Liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân (AIET)

1. Tổng quan về Liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân (AIET)

  • Tên khoa học: Liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân (AIET)
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật

Liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân là liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể trong ngăn ngừa và tiêu diệt tế bào ung thư. Sự tăng cường hệ miễn dịch có thể được thực hiện bằng cách thu nhận các tế bào miễn dịch diệt tự nhiên (Natural Killer cells – NK) và tế bào T gây độc (cytotoxic T lymphocytes – CTLs) từ cơ thể người bệnh sau đó tăng sinh và hoạt hóa các tế bào này trong phòng thí nghiệm rồi truyền trở lại cơ thể người bệnh để các tế bào miễn dịch này sẽ tấn công các tế bào ung thư. Liệu pháp giúp người bệnh ung thư củng cố hệ miễn dịch để kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, tăng khả năng nhận diện và tấn công tế bào ung thư, tăng hiệu quả điều trị khi áp dụng các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị…Tại Việt Nam, liệu pháp miễn dịch tự thân đã được chuyển giao cho các bệnh viện lớn. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai liệu pháp đặc biệt này. Trước đó, từ năm 2015, Vinmec đã kết hợp với các Chuyên gia Nhật Bản để đón đầu tiếp nhận công nghệ này.

2. Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Ung thư thực quản
  • Ung thư phổi
  • Ung thư gan
  • Ung thư dạ dày
  • Ung thư tụy

3. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

Tất cả những bệnh nhân mắc các bệnh ung thư sau đang trong giai đoạn điều trị hoặc sau khi kết thúc điều trị đều có thể sử dụng liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân để điều trị:

  • Ung thư phổi
  • Ung thư dạ dày
  • Ung thư gan, mật, tụy,
  • Ung thư thực quản
  • Ung thư đại tràng
  • Ung thư phụ khoa (cổ tử cung), ung thư vú
  • Ung thư não
  • Các bướu đặc như vùng đầu cổ, melanoma giai đoạn III, IV, tái phát di căn đang trong giai đoạn điều trị hoặc sau khi kết thúc điều trị

Ngoài việc chỉ định cho các bệnh nhân đang điều trị ung thư, liệu pháp miễn dịch tự thân còn được sử dụng cho các bệnh nhân ung bướu đang được chăm sóc giảm nhẹ cũng có thể sử dụng liệu pháp này để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chống chỉ định:

  • Người đang mắc bệnh tự miễn.
  • Đang sử dụng thuốc chống thải ghép.
  • Ung thư máu dòng tế bào T hoặc NK.
  • Đang bị nhiễm khuẩn hoặc mắc các bệnh lý nội khoa nặng

4. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Liệu pháp giúp người bệnh tăng cường miễn dịch chung, do đó giúp giảm mệt mỏi mãn tính ở người bệnh ung thư.
  • Liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân giúp những người bệnh đã kết thúc điều trị bệnh ung thư giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm cơ hội: cúm, viêm phổi, viêm họng, nhiễm nấm.
  • Tăng hiệu quả điều trị ung thư

Nhược điểm:

  • Chi phí thực hiện cao.
  • Quy trình nuôi cấy tế bào miễn dịch luôn phải tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới & cơ quan chuyển giao kỹ thuật BIJ (Nhật Bản) để các chế phẩm truyền cho người bệnh đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

5. Quy trình thực hiện

  • Bước 1: Lấy 50 – 150ml máu cho 01 lần nuôi cấy.
  • Bước 2: Loại bỏ hồng cầu, tách lấy tế bào NK và T từ thể tích máu
  • Bước 3: Nuôi cấy và nhân lên trong phòng thí nghiệm tại môi trường BINKIT trong 2-3 tuần và sau đó được vận chuyển đến các bệnh viện, trung tâm điều trị bệnh nhân trong điều kiện 4oC-10oC. Trong 2-3 tuần, có thể nhân số lượng tế bào NK, T gấp 60-200 lần.
  • Bước 4: Truyền lại khối tế bào miễn dịch cho bệnh nhân. Thời gian thực hiện: 18 – 21 ngày

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Liệu pháp có thể sử dụng độc lập. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả điều trị được tăng cường khi kết hợp điều trị với các liệu pháp khác như hóa trị, xạ trị, nhiệt trị, phẫu thuật
  • Số lần thực hiện tùy giai đoạn bệnh, thể trạng người bệnh,..tối ưu là 6 lần/ 6 tháng và sau đó duy trì 1-2 lần/ năm.
  • Liệu pháp có thể kéo dài cho đến khi các dấu ấn ung thư suy giảm, hoặc khối u thoái lui hay vào giai đoạn không tiến triển

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *