên 10kg và đủ sức khỏe sẽ được tiến hành phẫu thuật hở hàm ếch. Bé sau khi phẫu thuật có thể xuất hiện một số biến chứng không có lợi cho kết quả phẫu thuật. Vì vậy việc chăm sóc bệnh nhi sau phẫu thuật hở hàm ếch đúng cách là vô cùng quan trọng.

Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật hở hàm ếch đúng cách

1. Khi trẻ trong thời gian nằm viện

Ngày đầu tiên đầu khi mổ xong

Theo dõi mạch, nhiệt độ, niêm mạc và tinh thần của bé. Tình trạng phù nề ở hầu họng sẽ xuất hiện sau phẫu thuật, cũng như tăng tiết dịch vùng đó khiến cho bé bị khó thở. Do đó, cha mẹ cần chú ý nhịp thở của trẻ để phát hiện sớm những bất thường.

Theo dõi dịch tiết vùng miệng, cần báo ngay cho nhân viên y tế nếu như dịch tiết ra có màu đỏ tươi. Còn trong trường hợp dịch tiết ra có màu hồng nhạt là biểu hiện bình thường.

Sau khi phẫu thuật xong, do tác dụng phụ của thuốc gây mê mà trẻ có thể bị nôn.

Cho trẻ ăn khi trẻ đang tỉnh táo, uống sữa nguội bằng thìa và chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần. Không cho trẻ uống sữa bằng bình và chỉ cho trẻ ăn sau khi dùng thuốc giảm đau 30 phút.

Dùng dung dịch nước muối dạng xịt để vệ sinh miệng mũi cho bé, cũng như tránh sự nhiễm khuẩn. Dùng nước đun sôi để nguội cho trẻ uống nhiều lần trong ngày và sau khi ăn.

Ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau mổ

Tiếp tục theo dõi toàn thể trạng của bé, nhịp thở, nồng độ bão hòa oxy máu, nhiệt độ để đảm bảo không có gì bất thường xảy ra.

Vệ sinh cho trẻ bằng dung dịch nước muối dạng xịt cũng như cho trẻ uống nước đun sôi để nguội nhiều lần trong ngày.

Từ ngày thứ 5 sau khi mổ

Dùng dung dịch nước muối dạng xịt để tránh nhiễm khuẩn.

Theo dõi tổng quan tình trạng của trẻ, vệ sinh mũi miệng sạch sẽ cũng như thức ăn của trẻ vẫn cần được chế biến ở dạng lỏng.

2. Khi trẻ xuất viện

Sau 2 tuần phẫu thuật, bạn có thể cho trẻ ăn những loại thức ăn khác như cháo đặc có thêm thịt cá và rau củ.

Ở tuần thứ 3 sau phẫu thuật, cho trẻ thay đổi khẩu phần ăn bằng cách thêm cơm mềm hoặc cơm đã được nghiền nát.

Tuyệt đối không cho trẻ ăn bằng ống hút trong ba tuần đầu vì ống hút dễ làm tổn thương vùng phẫu thuật. Bên cạnh đó những loại thức ăn cứng như bánh quy, đồ nướng cũng không được cho trẻ sử dụng.

Sau một tháng nếu tình trạng của bé phục hồi tốt, không xuất hiện bất kỳ biến chứng gì cha mẹ có thể có thể cho trẻ ăn bình thường như những đứa trẻ cùng tuổi bình thường.

Cha mẹ cũng cần vệ sinh mũi miệng cho trẻ thật sạch bằng nước muối.

Để tránh vết mổ bị tổn thương, bạn cần chú ý không cho trẻ chơi những đồ vật sắc nhọn, cũng như sử dụng nẹp cánh tay để trẻ không cho tay vào miệng.

Cho trẻ uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ để trẻ nhanh hồi phục, giảm tình trạng chảy máu, giảm đau. Đưa trẻ đến bác sĩ khám theo định kỳ để đảm bảo trẻ phục hồi tốt không biến chứng.

Làm gì khi trẻ xuất hiện biến chứng sau phẫu thuật?

1. Bé bị chảy máu sau phẫu thuật

Khi thấy trẻ chảy máu trong khoang miệng cần cần cho trẻ nằm nghiêng sang một bên và báo liền cho bác sĩ tình trạng của bé.

2. Vết mổ bị nhiễm trùng

Khi vết mổ bị nhiễm trùng, trẻ sẽ có dấu hiệu quấy khóc, sốt, hơi thở bị hôi. Lúc này bạn cần báo cho bác sĩ và sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt và thuốc kháng sinh theo hướng dẫn.

Cần báo bác sĩ các biến chứng của bé để có phương án xử lý kịp thời.

Trên đây là một số thông tin tham khảo để phụ huynh chăm sóc bệnh nhi sau phẫu thuật hở hàm ếch đúng cách. Để được tư vấn kỹ hơn, xin vui lòng liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp thắc mắc.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *