Điều trị lóc tách động mạch chủ

1. Tổng quan về Điều trị lóc tách động mạch chủ

Tên khoa học: Điều trị lóc tách động mạch chủ

Tên thường gọi : Điều trị lóc tách động mạch chủ

Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Động mạch chủ là mạch máu chính dẫn máu từ tim đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Thành động mạch chủ được cấu tạo gồm 3 lớp: lớp mỏng trong cùng gọi là lớp nội mạc, lớp ở giữa là trung mạc và lớp mỏng ngoài cùng là ngoại mạc. Ba lớp này kết hợp với nhau tạo nên thành động mạch chủ bền vững, dẻo dai, chịu được áp lực máu cao trong suốt cuộc đời. Vì một nguyên nhân nào đó, lớp nội mạc bị lóc tách ra, máu từ động mạch lách vào phần bị lóc tách làm phần này bị căng phồng lên và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào.

Lóc tách động mạch chủ được chia thành nhiều type tùy vào vị trí thương tổn.

  • Lóc động mạch chủ type A: Tổn thương động mạch chủ lên, chiếm 65 – 75% các ca lóc tách động mạch chủ. Đây được xem là type nguy hiểm nhất và bệnh nhân gần như chắc chắn sẽ tử vong nếu không được phẫu thuật kịp thời.
  • Lóc động mạch chủ type B: Các tổn thương không liên quan đến động mạch chủ lên. Khác với type A, phần lớn bệnh nhân bị lóc động mạch chủ type B thường chỉ cần điều trị nội khoa.

Điều trị lóc tách động mạch chủ thì sẽ điều trị riêng lóc tách động mạch chủ type A và lóc tách động mạch chủ type B. Đối với lóc tách động mạch chủ type B, phần lớn trường hợp bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa. Riêng với lóc tách động mạch chủ type A phải chỉ định mổ cấp cứu không trì hoãn.

2. Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Lóc tách động mạch chủ

Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Áp dụng với bệnh nhân

  • Bệnh nhân mắc bệnh lóc tách động mạch chủ type A hoặc type B cấp tính hoặc mạn tính.

Chống chỉ định

  • Suy tim nặng và có nhiều biến loạn toàn thân. 
  • Có các chống chỉ định phẫu thuật khác như: Đang có ổ nhiễm trùng ở các cơ quan khác, bệnh mạn tính nặng, bệnh máu…

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.
  • Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng sau phẫu thuật.

Nhược điểm:

Trong và sau khi phẫu thuật bệnh nhân có thể mắc những tai biến như:

  • Chảy máu, tràn dịch màng tim, chèn ép tim. 
  • Suy tim cấp. 
  • Viêm trung thất và xương ức. 
  • Các biến chứng của đông máu. 
  • Tắc van nhân tạo …

4. Quy trình thực hiện – Điều trị lóc tách động mạch chủ

Đối với lóc tách động mạch chủ type B, phần lớn trường hợp bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa. Riêng với lóc tách động mạch chủ type A phải chỉ định mổ cấp cứu không trì hoãn. Quy trình phẫu thuật như sau:

Bước 1: Vô cảm và chuẩn bị người bệnh: 

  • Gây mê nội khí quản, theo dõi điện tim và bão hoà oxy liên tục. 
  • Đặt các đường đo áp lực động mạch, tĩnh mạch trung ương và nhiệt độ liên tục. 
  • Đặt thông tiểu. 
  • Đặt tư thế, lau rửa thành ngực, sát trùng, trải toan. 

Bước 2: Tiến hành phẫu thuật.

  • Đặt ống động mạch cho máy tim phổi nhân tạo theo đường mở dưới đòn (để vào động mạch nách) hoặc đường mở dưới nếp bẹn (để vào động mạch đùi) với ống đặt trực tiếp hay qua đoạn mạch nhân tạo. 
  • Mở ngực theo đường dọc giữa xương ức, mở màng tim. 
  • Cho heparin, làm túi và đặt các ống vào nhĩ phải. Luồn dây quanh các tĩnh mạch chủ nếu cần mở nhĩ phải. Đặt dẫn lưu tim trái. 
  • Chạy máy tim phổi nhân tạo, không hạ hoặc hạ nhiệt độ cơ thể tùy theo yêu cầu xử trí thương tổn. 
  • Ngừng máy thở. Cặp động mạch chủ. Bơm dung dịch bảo vệ cơ tim trực tiếp vào các lỗ động mạch vành hoặc qua xoang tĩnh mạch vành, đảm bảo tim ngừng hoàn toàn. Cầm bơm nhắc lại sau khoảng thời gian quy định, tùy theo loại dung dịch liệt tim. 
  • Mở động mạch chủ lên, cắt bỏ đoạn động mạch chủ bị lóc. Kiểm tra các lá van động mạch chủ, tùy thương tổn để có thể thực hiện một trong các Kỹ thuật: khâu treo mép van, khâu hẹp vòng van hoặc thay van động mạch chủ nhân tạo. 
  • Kiểm tra hệ thống các động mạch vành, tùy thương tổn thực hiện một trong các kỹ thuật: khâu nội mạc trực tiếp hoặc bằng màng tim, nối trực tiếp hoặc bắc cầu các động mạch vành. 
  • Ngừng tuần hoàn, mở kẹp động mạch chủ lên, kiểm tra vùng quai động mạch chủ. Tùy vào thương tổn vùng này (có lỗ rách, phồng lớn …) để thực hiện một trong các kỹ thuật: thay một phần quai và bảo tồn các động mạch cảnh; thay toàn bộ quay và nối lại các động mạch nuôi não. 
  • Thả cặp động mạch chủ, nâng thân nhiệt, cho tim đập trở lại, nếu không tự đập thì chống rung. Nếu nhịp tim chậm thì hỗ trợ bằng máy tạo nhịp. 
  • Chạy máy hỗ trợ, giảm dần lưu lượng máy tim phổi và ngừng máy nếu huyết động tốt. Đặt hệ thống đo áp lực nhĩ trái nếu cần thiết. 

Bước 3: Kết thúc phẫu thuật

  • Rút các ống khỏi động mạch chủ và tĩnh mạch chủ, rút dẫn lưu tim trái. 
  • Trung hoà heparin bằng protamin sulfat. 
  • Cầm máu, đặt các điện cực, dẫn lưu. Đóng màng tim và đóng ngực. 

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Các chỉ số của bệnh nhân đều bình thường, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Bệnh nhân sốt cao.
  • Bệnh nhân đau ngực dữ dội.
  • Huyết áp bệnh nhân giảm.

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Phòng mổ Hybrid IGS730 hiện đại nhất thế giới

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Theo dõi sát nhịp tim, huyết áp, nước tiểu, dấu hiệu thần kinh khư trú, mức độ đau, dấu hiệu thiếu máu tạng.
  • Kiểm soát sát sao huyết áp.
  • Xét nghiệm khí máu, điện giải, chức năng gan thận, công thức máu, hematocrit ngay sau khi về buồng hồi sức được 15- 30 phút. Chụp Xquang ngực tại giường. 
  • Huyết động, hô hấp, dẫn lưu, nước tiểu 30 phút- 1 giờ/1 lần, trong 24 giờ đầu hoặc lâu hơn tuỳ tình trạng huyết động. 
  • Cho kháng sinh điều trị dự phòng nhiễm khuẩn, thuốc trợ tim, lợi tiểu, giảm đau, truyền máu và các dung dịch thay thế máu … tùy theo tình trạng huyết động và các thông số xét nghiệm. 
  • Cho thuốc chống đông (heparin) ngay sau 6- 8 giờ đầu sau phẫu thuật, nếu hết nguy cơ chảy máu. 
  • Lý liệu pháp hô hấp ngay sau phẫu thuật. 

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *