Điều trị tiêu sợi huyết cấp cứu

1. Tổng quan về Điều trị tiêu sợi huyết cấp cứu

  • Tên khoa học: Điều trị tiêu sợi huyết cấp cứu
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Kỹ thuật điều trị thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch là một trong những kỹ thuật điều trị triệt để đối với bệnh nhân đột quỵ não cấp trong 3 giờ đầu. Đây là một biện pháp điều trị đã làm cải thiện kết cục lâm sàng của bệnh nhân sau 3 tháng thêm ít nhất 13%. Kỹ thuật dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch khi được sử dụng kịp thời sẽ làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não, giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch và nhanh chóng phục hồi.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Đột quỵ não
  • Đau đầu

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Tuổi của bệnh nhân trên 18 tuổi và dưới 80 tuổi.
  • Áp dụng cho những bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ nhồi máu não như: Đau đầu, nôn, méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường, rối loạn ý thức…
  • Các triệu chứng khởi phát của đột quỵ rõ ràng dưới 180 phút trước khi dùng thuốc Alteplase.
  •  Chẩn đoán nhồi máu não cấp tính với các dấu hiệu thiếu sót về thần kinh rõ ràng và định lượng được dựa trên bảng điểm NIHSS.
  • Các thành viên của gia đình bệnh nhân và/hoặc bệnh nhân đồng ý dùng thuốc.

Chống chỉ định:

  • Các triệu chứng khởi phát của đột quỵ não trên 180 phút tính đến thời điểm bắt đầu dùng thuốc Alteplase hoặc không xác định chính xác thời gian.
  • Các triệu chứng của đột quỵ não nhẹ, đơn thuần hoặc cải thiện nhanh chóng.
  • Khởi phát có dấu hiệu co giật.
  •  Không chụp cắt lớp vi tính sọ não không cản quang và/hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não hoặc có bằng chứng chảy máu não trên chụp cắt lớp vi tính sọ não và/hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não.
  •  Các triệu chứng đột quỵ não gợi ý đến chảy máu dưới nhện mặc dù kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não và/hoặc cộng hưởng từ sọ não bình thường.
  • Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính sọ não và/hoặc cộng hưởng từ sọ não có nhồi máu não diện rộng (trên 1/3 diện chi phối động mạch não giữa).
  •  Khi điểm NIHSS trên 24
  • Chấn thương hoặc chảy máu tiến triển.
  • Tiền sử đột quỵ não, chấn thương đầu mức độ nặng, nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật sọ não trong vòng 3 tháng gần đây.
  • Tiền sử chảy máu não.
  • Tiền sử chảy máu đường tiêu hóa hoặc đường tiết niệu trong vòng 21 ngày gần đây.
  • Tiền sử chấn thương lớn hoặc phẫu thuật lớn trong vòng 14 ngày gần đây.
  • Chọc dò dịch não tủy hoặc chọc dò động mạch ở những nơi không thể ép được trong vòng 7 ngày gần đây.
  • Có bệnh lý trong sọ (u tân sinh, dị dạng động-tĩnh mạch não, túi phình mạch não).
  • Có bất thường về đường huyết ( dưới 2,8mmo/l hoặc trên 22,2 mmol/l).
  • Số lượng tiểu cầu dưới 100,000/mm3.
  •  Huyết áp không kiểm soát được (huyết áp tâm thu trên 185 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 110mmHg).
  • Điều trị thuốc chống đông gần đây với tỷ lệ INR trên 1,5 lần chứng.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Sử dụng kịp thời  tiêu sợi huyết sẽ làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não, giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch và nhanh chóng phục hồi.

Nhược điểm:

  • Đòi hỏi phải nhanh chóng điều trị, khi phát hiện triệu chứng, ngay lập tức phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết trong thời gian ngắn nhất, lúc đó mới có cơ hội cứu sống và giảm thiểu đi chứng.

4. Quy trình thực hiện – Điều trị tiêu sợi huyết cấp cứu

  • Bước 1:  Bệnh nhân được lắp máy theo dõi để theo dõi liên tục các thông số: huyết áp, nhịp tim.
  • Bước 2: Đặt ống thông dạ dày.
  • Bước 3:  Đặt ống thông tiểu.
  • Bước 4:  Đặt đường truyền tĩnh mạch chắc chắn (có thể đã đặt khi lấy máu làm xét nghiệm).
  • Bước 5: Cho bệnh nhân thở oxy qua kính mũi 3 lít/ phút.
  • Bước 6:  Sử dụng thuốc Alteplase theo liều điều trị

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Đánh giá các dấu hiệu thần kinh cách 15 phút một lần trong khi truyền, sau đó cách 30 phút một lần trong 6 giờ và tiếp theo cách 1 giờ một lần cho đến đủ 24 giờ.
  • Đo huyết áp cách 15 phút một lần trong khi truyền, sau đó cách 30 phút một lần trong 6 giờ và tiếp theo cách 1 giờ một lần cho đến đủ 24 giờ.
  • Nếu bệnh nhân đau đầu nhiều, tăng huyết áp cấp tính, buồn nôn hoặc nôn phải dừng truyền ngay lập tức và cho bệnh nhân đi chụp cắt lớp vi tính sọ não không cản quang để kiểm tra.
  •  Nếu huyết áp tâm thu tăng trên 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 105 mmHg, phải theo dõi chặt chẽ và điều trị ngay để duy trì huyết áp dưới 185/110 mmHg.

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Những bệnh nhân đang hoặc sau khi được truyền thuốc tiêu sợi huyết Alteplase đột ngột có thay đổi ý thức, đau đầu mới xuất hiện, buồn nôn, nôn mửa hoặc huyết áp đột ngột tăng cao đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu của điều trị cần nghi ngờ bệnh nhân có thể có chảy máu trong sọ. Trong trường hợp này phải dừng truyền Alteplase ngay lập tức, chụp cắt lớp vi tính sọ não không tiêm thuốc cản quang ngay cho bệnh nhân, đồng thời lấy máu định nhóm máu, xét nghiệm công thức máu đánh giá tiểu cầu, đông máu toàn bộ đánh giá fibrinogen.

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Monitor theo dõi bệnh nhân 7 thông số (có ETCO2, IBP), B40i

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Bệnh nhân đột quỵ não cấp đáp ứng đủ các tiêu chuẩn lựa chọn và không có bất kỳ một tiêu chuẩn chống chỉ định nào.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *