Phẫu thuật bắc cầu chủ vành kỹ thuật tim đập không dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể

1. Tổng quan về Phẫu thuật bắc cầu chủ vành kỹ thuật tim đập không dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành là phương pháp hữu hiệu nhất để điều trị các trường hợp hẹp nặng động mạch vành. Giúp cải thiện đáng kể lượng máu cung cấp cho cơ tim và chấm dứt các triệu chứng đau ngực. Bác sĩ – phẫu thuật viên – sẽ dùng một đoạn ống ghép bằng tĩnh mạch hoặc động mạch nối phía sau đoạn động mạch vành bị hẹp. Bác sĩ có thể lấy tĩnh mạch hiển ở chân, động mạch quay từ cổ tay, động  mạch vú trong bên trong thành ngực để làm đoạn mạch ghép.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ có chỉ định phẫu thuật bắc cầu chủ vành

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân có chức năng thất trái kém không đáp ứng được về huyết động

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Chi phí cạnh tranh, giảm thời gian nằm viện, phục hồi nhanh sau mổ, tránh được tác dụng có hại của máy tuần hoàn ngoài cơ thể.
  • Chấm dứt các cơn đau ngực và cảm giác hụt hơi – nặng ngực.
  • Giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống
  • Giúp bạn có thể sống lâu hơn với trái tim khỏe mạnh hơn.

Nhược điểm:

Cần phải được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn sâu và tay nghề vững vàng, tại cơ sở y tế có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ thiết bị y tế.

4. Quy trình thực hiện phẫu thuật bắc cầu chủ vành

Bước 1: Trước khi thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, mọi bệnh nhân đều được thăm khám kỹ lưỡng, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để đánh giá có thực sự phù hợp can thiệp này hay không.

Bước 2: Bệnh nhân sẽ được đưa lên phòng mổ, gây mê và thời lượng cuộc phẫu thuật sẽ tùy vào mức độ tắc nghẽn mạch vành, chiến lược can thiệp cũng như các sửa chữa trong tim kèm theo.

Bước 3: Cuộc mổ bắc cầu động mạch chủ- động mạch vành thường kéo dài 3-4 giờ. Đường mổ tiêu chuẩn qua đường giữa xương ức không có cắt cơ và cuối cuộc mổ sẽ kết hợp lại xương ức bằng các sợi chỉ thép không gỉ. Sau khi khám sát trực tiếp tim và khảo sát hệ mạch vành, các bác sĩ tiến hành phẫu tích các mảnh ghép tự thân để bắt cầu, ưu tiên dùng động mạch ngực trong trái xuất phát từ động mạch dưới đòn trái và chạy dọc sau bờ trái xương ức, tiếp đến là các tĩnh mạch hiển lấy từ chân và động mạch ngực trong phải hoặc động mạch quay lấy từ cẳng tay.

Đối với mảnh ghép động mạch ngực trong trái hoặc phải có cuống thì chỉ cần làm miệng nối xa trên mạch vành sau vị trí hẹp hoặc tắc nghẽn, đối với mảnh ghép rời thì phải làm hai miệng nối: Đầu gần trên động mạch chủ lên và đầu xa trên mạch vành. Để thực hiện miệng nối xa trên mạch vành, vùng làm miệng nối phải không di chuyển và kiểm soát chảy máu khi mở dọc động mạch vành. Có 2 kỹ thuật hiện nay được áp dụng

  • Kinh điển là kỹ thuật có dùng máy tim phổi nhân tạo hay còn gọi là máy tuần hoàn ngoài cơ thể. Kỹ thuật này đòi hỏi phải đưa máu ra hệ thống ống dẫn bằng nhựa đặc biệt, tiếp xúc với không khí và màng trao đổi khí nên ít nhiều sẽ dẫn đến các tác dụng có hại. Kỹ thuật này cũng cần cặp lại động mạch chủ và bảo vệ cơ tim bằng bơm dung dịch liệt tim để tim ngừng đập trong quá trình thực hiện các miệng nối xa. Một số tác dụng phụ của máy tim phổi nhân tạo và liệt tim có thể xảy ra tùy theo thời gian chạy máy kéo dài hoặc liệt tim kéo dài.
  • Kỹ thuật tim đập không dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể được thực hiện khi tim vẫn đập, không làm liệt tim. Bác sĩ phẫu thuật bộc lộ các vùng cần bắc cầu bằng cách khâu các sợi chỉ treo trên màng tim và kéo căng chỉ treo để bộc lộ các vùng tim theo mong muốn. Tim vẫn tiếp tục đập và đảm bảo huyết động của bệnh nhân. Vùng mạch vành cần mở dọc để làm miệng nối xa được ổn định bằng một giá đỡ chuyên dụng. Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải được đào tạo mổ mạch vành cơ bản với tim đập sau đó trải qua huấn luyện riêng cho kỹ thuật tim đập. Kỹ thuật này phụ thuộc tay nghề của bác sĩ phẫu thuật, ưu điểm là tránh được thiếu máu cơ tim toàn bộ trong mổ có dùng máy tim phổi nhân tạo có cặp động mạch chủ, tránh được các tác dụng phụ có hại của máy tim phổi nhân tạo
  • Sau khi cuộc mổ kết thúc, người bệnh sẽ chuyển sang phòng hồi sức và tập dần khả năng vận động cũng như tuân thủ điều trị nội và tái khám kiểm tra chức năng tim mạch mỗi tháng sau đó.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Khó thở
  • Buồn nôn

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Tái diễn triệu chứng thiếu máu cơ tim
  • Giảm khả năng gắng sức
  • Loạn nhịp tim….
  • Nhiễm trùng xương ức.
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Viêm phổi
  • Chảy máu sau phẫu thuật.

6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Uống thuốc đầy đủ và đúng liều.
  • Tập luyện thể thao thường xuyên, ở mức độ vừa phải.
  • Ăn uống lành mạnh.
  • Duy trì mức cân nặng lý tưởng
  • Tham gia các câu lạc bộ tim mạch để hiểu rõ hơn về các bệnh lý tim mạch và cách phòng ngừa.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *