Nội soi Robot cắt đoạn dạ dày

1. Tổng quan về Nội soi Robot cắt đoạn dạ dày

  • Tên khoa học: Nội soi Robot cắt đoạn dạ dày
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Phẫu thuật cắt đoạn dạ dày là can thiệp cần thiết trong nhiều trường hợp mắc bệnh về dạ dày.  Đây là loại phẫu thuật cắt bỏ một phần của dạ dày, thường do mắc bệnh loét dạ dày – tá tràng. Trong đó, loại phẫu thuật bán phần là điển hình, nghĩa là cắt bỏ đi 2/3 dạ dày ở phần dưới, cùng với môn vị. Khi việc dùng thuốc (điều trị nội khoa) đã không còn mang lại tác dụng như mong muốn, việc áp dụng phẫu thuật cắt dạ dày bằng nội soi robot là cần thiết.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Ung thư dạ dày
  • Loét dạ dày tá tràng

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Loét hành tá tràng có biến chứng thủng, hẹp, chảy máu, điều kiện cho phép (tại chỗ và toàn thân).
  • Ung thư dạ dày giai đoạn sớm, vùng hang môn vị gây biến chứng thủng, hẹp, chảy máu mà điều kiện toàn thân không cho phép nạo vét hạch.

Chống chỉ định:

  • Chống chỉ định của mổ cắt dạ dày:
    • Loét dạ dày tá tràng nhưng chưa điều trị nội theo kế hoạch, chưa có biến chứng hẹp, xuất huyết tiêu hóa, chưa thủng.
    • Người bệnh thể trạng yếu hay kèm bệnh nặng cấp.
  • Chống chỉ định của phẫu thuật nội soi:
    • Tiền sử mổ viêm phúc mạc, tắc ruột.
    • Cổ trướng tự do hoặc cổ trướng khu trú.
    • Thoát vị thành bụng, thoát vị rốn.
    • Nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng.
    • Bệnh lý rối loạn đông máu.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Phương pháp này có nhiều ưu điểm bởi hệ thống camera rõ nét độ phóng đại gấp 12 lần, cánh tay robot có khả năng gập duỗi, xoay 540 độ, giúp bác sĩ nhìn rõ trường mổ, ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật nhanh hơn, bệnh nhân sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, mất ít máu trong quá trình phẫu thuật.
  • Độ chính xác trong quá trình mổ rất cao.

Nhược điểm:

Kỹ thuật khó nên chỉ cần xảy ra một sai sót trong quá trình phẫu thuật cũng sẽ gây biến chứng nguy hiểm.

4. Quy trình thực hiện Nội soi Robot cắt đoạn dạ dày

Bước 1: Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh. Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như cao huyết áp, đái đường,… trước khi can thiệp phẫu thuật. Truyền máu nếu người bệnh có thiếu máu nhiều. Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.

Bước 2: Người bệnh nằm ngửa, gây mê nội khí quản. Trường hợp nguy cơ cao khi gây mê nội khí quản có thể gây tê ngoài màng cứng và gây tê tại chỗ.

Bước 3: Xác định vị trí đặt trocar

Bước 4: Phẫu thuật:

  • Thì I: Thăm dò, đánh giá thương tổn, thăm dò đánh giá tình trạng ổ loét, kiểm tra các tạng khác trong ổ bụng.
  • Thì II: Giải phóng bờ cong lớn dạ dày cắt bỏ và phẫu tích bờ cong nhỏ của dạ dày.
  • Thì III: Phẫu tích bó mạch môn vị, cặp bằng clip hay thắt chỉ.
  • Thì IV: Cắt và đóng mỏm tá tràng bằng máy cắt với đạn dùng cho đường tiêu hóa.
  • Thì V: Phẫu tích, cặp clip, cắt, hoặc buộc chỉ chắc động mạch vành vị.
  • Thì VI: Cắt phần dạ dày bằng máy cắt, dùng khoảng 2 đạn cho đường tiêu hóa.
  • Thì VII: Lập lại lưu thông tiêu hóa bằng cách nối mổ dạ dày dạ dày hỗng tràng kiểu finsterer bằng máy hoặc khâu tay qua nội soi.
  • Thì VIII: Kiểm tra, lấy bệnh phẩm và đóng các lỗ trocar.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Cảm giác đau vết mổ
  • Cảm giác khó chịu, buồn nôn
  • Tiểu nhiều hơn bình thường
  • Đi ngoài phân đen

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Chảy máu sau mổ (trong ống tiêu hóa, trong khoang phúc mạc)
  • Viêm tụy sau mổ
  • Nhiễm khuẩn sau mổ (viêm phúc mạc, viêm đại tràng có giả mạc)
  • Những biến chứng sớm ở quai tới (rò mỏm tá tràng, căng giãn và hoại tử thành quai tới).
  • Tai biến và biến chứng ở mỏm dạ dày và ở miệng nối dạ dày – hỗng tràng (hoại tử mỏm dạ dày do thiếu máu, rò miệng nối dạ dày – hỗng tràng, ứ đọng ở mỏm dạ dày).

6. Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Robot Da Vinci thế hệ nhất do Hoa Kỳ sản xuất

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải cực kỳ chú ý trong chuyện ăn uống để không bị loét miếng nối và để dạ dày (nay chỉ còn một phần) kịp tiêu hóa hết thức ăn. Người đã cắt dạ dày chỉ được phép dùng những thực phẩm chọn lọc và ăn từng ít một.
  • Vận động nhẹ nhàng và thăm khám sức khỏe định kỳ.
  • Sử dụng thuốc điều trị đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *