Nong và đặt stent động mạch vành

1. Tổng quan về Nong và đặt stent động mạch vành

  • Tên khoa học: Nong và đặt stent động mạch vành
  • Tên thường gọi: Can thiệp đặt stent động mạch vành
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Can thiệp động mạch vành qua da là kỹ thuật qua ống thông, luồn dây dẫn tới vị trí bị hẹp, tắc rồi đưa bóng và/hoặc stent lên để nong rộng chỗ hẹp, tắc và đặt stent để lưu thông lòng mạch. Việc can thiệp động mạch vành được tiến hành cùng với các thủ thuật đặc biệt khác như là khoan phá mảng xơ vữa (rotablator), hút huyết khối,…

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Động mạch vành bị hẹp từ 70% trên phim chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt mạch vành hoặc chụp mạch vành can thiệp, khi đó cần phải đặt stent. Tuy nhiên, đôi khi trong phòng chụp mạch, các bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật khác để đánh giá tổn thương hẹp trước khi quyết định đặt Stent.
  • Đau thắt ngực ổn định mà không khống chế được dù đã được điều trị nội khoa tối ưu.
  • Đau thắt ngực ổn định, có bằng chứng của tình trạng thiếu máu cơ tim (như xạ hình tưới máu cơ tim dương tính hoặc nghiệm pháp gắng sức dương tính) và tổn thương ở động mạch vành cấp máu cho một vùng cơ tím lớn.
  • Đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim cấp không có ST (một phần của điện tim) chênh lên mà phân tầng nguy cơ cao.
  • Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên.
  • Đau thắt ngực xuất hiện sau khi phẫu thuật cầu nối chủ vành.
  • Bệnh nhân có triệu chứng tái hẹp mạch vành sau can thiệp động mạch vành qua da.

Chống chỉ định:

  • Tổn thương không thích hợp cho can thiệp đặt stent
  • Tổn thương nhiều thân mạch vành.
  • Tổn thương mạch vành có nguy cơ cao dẫn đến tử vong nếu động mạch vành đó bị tắc lại trong quá trình can thiệp.
  • Bệnh nhân có thể trạng dễ chảy máu nặng như: bệnh nhân bị rối loạn đông máu, bệnh nhân có số lượng tiểu cầu thấp,…
  • Bệnh nhân không tuân thủ điều trị trước và sau khi làm thủ thuật can thiệp.
  • Bệnh nhân bị tái hẹp nhiều vị trí sau khi can thiệp.

Tuy nhiên có nhiều bệnh nhân có chống chỉ định tương đối, nhưng phương pháp can thiệp mạch vành qua da (đặt stent) lại là lựa chọn điều trị duy nhất của họ.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Đặt stent động mạch vành là một trong những phương pháp hiệu quả và tối ưu nhất để chống lại tắc nghẽn mạch vành, ổn định sức khỏe, ngăn ngừa tái tắc hẹp và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành.

Quy trình thực hiện

  • Bước 1: Mở đường vào mạch máu qua động mạch quay hoặc động mạch đùi.
  • Bước 2: Đặt ống thông can thiệp.
  • Bước 3: Tiêm heparin
  • Bước 4: Tiến hành can thiệp mạch vành
    • Trước tiên cần tiến hành nong động mạch vành.
    • Sau đó mới tiến hành đặt stent vào mạch vành, làm nở stent với áp lực phù hợp.
  • Bước 5: Chụp lại động mạch vành để đảm bảo không có biến chứng như lóc tách động mạch vành, dòng chảy chậm,…
  • Bước 6: Rút ống thông ra khỏi động mạch, khâu lại vị trí mở đường vào mạch máu lúc đâu. Kết thúc thủ thuật.

4. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Sau khi đặt stent, bệnh nhân buộc phải sử dụng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu liên tục để phòng huyết khối trong stent. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự động ngừng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Nguy cơ hình thành huyết khối
  • Đau ngực hoặc khó chịu ở ngực (giống đau thắt ngực) kéo dài 5 phút và không bớt sau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *