Kỹ thuật di động mô mềm

1. Tổng quan về Kỹ thuật di động mô mềm

  • Tên khoa học: Kỹ thuật di động mô mềm
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật 

Kỹ thuật di động mô mềm là phương pháp điều trị bằng tay cho các rối loạn cơ, xương, khớp (đau và hạn chế ROM) bằng các kỹ thuật như: Nén, day, kỹ thuật mô mềm trên cơ và các động tác di động các khớp, kéo dãn trượt độ II, độ III để phục hồi hiệu quả các rối loạn chức năng cột sống – xương- khớp. Kỹ thuật này phát triển từ hơn 20 năm nay, di động mô mềm bao gồm các thao tác xoa bóp, kéo dãn theo chiều dọc, di động theo chiều ngang kết hợp với lực ép xuống thích hợp nhằm làm di động các tổ chức phần mềm.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Thoát vị đĩa đệm
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng
  • Thoái hóa cột sống cổ

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Hạn chế tầm vận động khớp do nguyên nhân mô mềm
  • Sẹo bỏng ngoài da
  • Co cứng cơ trong các bệnh lý cột sống như thoái hóa, biến dạng bẩm sinh, thoát vị đĩa đệm…
  • Viêm bao gân vùng mỏm trâm quay (hội chứng De Quervain), viêm lồi cầu xương cánh tay (hội chứng Tennis elbow), ngón tay lò xo, hội chứng đường hầm cổ tay…

Chống chỉ định:

  • Các tổn thương ngoài da cấp tính như loét, vết thương hở, viêm nhiễm khuẩn
  • Bệnh tự miễn, tắc mạch
  • Các tổn thương tại xương khớp như gãy xương, trật khớp.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Là kỹ thuật được thực hiện bằng tay, tổng hợp các thao tác xoa bóp, kéo giãn theo chiều dọc, di chuyển theo chiều ngang kết hợp với lực ép xuống thích hợp nhằm di động các tổ chức phần mềm
  • Giúp lưu thông tuần hoàn máu, bạch huyết. 
  •  Giảm phù nề tại chỗ, giúp phục hồi các mô bị tổn thương. 
  • Thư giãn cơ bị co cứng giúp gia tăng tầm vận động khớp, phục hồi các chức năng vận động. 
  • Phá vỡ sự kết dính, làm mềm các mô sẹo hoặc các tổ chức xơ sợi, kém đàn hồi. 
  • Giảm đau, thư giãn, phục hồi sức khỏe. 

Nhược điểm:

Không thể áp dụng cho vùng da tăng cảm giác

4. Quy trình thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị người bệnh

  • Người bệnh được kiểm tra lại các thông tin về tình trạng bệnh lý toàn thân cũng như tại chỗ như mạch, huyết áp, tri giác nhận thức.
  •  Lượng giá trước điều trị bao gồm tình trạng đau, mức độ co cứng, tầm vận động khớp, cơ lực, cảm giác…

Bước 2: Tiến hành di động mô mềm

  • Người bệnh được hướng dẫn tư thế nằm hoặc ngồi đúng, thoải mái, thuận tiện để có thể thực hiện được kỹ thuật.
  • Kỹ thuật viên nhẹ nhàng thực hiện các thao tác xoa bóp, kéo dãn theo chiều dọc, di động theo chiều ngang kết hợp với lực ép xuống thích hợp nhằm làm di động các tổ chức phần mềm, trong khi không gây cảm giác khó chịu hay đau đớn cho người bệnh.  Thời gian thực hiện kỹ thuật: 15 – 30 phút cho 1 nhóm cơ hay một đoạn chi, một vùng cơ thể tùy theo tình trạng bệnh lý.
  • Kết thúc kỹ thuật, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra lại tình trạng đau, mức độ co cứng, tầm vận động khớp, cơ lực, cảm giác của người bệnh.

Bước 3: Ghi chép hồ sơ bệnh án

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Sau khi điều trị bệnh nhân có thể sẽ có cảm giác đau tăng lên nhưng nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giảm đau thì đáp ứng.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Đau kéo dài quá 24 giờ
  • Phù nề
  • Tăng co cứng cơ 
  • Viêm tại chỗ do lực tác động quá lớn hoặc không đúng.

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Ngoài phương pháp trị liệu bằng kỹ thuật di động mô mềm, tùy mức độ đau Bác sĩ sẽ chỉ định thêm kết hợp thêm các phương thức vật lý trị liệu bằng máy: siêu âm, điện trị liệu, sóng ngắn, máy kéo lưng, kéo cổ,… 
  • Trong khi thực hiện kỹ thuật, người bệnh hãy nói cho kỹ thuật viên biết về cảm giác của mình (đau, khó chịu, căng tức…hay thoải mái, thư giãn, giảm đau) để kỹ thuật viên quyết định lực tác động thích hợp.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *