Phẫu thuật Crossen

1. Tổng quan về Phẫu thuật Crossen

Tên khoa học: Phẫu thuật Crossen

Mô tả sơ bộ kỹ thuật: 

  • Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật sa sinh dục, trong đó có phương pháp Crossen. Phương pháp Crossen là cắt toàn bộ tử cung theo đường âm đạo, khâu treo lại bàng quang, sau đó khâu các mỏm dây chằng ở hai bên lại với nhau làm thành một cái phên vững chắc cùng với mỏm khâu âm đạo để không cho ruột sa xuống. Phương pháp này dùng cho người trên 40 tuổi và sa sinh dục độ III. Đây là một phẫu thuật khó, chỉ được áp dụng ở tuyến Trung ương hoặc tuyến tỉnh.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Sa sinh dục

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Sa sinh dục độ II, III
  • Đủ sức  khỏe để thực hiện cuộc phẫu thuật lớn.
  • Không còn nguyện vọng sinh con.
  • Không có viêm nhiễm sinh dục, nếu có phải điều trị triệt để.
  • Không có viêm dính tiểu khung do mọi nguyên nhân.
  • Không có bệnh lý nặng kèm theo.

Chống chỉ định:

  • Tử cung hạn chế di động.
  • Ung thư xâm nhiễm tử cung, cổ tử cung, âm đạo.
  • Bệnh nhân còn trong tình trạng viêm nhiễm và các bệnh lý khác như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường.
  • Các bệnh của các cơ quan kế cận như buồng trứng, vòi trứng.
  • Khoang âm đạo quá chật, không tiếp cận với cổ tử cung.
  • Kích thước tử cung quá lớn.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm

  • Phẫu thuật Crossen là một phương pháp chung của cắt tử cung qua đường âm đạo có thể điều trị triệt để bệnh.
  • Không vết mổ trên bụng đảm bảo tính thẩm mỹ cao.

Nhược điểm:

  • Điều kiện phẫu trường không thuận lợi (hẹp) nên có những khó khăn nhất định trong việc xử lý các mạch máu và dễ bị tụt các cuống mạch trong sâu nếu không cẩn thận.
  • Là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ trình độ cao.

4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật Crossen

Bước 1: Sát trùng và thông tiểu 

Bước 2: Rạch và bóc tách thành âm đạo trước và bàng quang 

  • Crossen dùng đường rạch ngang trên cổ tử cung khoảng 1 đến 1,5 cm.
  • Dùng kéo lách vào lớp bóc tách để bóc tách lên phía trên. Bóc tách đến đâu cắt dần mảnh niêm mạc âm đạo đến đấy 
  • Dùng kẹp cặp gạc củ ấu để tách đẩy bàng quang khỏi thành âm đạo ở phía trước và mặt trước tử cung ở phía sau cho đến khi đẩy được phần bàng quang sa lên qua túi cùng trước. Khi bóc tách cần chú ý rạch đúng lớp (qua mạc Halban, mạc dưới niêm mạc âm đạo) 
  • Cắt dây chằng bàng quang – tử cung 
  • Bóc tách kỹ hai bên bàng quang lên tận cùng túi cùng trước để tránh tổn thương hay gặp niệu quản .

Bước 3: Rạch và bóc tách niêm mạc âm đạo thành sau Kéo cổ tử cung lên cao và ra phía trước.

  • Rạch ngang phía sau vòng theo cổ tử cung nối tiếp với đường rạch ngang phía trước 
  • Dùng ngón tay bọc gạc hoặc kẹp cặp gạc hình củ ấu nhỏ tách niêm mạc âm đạo sau và hai bên cho đến túi cùng Douglas sau khi bóc tách thân tử cung, bộc lộ dây chằng bên tử cung phần dưới của dây chằng rộng và đây chằng tử cung – cùng phía sau.

Bước 4: Cặp thắt và cắt cuống mạch, các dây chằng, cắt bỏ tử cung.

  • Dùng gạc dài đẩy bàng quang lên và đặt một van phía dưới khớp mu giữ cho 
  • Bàng quang khỏi tụt xuống, đồng thời bộc lộ túi cùng trước. 
  • Cắt phần dưới dây chằng bên (phần dưới dây chằng rộng) 
  • Mở túi cùng trước và túi cùng sau. 
  • Lộn đáy t ử cung xuống âm đ ạo: dùng hai ngón tay đưa vào túi cùng sau lộn 
  • Đáy tử cung qua túi cùng trước. 
  • Dùng ngón tay kiểm tra mặt sau các cuống mạch và dây chằng để làm mốc cặp. 
  • Dùng từng đôi kẹp có răng khỏe cặp cắt phần còn lại từng bên phải và trái tử cung. 
  • Kẹp dưới phần dưới dây chằng bên. 
  • Kẹp giữa cuống mạch tử cung. 
  • Kẹp trên cặp từ trên xuống, cặp cuống mạch vòi trứng, vòi trứng và dây chằng tròn. (Muốn cặp cắt dễ dàng các dây chằng thì phải kéo lệch tử cung sang phía đối diện) 
  • Sau khi cắt các cuống mạch và dây chằng, tử cung sẽ tụt ra ngoài âm đạo. 
  • Đóng phúc mạc bàng quang phía trước với phúc mạc cùng đồ ở phía sau. 
  • Dùng kẹp răng chuột hoặc hai sợi chỉ khâu phúc mạc bàng quang phía trước và sau phúc mạc cùng đồ phía sau để làm mốc khâu kín phúc mạc. 

Bước 5: Khâu kết hợp ở hai bên phía dưới bàng quang và cố định bàng quang không bị sa 

  • Bỏ van đỡ bàng quang và gạc đỡ bàng quang 
  • Kéo kẹp cặp buồng trứng và dây chằng tròn hai bên xuống để lộ phần giữa của dây chằng tròn 
  • Khâu vắt khép 2 dây chằng tròn. Các mũi đầu khép chặt hai dây chằng tròn hai bên và thành âm đạo ở phía dưới cổ bàng quang lại với nhau. Các mũi khâu sau chỉ khâu riêng hai dây chằng tròn cho đến đầu kẹp cặp 

Bước 6: Khâu buộc cuống mạch và dây chằng tạo thành một lớp tổ chức đỡ vùng tiểu khung 

  • Kéo khép 4 dây chằng và cuống mạch còn lại ở phía dưới lại với nhau 
  • Dùng chỉ Vicryl hoặc chỉ perlon bền khâu các mũi rời chồng lên nhau suốt từ trên xuống dưới, mũi khâu cuối cùng phải kéo hai dây chằng tử cung – cùng hai bên lên cao và khép gần kín vùng đáy chậu 
  • Sau khâu các dây chằng hai bên này với nhau, vùng đáy chậu và vòm âm đạo
  • được tăng cường một mảnh xơ cơ vững chắc. 

Bước 7: Khâu thành âm đạo trước  

  • Cắt lại phần thừa niêm mạc âm đạo trước để khi khâu âm đạo sẽ vừa sát với phần tổ chức dây chằng phía dưới 
  • Dùng chỉ Vicryl khâu mũi rời khép kín hai mép âm đạo phải và trái 

Bước 8: Phục hồi thành sau âm đạo. Thực hiện theo các thì đã mô tả ở trên 

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Chảy máu trong mổ thường xảy ra trong phẫu thuật sa sinh dục nói riêng cũng như trong các phẫu thuật phụ khoa nói chung

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Chảy máu do tụt hoặc buộc các mạch máu không hết
  • Tổn thương bàng quang, trực tràng do bóc tách
  • Nhiễm khuẩn do viêm loét âm đạo, cổ tử cung chưa điều trị khỏi
  • Sốt cao
  • Nhiễm trùng vết mổ, Nhiễm trùng đường tiết niệu,
  • Bục vết mổ, bí tiểu ,tắc ruột

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Theo dõi toàn trạng, các dấu hiệu sinh tồn đặc biệt trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật. 
  • Theo dõi tình trạng chảy máu qua âm đạo và chảy máu trong ổ bụng. 
  • Theo dõi và chăm sóc ống thông bàng quang. 
  • Chăm sóc vệ sinh: lau âm đạo, tầng sinh môn bằng dung dịch betadin hoặc các dung dịch sát trùng khác. 
  • Chế độ ăn: cho ăn lỏng sớm, vận động sớm sau mổ. 

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *