Phẫu thuật cố định cột sống sử dụng hệ thống định vị (Navigation)

1. Tổng quan về Phẫu thuật cố định cột sống sử dụng hệ thống định vị (Navigation)

  • Tên khoa học: Phẫu thuật cố định cột sống sử dụng hệ thống định vị (Navigation)
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật

Đây là phẫu thuật ít xâm lấn có sử dụng robot hỗ trợ trong quá trình định vị, bắt vít qua cuống vào thân đốt sống lối sau. Mục đích nhằm tăng độ chính xác của quá trình bắt vít, giảm biến chứng do thương tổn thần kinh trong quá trình bắt vít, nâng cao tính an toàn và hiệu quả, rút ngắn thời gian phẫu thuật và thời gian nằm viện của người bệnh.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Người bệnh bị chấn thương cột sống, có bệnh lý cột sống phức tạp.
  • Người bệnh có trượt, mất vững cột sống thắt lưng – cùng
  • Bệnh vẹo cột sống, gù cột sống.
  • Các bệnh lý cột sống đoạn ngực – thắt lưng khác cần cố định nẹp vít qua cuống:
  • U nguyên phát/thứ phát
  • Chấn thương cột sống
  • Thoát vị đĩa đệm kèm hẹp ống sống ngực, thắt lưng nặng cần cố định cột  sống, giải ép rộng.

Chống chỉ định:

  • Người bệnh có biến dạng đốt sống hoặc dính đốt sống
  • Người bệnh loãng xương
  • Người bệnh có các bệnh lý không thể phẫu thuật

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Phẫu thuật cố định cột sống sử dụng hệ thống định vị (Navigation) sẽ tránh được tình trạng mất nhiều máu trong mổ.
  • Khoảng rạch da rất nhỏ, ít xâm lấn, nên vết thương không phải tiếp xúc nhiều với môi trường vì vậy mà khả năng nhiễm trùng rất nhỏ so với mổ thông thường.
  • Rút ngắn thời gian mổ, ít xảy ra tai biến.
  • Sức khỏe bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, vết sẹo sau phẫu thuật rất nhỏ, thẩm mỹ cao.
  • Định vị chính xác vị trí tổn thương, kiểm soát các tai biến trong quá trình mổ, đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra an toàn, rút ngắn thời gian và đạt hiệu quả cao nhất.

Nhược điểm:

Phẫu thuật cố định cột sống sử dụng hệ thống định vị (Navigation) đòi hỏi trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao.

4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật cố định cột sống

Bước 1: Chuẩn bị

Người bệnh sẽ được hoàn chỉnh các xét nghiệm trước mổ, bệnh có chỉ định mổ phù hợp, được nghe giải thích và đồng ý với phương pháp mổ + các biến chứng, rủi ro có thể xảy ra trước, trong và sau mổ. Sau đó được khám gây mê trước mổ đảm bảo đủ sức khỏe để mổ.

Bước 2: Tiến hành

  • Người bệnh nằm sấp trên bàn mổ cột sống, được độn phía dưới 2 gai chậu và 2 vai bằng các miếng độn chuyên dụng.
  • Bác sĩ sẽ chọn phương tiện cố định, đặt Robot vào vị trí trên Platform, Robot sẽ tự động thao tác xác định vị trí như kế hoạch đã lên trước mổ. Thông qua hệ thống ống nong, phẫu thuật viên sẽ tách cơ lưng ra khỏi vị trí cần bắt  vít. Sau đó tiến hành khoan, đặt kim dẫn đường qua cuống vào thân đốt sống.
  • Tháo hệ thống tay dẫn đường và ống nong, lưu kim dẫn đường để bắt vít theo đường dẫn của kim qua da và cuống sống vào thân đốt sống.
  • Đặt thanh dọc, ốc khóa trong và siết ốc bằng bộ dụng cụ hỗ trợ ít xâm lấn.
  • Dẫn lưu, cố định dẫn lưu.
  • Khâu phục hồi vết mổ.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Trong 02 ngày đầu, bệnh nhân gây mê nội khí quản sẽ có cảm giác viêm đau, sưng tấy vùng hầu họng và ho, đó là hậu quả của kích thích ống nội khí quản trong quá trình gây mê.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải một số biểu hiện bình thường như:

  • Cơ thể rét run
  • Mạch đập nhanh
  • Cảm thấy đau đầu
  • Bụng trước căng, gõ vang gây cảm giác tức khó thở.

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Vết mổ bị nhiễm trùng, tấy đỏ
  • Tình trạng tụ máu vết mổ và nguy cơ rò dịch não tủy
  • Co giật tại cột sống, co giật dọc chân tay
  • Có cảm giác tê bì kiến bò, cảm giác vùng phẫu thuật bị bóp chặt co rút
  • Bí tiểu do chèn ép tủy

7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Bệnh nhân sau phẫu thuật cột sống về cần được nằm trên giường cứng với gối kê đầu thấp, và nên cố gắng hạn chế vận động, xoắn vặn cơ thể trong 24h đầu tiên.
  • Bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng trong nhà, lên xuống cầu thang, nhưng hạn chế các động tác xoắn vặn cột sống, cúi ưỡn cột sống quá mức trong 3 tháng đầu tiên sau mổ.
  • Tránh nằm ngủ trên võng, ghế sofa cúi bê chậu quần áo, chậu cây cảnh, ngồi bệt  khoanh chân vòng tròn.
  • Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp là dùng đồ ăn uống nhẹ nhàng như súp, cháo, sữa loãng đầy đủ không cần ăn kiêng. Nên ăn nhiều đạm, rau xanh, chuối chín, uống 1,5-2 lít nước/ngày có thể bằng nước lọc hoặc nước ép hoa quả.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *