Nội soi can thiệp – tiêm cầm máu

1. Tổng quan về Nội soi can thiệp – tiêm cầm máu

  • Tên khoa học: Nội soi can thiệp – tiêm cầm máu
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Nội soi can thiệp tiêm cầm máu là một phương pháp can thiệp điều trị nhằm mục đích cầm chảy máu tổn thương qua nội soi ống tiêu hoá. Biện pháp này có thể áp dụng cho tổn thương ở bất kể vị trí nào trong quá trình nội soi với ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, rẻ tiền, có thể áp dụng dễ dàng. Cơ chế tác dụng dung dịch tiêm gồm nước muối sinh lý pha Adrenalin gây phồng lớp tổ chức dưới niêm mạc ép  vào mạch máu đang chảy máu để làm cầm máu và Adrenalin gây co mạch tại chỗ. Tuy nhiên ngày nay không khuyến cáo dùng đơn thuần phương pháp này mà phối hợp với các phương pháp cầm máu khác.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Viêm đại tràng
  • Viêm loét dạ dày

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Ổ loét niêm mạc ống tiêu hoá đang chảy máu hoặc có dấu hiệu vừa chảy máu có nguy cơ tái xuất huyết cao (Phân loại Forrest độ IA, IB, IIA, IIB).
  • Rách tâm vị chảy máu
  • Sau can thiệp qua nội soi tiêu hoá, tổn thương chảy máu hoặc có nguy cơ cao chảy máu có thể chỉ định tiêm cầm máu.

Chống chỉ định:

  • Người bệnh đang trong tình trạng sốc giảm thể tích tuần hoàn, Huyết áp dưới 90/60mmHg.
  • Người bệnh nghi ngờ nhồi máu cơ tim, hội chứng mạch vành cấp, phình tách động mạch chủ, rối loạn nhịp tim phức tạp, tăng huyết áp không kiểm soát được, suy hô hấp.
  • Các trường hợp nghi ngờ thủng ống tiêu hoá.
  • Người bệnh không thể hợp tác được (bệnh lý tâm thần kinh), nếu bắt buộc nội soi phải sử dụng thuốc tiền mê.
  • Người bệnh có thai, nếu bắt buộc phải nội soi can thiệp phải giải thích trước cho người nhà và người bệnh các nguy cơ rủi ro cho thai và được sự đồng ý của người bệnh và gia đình, có ghi vào giấy cam đoan đồng ý làm thủ thuật.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Kỹ thuật đơn giản, có thể áp dụng dễ dàng.
  • Chi phí thấp.
  • Giúp cầm máu nhanh trong các trường hợp nguy cấp.

Nhược điểm:

Tiêm cầm máu bằng Adrenalin đơn thuần có nguy cơ tái chảy máu cao hơn so với phối hợp tiêm cầm máu bằng Adrenalin với kẹp clip hoặc cầm máu bằng nhiệt.

4. Quy trình thực hiện

  • Bước 1: Bệnh nhân được tiến hành nội soi tiêu hoá thông thường. Khi thấy tổn thương đang chảy máu hoặc đã chảy máu nhưng có nguy cơ tái phát chảy máu cao, hoặc các tổn thương sau can thiệp thủ thuật gây chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu cao thì tiến hành tiêm cầm máu.
  • Bước 2: Pha dung dịch Natri clorua và Adrenalin theo tỷ lệ Adrenalin 1mg/1ml + 9ml Natriclorua 0.9% vào xi lanh 10ml. Trong trường hợp không có Adrenalin, có thể sử dụng Natriclorua 0.9% đơn thuần, Natriclorua ưu trương hoặc nước cất. Nên tiêm mỗi lần 1 – 2ml vòng quanh rìa ổ loét. Nếu ổ loét lớn và sâu thì tiêm ở quanh vị trí gây chảy máu hoặc mạch máu nhìn thấy. Tối đa tiêm 20ml dung dịch Adrenalin và Natriclorua.
  • Bước 3: Kiểm tra tổn thương sau tiêm cầm chảy máu.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Đau chướng bụng

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Tụt huyết áp
  • Nôn ra máu
  • Đi ngoài ra máu
  • Đau ngực

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Phòng mổ Hybrid IGS730 hiện đại nhất thế giới

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Người bệnh phải nhịn ăn tối thiểu 6h. Nếu <6 giờ và cần phải nội soi can thiệp ngay thì người bệnh phải được rửa dạ dày sạch trước soi.
  • Trường hợp cấp cứu, người bệnh phải được hồi sức tích cực trước soi, bao gồm đặt đường truyền tĩnh mạch truyền dịch truyền máu để bù thể tích tuần hoàn,  thở oxy kính, mắc monitor theo dõi trước khi làm nội soi. Người bệnh suy hô hấp, rối loạn ý thức phải được đặt nội khí quản, kiểm soát tình trạng hô hấp trước soi.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *