Kỹ thuật ECMO điều trị suy hô hấp cấp nặng

1. Tổng quan về Kỹ thuật ECMO điều trị suy hô hấp cấp nặng hoặc/và suy tuần hoàn cấp nặng ở người lớn

  • Tên khoa học: Điều trị suy hô hấp/Suy tuần hoàn cấp nặng bằng kỹ thuật ECMO
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:  

Máy ECMO có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi. Những người cần sự hỗ trợ từ máy ECMO cần được chăm sóc trong đơn vị hồi sức tích cực (ICU) của bệnh viện. Thông thường, những người cần được hỗ trợ chỉ sử dụng máy ECMO trong một vài giờ đến một vài ngày, nhưng một số người có thể cần phải sử dụng ECMO trong một vài tuần, tùy thuộc vào diễn tiến bệnh. Có rất nhiều sự chồng lấp và sự khác biệt giữa việc sử dụng ECMO ở trẻ em và người lớn. 

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

ECMO được chỉ định cho các bệnh nhân có suy hô hấp cấp, suy tuần hoàn cấp đe dọa tính mạng không đáp ứng với các điều trị thường quy và có khả năng hồi phục. Triển khai kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định và chống chỉ định kỹ thuật. 

Chống chỉ định:

Chống chỉ định tuyệt đối 

  • Trong trường hợp bệnh nền có tiên lượng kém, khả năng hồi phục kém như: tổn thương thần kinh nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp không có khả năng hồi phục 
  • Ung thư giai đoạn cuối. 
  • Tăng áp lực phổi nặng mạn tính ( > 50 mmHg, trong V-V ECMO) 
  • Bệnh lý gan tiến triển 
  • AIDS giai đoạn cuối 
  • Ngừng tuần hoàn có người chứng kiến > 60 phút 
  • Tách thành động mạch chủ và hở van động mạch chủ nặng (V-A ECMO). 

Chống chỉ định tương đối trong các trường hợp sau 

  • Các chống chỉ định liên quan đến chảy máu không kiểm soát được 
  • Tiến hành muộn ở bệnh nhân suy hô hấp cấp nặng đã được đặt nội khí quản và thở máy trên 7 ngày. 

Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.

3. Quy trình thực hiện

  • Bệnh nhân được kết nối lần đầu tiên với máy ECMO thường đang được sử dụng thuốc an thần, bệnh nhân sử dụng máy ECMO thường đã được thở máy trước đó bằng một ống nội khí quản đặt qua miệng hoặc mũi xuống khí quản.
  • Bệnh nhân đang sử dụng máy ECMO cần được lấy máu kiểm tra thường xuyên về nồng độ O2 và CO2. Những xét nghiệm này được gọi là khí máu động mạch. Những bệnh nhân này cũng cần sử dụng thuốc kháng đông để tránh tình trạng đông máu.
  • Máy ECMO được kết nối với bệnh nhân thông qua các ống nhựa (ống cannula). Những ống này được đặt vào trong các động tĩnh mạch lớn ở chân, cổ hay ngực.
  • Máy ECMO bơm máu từ cơ thể của bệnh nhân đến phổi nhân tạo (oxygenator) để bổ sung O2 và loại bỏ CO2 ra khỏi máu. Vì vậy, nó sẽ thay thế chức năng phổi của người bệnh. Sau đó máy ECMO sẽ bơm máu trở lại cho bệnh nhân với lực bơm bằng với công co bóp của tim, tức là sẽ thay thế chức năng của tim. 
  • Máy ECMO được điều khiển bởi một chuyên gia ECMO, hoặc một điều dưỡng hoặc một bác sĩ chuyên khoa hô hấp đã được đào tạo chuyên sâu về ECMO. Các chuyên gia sẽ điều chỉnh những cài đặt trên máy để đảm bảo cung cấp cho bệnh nhân đầy đủ chức năng tim và phổi mà họ cần.

4. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Bệnh nhân được kết nối lần đầu tiên với máy ECMO thường đang được sử dụng thuốc an thần nên sẽ không cảm thấy quá trình các ống thông đi vào động tĩnh mạch của họ. Khi đã kết nối với máy ECMO, các ống thông sẽ không gây đau đớn gì. Những bệnh nhân đang sử dụng máy ECMO có thể được cho thuốc (thuốc an thần hoặc giảm đau) để giúp họ cảm thấy thoải mái. Những thuốc này cũng có thể làm cho họ buồn ngủ. Những bệnh nhân khác có thể tỉnh táo, nói chuyện và tương tác với mọi người khi họ đang sử dụng máy ECMO. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể tập thể dục để giúp hồi phục sức khỏe trong khi đang sử dụng máy ECMO. Tuy nhiên, một số động tác có thể gây gập khúc các ống ECMO, vì vậy bệnh nhân cần được hỗ trợ và giám sát cẩn thận khi họ đang luyện tập

5. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Xuất huyết: Xuất huyết ở các bộ phận khác nhau của cơ thể do các thuốc chống đông bệnh nhân cần sử dụng khi dùng máy ECMO. Nguy hiểm nhất khi xuất huyết xảy ra ở não, phổi, các vị trí đặt ống thông hoặc xuất huyết dạ dày.

Suy thận: Những bệnh nhân sử dụng máy ECMO đôi khi không nhận đủ lượng máu cung cấp cho thận. Điều này có thể làm cho thận ngừng hoạt động và gọi là “suy thận cấp”. Nếu thận ngừng hoạt động, bệnh nhân có thể cần phải chạy thận nhân tạo hay còn gọi là lọc máu. Thận bị tổn thương có thể được phục hồi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần lọc máu suốt đời.

Nhiễm trùng: Các ống thông của máy ECMO thông trực tiếp từ môi trường bên ngoài cơ thể vào trong dòng máu của bệnh nhân. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bởi vì các ống thông này chính là ngõ vào cơ thể cho mầm bệnh. Nhiễm trùng có thể lên tới phổi, hoặc bất kỳ cơ quan nào khác của cơ thể. Nhiễm trùng ở bệnh nhân sử dụng máy ECMO thường có thể được điều trị bằng các thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị nhiễm trùng đồng thời khi sử dụng máy ECMO có thể khiến cho bệnh trở nặng và tổn thương cơ quan.

Tổn thương chân: Một số bệnh nhân được kết nối với máy ECMO thông qua một tĩnh mạch hoặc động mạch ở đùi của họ. Trong một số trường hợp, điều này có thể làm giảm lưu lượng máu xuống chân đó, và các mô trong chân có thể chết. Nếu điều này xảy ra, các bác sĩ sẽ cố gắng khôi phục tình trạng tưới máu cho chân. Điều này thường có nghĩa là phải thay đổi vị trí đặt ống thông sang một vị trí khác của cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi tổn thương chân quá nặng khiến cho bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật và có thể phải đoạn chi.

Đột quỵ: Ở những bệnh nhân đang sử dụng máy ECMO, một số vùng nhất định của não có thể không có đủ lượng máu cần thiết do các cục huyết khối nhỏ. Điều này có thể gây ra đột quỵ não, và một vùng não có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Vùng não bị tổn thương sẽ biểu hiện những triệu chứng đột quỵ tương ứng. Một số bệnh nhân sẽ không thể cử động một số bộ phận trên cơ thể hoặc không thể nhìn thấy, ghi nhớ, nói chuyện, đọc hoặc viết. Đôi khi một số người có thể phục hồi một số chức năng sau cơn đột quỵ, nhưng trường hợp này rất ít xảy ra. May mắn thay, đột quỵ rất hiếm khi xảy ra và < 5% thời gian bệnh nhân sử dụng máy ECMO.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *