Đặt stent Graft điều trị bệnh lý động mạch chủ

1. Tổng quan về Đặt stent Graft điều trị bệnh lý động mạch chủ

  • Tên khoa học: Đặt Stent Graft động mạch chủ
  • Tên thường gọi: Can thiệp đặt Stent Graft động mạch chủ
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Stent graft là một giá đỡ làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng sợi tổng hợp sử dụng để đặt vào vị trí động mạch chủ nhằm mục đích tránh cho nó bị vỡ và điều chỉnh dòng máu chảy bên trong một cách bình thường.

Để đặt được stent graft vào đúng vị trí, các bác sĩ sẽ phải sử dụng một ống thông mang stent được đưa vào từ động mạch đùi, sau đó đưa dần tới đoạn động mạch chủ. Tại vị trí này, ống thông sẽ giải phóng stent graft với đúng kích thước thực. Và khi stent được đặt vào đúng vị trí thì ống dẫn sẽ được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Phình động mạch chủ

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Phình động mạch chủ ngực với đường kính trên 5,5 mm hoặc tiến triển nhanh trên 5mm trong vong 1 năm và/hoặc có biến chứng tách thành động mạch chủ.
  • Tách thành động mạch chủ type B cấp (đường vào từ động mạch chủ xuống, trong vòng 2 tuần) có biến chứng bao gồm: vỡ động mạch chủ vào khoang màng phổi, khoang màng ngoài tim, thiếu máu các tạng, giãn lớn động mạch chủ, đau ngực không khống chế được hoặc tăng huyết áp nặng không khống chế được,…
  • Phình động mạch chủ bụng (AAA) dưới động mạch thận: đường kính > 5,5 mm; hoặc tiến triển nhanh trên 5mm/năm; hoặc có biến chứng gây tách thành, dọa vỡ,…
  • Giả phình (PseudoAneurysm) động mạch chủ sau chấn thương hay do nguyên nhân nhiễm khuẩn,…
  • Hình thái giải phẫu phù hợp cho việc đặt được stent graft: vị trí chỗ lành (vùng động mạch chủ chỗ tiếp giáp với vị trí tổn thương) phải đủ dài > 2 cm và ổn định, không bị tổn thương để có thể gắn đầu stent graft vào đó. Đối với động mạch chủ ngực, khoảng cách từ chỗ tổn thương đến sau chỗ xuất phát từ động mạch dưới đòn trái là trên 2cm. Đối với phình động mạch chủ bụng, cổ túi phình (tính từ điểm đầu của chỗ phình tới dưới xuất phát động mạch thận thấp nhất)  > 1,5 cm.

Chống chỉ định:

  • Tách thành động mạch chủ type A.
  • Phình động mạch chủ lên.
  • Bệnh lý động mạch chủ đoạn quai chưa được phẫu thuật gồm các nhánh động mạch cảnh.
  • Vùng bệnh lý quá gần các nhánh động mạch trọng yếu mà không có phương án khắc phục trước.
  • Bệnh nhân có bệnh mạch máu làm cản trở đường vào (bệnh mạch đùi – chậu…).
  • Nhiễm trùng chưa kiểm soát được.
  • Bệnh lý rối loạn đông máu…

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Ít ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân vì không cần phải mổ phanh ngực như những phương pháp khác.
  • Thời gian thực hiện nhanh chóng, chỉ từ 1 – 3 tiếng.
  • Thời gian nằm viện ngắn, bệnh nhân nhanh hồi phục. Nhất là với những bệnh nhân lớn tuổi, có thể trạng yếu và mắc nhiều bệnh lý khác nhau.
  • Hạn chế nguy cơ tai biến trong quá trình phẫu thuật như: xuất huyết, nhiễm trùng, tử vong,…
  • Chi phí thấp hơn so với những kỹ thuật khác.

4. Quy trình thực hiện – Đặt stent Graft điều trị bệnh lý động mạch chủ

  • Bước 1: Làm xét nghiệm đánh giá tổn thương động mạch và các bệnh lý kèm theo.
  • Bước 2: Gây tê cho bệnh nhân. Khi đặt stent graft, bệnh nhân chỉ cần được gây tê tuỷ sống.
  • Bước 3: Bác sĩ sẽ mở 1 vết rạch nhỏ ở bẹn để tạo đường vào cho stent.
  • Bước 4: Bác sĩ sử dụng máy DSA để đưa hệ thống dẫn và stent vào đúng vị trí tổn thương của mạch máu.
  • Bước 5: Tuỳ thuộc vào hình thái và kích thước tổn thương bác sĩ sẽ đặt số lượng stent graft phù hợp.
  • Bước 6: Tháo ống dẫn ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Khâu lại vị trí mở đường vào mạch máu lúc đâu. Kết thúc thủ thuật.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Bệnh nhân hồi phục nhanh, chỉ cần nằm theo dõi 2 – 3 ngày là khỏe và có thể xuất viện.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Những cơn đau xuất hiện đột ngột ở vùng bụng hoặc ở sau lưng.
  • Đôi khi bị đau nhức, bị tím tái ở các ngón chân hoặc bàn chân vì những mảnh vỡ từ túi phình gây tắc mạch máu nhỏ ở bàn chân và các ngón chân.
  • Đột ngột cảm thấy mệt lả, chóng mặt hoặc bạn thậm chí có thể mất ý thức.

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Theo dõi các chức năng sống còn, các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện thủ thuật.
  • Theo dõi những nguy cơ tai biến sau thủ thuật như: liệt tủy sống, vỡ động mạch chủ, tràn dịch màng ngoài tim, tai biến mạch máu não,…
  • Theo dõi vị trí đường vào tĩnh mạch, động mạch: chảy máu, tụ máu, nhiễm trùng, thông động tĩnh mạch,…

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *