Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không dùng máy tim phổi

1. Tổng quan về Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không dùng máy tim phổi

  • Tên khoa học: Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không dùng máy tim phổi
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là một loại phẫu thuật tim hở. Phẫu thuật viên sẽ sử dụng một đoạn mạch của bản thân bệnh nhân (có thể là động mạch từ trong lồng ngực gọi là động mạch ngực trong trái và phải, động mạch quay ở cẳng tay, tĩnh mạch ở đùi và cẳng chân) dùng làm mảnh ghép để “bắc cầu”, miệng nối gần ghép vào động mạch chủ trong trường hợp mảnh ghép rời, cho phép máu lưu thông trở lại đến phần động mạch vành ở sau vị trí hẹp hoặc bị tắc nghẽn. Máu nuôi tim sẽ đi theo một con đường mới, tim không còn bị thiếu máu và khả năng hồi phục lại sức co bóp có thể gần như hoàn toàn nếu phẫu thuật được thực hiện khi tình trạng thiếu máu cơ tim còn khả năng hồi phục.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Thiếu máu cơ tim

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Bệnh nhân > 40 tuổi và  <90 tuổi có bệnh lý xơ vữa động mạch nặng
  • Hội chứng mạch vành cấp
  • Chẩn đoán bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ do hẹp các mạch vành chính và các nhánh có kích thước lớn hơn 1 mm

Chống chỉ định:

Bệnh nhân có chức năng thất trái kém không đáp ứng được về huyết động, các buồng đã dãn lớn và khó hồi phục, các đối tượng có nguy cơ cao khi phẫu thuật hoặc thời gian sống ngắn, chất lượng cuộc sống đã kém. Đồng thời, phẫu thuật cũng sẽ không đạt được tính hiệu quả của nó nếu bệnh nhân chỉ hẹp một đoạn ngắn trên một nhánh mạch vành đơn độc.

Ưu điểm:

Tránh được thiếu máu cơ tim toàn bộ trong mổ có dùng máy tim phổi nhân tạo có cặp động mạch chủ, tránh được các tác dụng phụ có hại của máy tim phổi nhân tạo

3. Quy trình thực hiện – Phẫu thuật bắc cầu mạch vành

Bước 1: Chuẩn bị trước khi mổ

Bệnh nhân sẽ được chụp mạch vành, xác định các vị trí tắc hẹp, đánh giá bước can thiệp và thăm khám tiền mê, các xét nghiệm tiền phẫu cũng sẽ song song được thực hiện nhằm đánh giá tổng thể tình trạng các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, gan, thận, não và mạch máu.

Các bác sĩ sẽ gây mê giảm đau cho bệnh nhân. Cuộc mổ bắc cầu động mạch chủ- động mạch vành thường kéo dài 3-4 giờ.

Bước 2: Quy trình thực hiện

Bác sĩ phẫu thuật bộc lộ các vùng cần bắc cầu bằng cách khâu các sợi chỉ treo trên màng tim và kéo căng chỉ treo để bộc lộ các vùng tim theo mong muốn. Tim vẫn tiếp tục đập và đảm bảo huyết động của bệnh nhân. Vùng mạch vành cần mở dọc để làm miệng nối xa được ổn định bằng một giá đỡ chuyên dụng. Đường mổ tiêu chuẩn qua đường giữa xương ức không có cắt cơ và cuối cuộc mổ sẽ kết hợp lại xương ức bằng các sợi chỉ thép không gỉ. Sau khi khám sát trực tiếp tim và khảo sát hệ mạch vành, các bác sĩ tiến hành phẫu tích các mảnh ghép tự thân để bắt cầu, ưu tiên dùng động mạch ngực trong trái xuất phát từ động mạch dưới đòn trái và chạy dọc sau bờ trái xương ức, tiếp đến là các tĩnh mạch hiển lấy từ chân và động mạch ngực trong phải hoặc động mạch quay lấy từ cẳng tay.

Đối với mảnh ghép động mạch ngực trong trái hoặc phải có cuống thì chỉ cần làm miệng nối xa trên mạch vành sau vị trí hẹp hoặc tắc nghẽn, đối với mảnh ghép rời thì phải làm hai miệng nối: Đầu gần trên động mạch chủ lên và đầu xa trên mạch vành. Để thực hiện miệng nối xa trên mạch vành, vùng làm miệng nối phải không di chuyển và kiểm soát chảy máu khi mở dọc động mạch vành.

Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Bệnh nhân tỉnh táo sau khi hết thuốc mê
  • Không có biểu hiện khó thở, chảy dịch tại vết mổ

4. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Sốt cao trên 38 độ C
  • Đỏ, sưng tấy, chảy máu hoặc chảy dịch ở bất kì vị trí nào tại vết mổ
  • Cảm giác đau đớn tăng dần ở vết mổ
  • Khó thở, nhịp tim nhanh bất thường
  • Sưng phù ở chân
  • Tê cánh tay, chân
  • Buồn nôn hoặc nôn

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *