Phương pháp ghép gan

1. Tổng quan về Ghép gan

  • Tên khoa học: Ghép gan
  • Tên thường gọi: Ghép gan
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật: 

Ghép gan là một phẫu thuật mà bác sĩ thay thế gan bệnh bằng gan lành khỏe mạnh, từ người cho sống hoặc từ nguồn hiến chết não. Trong hầu hết chỉ định, ghép gan là phương cách duy nhất đem lại sự sống cũng như kéo dài thời gian sống thêm hiệu quả nhất cho bệnh nhân mắc các bệnh gan.

2. Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Ung thư gan nguyên phát
  • Ung thư gan
  • Xơ gan mất bù

3. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Xơ gan giai đoạn cuối (mất bù) đã có biến chứng (nguyên nhân do xơ gan rượu, hoặc viêm gan B mạn).
  • Suy gan cấp (Ngộ độc thuốc Paracetamol, Đợt cấp viêm gan virus mạn…)
  • Ung thư gan (HCC). Chỉ định với tiêu chuẩn Milan ( 1 u đơn độc ≤ 5 cm hoặc có đến 3 u ≤ 3 cm). Chỉ định với tiêu chuẩn UCSF (1 u đơn độc ≤ 5 cm hoặc ≤ 3 u, u lớn nhất ≤ 4.5 cm tống kích thước u ≤ 8 cm). Tiêu chuẩn sinh học (thường áp dụng ở Nhật Bản, Hàn quốc): AFP và PIVKA II <200 

Chống chỉ định:

  • Suy gan cấp nặng.
  • Bệnh nhân hôn mê gan có phù não không hồi phục.
  • Ung thư gan quá lớn, vượt quá tiêu chuẩn nêu trên; hoặc đã có di căn xa (xương, phổi…).
  • Bệnh nhân đang mắc bệnh tim.
  • Bệnh nhân mắc bệnh phổi nghiêm trọng.
  • Bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết.
  • Bệnh nhân bị HIV.

4. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Tỷ lệ thành công cao.
  • Giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.
  • Giúp bệnh nhân sống thêm được nhiều năm
  • Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, không bị bệnh gan hành hạ.
  • Sau khi ghép gan bệnh nhân có thể sinh hoạt như bình thường.

Nhược điểm:

  • Bệnh nhân có thể gặp rất nhiều các biến chứng nội khoa lẫn ngoại khoa.
  • Cơ thể bệnh nhân đào thải lá gan mới.
  • Một số bệnh nhân có thể tái phát bệnh gan.
  • Bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ do uống thuốc chống đào thải gan. Thuốc có tác dụng phụ trong thời gian ngắn. Ví dụ, thuốc làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Thuốc cũng có những tác dụng phụ lâu dài. Ví dụ, thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc phải của một số loại ung thư.

5. Quy trình thực hiện – Ghép gan

Bước 1: Người bệnh sẽ được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá điều kiện ghép gan.

Bước 2: Đưa bệnh nhân cần ghép gan và người cho gan vào phòng phẫu thuật. Đặt lên giường đúng tư thế và tiến hành gây mê.

Bước 3: Tiến hành phẫu thuật.

Thông thường trong trường hợp ghép gan ở người cho sống sẽ có hai bàn mổ được tiến hành song song.

Đối với người cho:

  • Bác sĩ sẽ thực hiện quá trình cắt một phần gan đã tính toán từ trước.
  • Sau đó phần gan này sẽ được chuyển đến một bàn mổ nhỏ trong cùng phòng (back table) và được phẫu thuật viên bơm rửa với dung dịch bảo quản, giữ lạnh cũng như tiến hành đo đạc kích thước, cân nặng của mảnh ghép và các mạch máu, đường mật.
  • Tạo hình mảnh ghép sao cho phù hợp với cơ thể người nhận. 

Đối với người nhận:

  • Cắt bỏ hoàn toàn phần gan bệnh lý trước đó ra khỏi cơ thể. Việc cắt bỏ các mạch máu – bước cuối cùng để ngưng sự hoạt động của gan – được thực hiện ngay sau khi phòng mổ bên cạnh thông báo đã hoàn thành bước tạo hình cuối cùng của mảnh ghép.
  • Sau đó mảnh ghép được đặt vào ổ bụng người nhận, tĩnh mạch chủ dưới là mạch máu đầu tiên được khâu nối tiếp theo sau là tĩnh mạch cửa.
  • Kế đến là phục hồi sự lưu thông của động mạch gan bằng cách nối phần động mạch của gan cho vào động mạch của người nhận.
  • Cuối cùng, ống mật chính của gan cho được nối vào đường mật của người nhận sao cho dịch mật từ gan cho bài tiết ra có thể lưu thông vào đường ruột của người nhận.

Bước 4: Kết thúc phẫu thuật.

6. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Bệnh nhân có thể ăn uống, sinh hoạt và hoạt động bình thường.
  • Thỉnh thoảng bụng bệnh nhân sẽ bị chướng, đầy hơi và không xì hơi được.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Đau bụng: đau vết mổ và vùng mổ bên trong.
  • Huyết khối, thuyên tắc xuất hiện ở động mạch gan hoặc tĩnh mạch cửa.
  • Rò mật hoặc hẹp đường mật.
  • Chảy máu sau mổ.
  • Nhiễm trùng sau mổ.

7. Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Máy chụp CT 640 lát, TSX – 301C
  • Phòng mổ Hybrid IGS730 hiện đại nhất thế giới

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Để tiến hành ghép bệnh nhân sẽ được đánh giá một số điều kiện nhất định:
  • Có bệnh gan nặng mà chữa bằng những phương pháp khác không hiệu quả.
  • Không mắc các bệnh tim hoặc phổi nghiêm trọng. Nếu mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần phải được theo dõi và chú ý.
  • Trong vòng 5 năm vừa qua và hiện tại cũng không bị ung thư.
  • Sàng lọc không có ung thư nào khác (ngoài ung thư gan).
  • Không uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích.
  • Sẵn sàng với việc uống thuốc suốt đời sau khi phẫu thuật.
  • Đối với người hiến sống cũng cần được đánh giá:
  • Phù hợp về nhóm máu (ABO, Rh) với bệnh nhân.
  • Không mắc viêm gan B, HIV, các bệnh lý ung thư.
  • Chụp CT Scan : ước tính thể tích gan và các phần gan phải, trái. (Phần gan để lại sau hiến cần đạt >= 40% gan nguyên thủy). Không có bất thường quan trọng về cấu trúc giải phẫu động mạch gan, tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan.
  • Chụp cộng hưởng từ: ước lượng độ nhiễm mỡ gan (<10-15%), dựng hình cây đường mật…
  • Sau khi phẫu thuật, người cho và người nhận gan đều phải được theo dõi sức khỏe trước khi về nhà. Đối với người hiến, thông thường thời gian theo dõi là khoảng 10 ngày sau phẫu thuật. Đối với người nhận, thời gian theo dõi trung bình là 30 ngày.
  • Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm định kỳ để chắc chắn rằng gan mới hoạt động tốt.
  • Người được ghép gan sẽ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, giúp cơ thể chấp nhận lá gan mới. 
  • Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ về việc tái khám và chẩn đoán. Với những bệnh nhân ung thư gan, đặc biệt những người đã mắc bệnh gan mãn tính, phải hạn chế rượu và chất kích thích vì các chất này rất có hại cho gan.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *